Kế hoạch 3590/KH-UBND năm 2024 ứng phó sự cố chất thải của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2024-2030

Số hiệu 3590/KH-UBND
Ngày ban hành 07/10/2024
Ngày có hiệu lực 07/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:3590/KH-UBND

Kon Tum, ngày 07 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI CỦA TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2024 - 2030

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030 và Công văn số 197/CV-UB ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về việc triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Công văn số 547/UB-HĐ ngày 23 tháng 9 năm 2024 của Hội đồng thẩm định Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về việc thông báo kết quả thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2024 - 2030 của tỉnh Kon Tum, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tỉnh Kon Tum giai đoạn 2024 - 2030 với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1.1. Mục đích

- Triển khai kịp thời Kế hoạch Quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2024 - 2030 nhằm hạn chế, giảm thiểu nguy cơ, sự cố môi trường do chất thải gây ra.

- Đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó khắc phục sự cố chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng các cấp trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố chất thải.

- Vận dụng, thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế, xã hội và môi trường.

1.2. Yêu cầu

- Xây dựng Kế hoạch theo khung hướng dẫn của Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030.

- Bảo đảm sẵn sàng ứng phó hiệu quả tại các khu vực dự kiến có thể xảy ra sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.

- Dự kiến được các tình huống sự cố chất thải xảy ra và đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của địa phương.

- Phân công nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác ứng phó sự cố chất thải.

- Bảo đảm thông tin liên lạc, phương tiện, trang thiết bị ứng phó, công tác hậu cần, y tế... cho các lực lượng tham gia ứng phó.

- Tuyên truyền và triển khai thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng lấy công tác phòng ngừa là chính, ứng phó nhanh, kịp thời, có hiệu quả đối với các sự cố chất thải xảy ra trên địa bàn tỉnh.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

2.1. Đặc điểm tình hình có liên quan đến chất thải

a) Đặc điểm địa lý

- Kon Tum là một trong 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên; có tọa độ địa lý từ 107°20'15" đến 108°32'30" Kinh độ Đông và từ 13°55'10" đến 15°27'15" Vĩ độ Bắc; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam (142km), phía Nam giáp tỉnh Gia Lai (203km), phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi (74km). Phía Tây giáp các tỉnh Sekong và Attapeu của Lào (154,222km đường biên giới) và giáp tỉnh Ratanariki của Campuchia (138,691 km đường biên giới).

- Là Tỉnh thuộc miền núi vùng cao, biên giới phía Bắc Tây Nguyên, Kon Tum có tổng diện tích đất tự nhiên là 9.677,29 km2, chiếm 2,92% diện tích toàn quốc (trong đó 63% diện tích Tỉnh được bao phủ bởi rừng). Toàn Tỉnh hiện có 09 huyện, 1 thành phố (thành phố Kon Tum), 102 xã, phường, thị trấn (trong đó có 13 xã biên giới giáp Lào và Campuchia).

- Tỉnh Kon Tum có vị trí tọa lạc tại khu vực ngã 3 Đông Dương, trong vùng lõi khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; giáp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; kết nối trực tiếp với hành lang kinh tế Đông - Tây (Myanma - Thái lan - Lào - Campuchia - Việt Nam); là điểm khởi đầu của trục phát triển kinh tế Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn. Tỉnh Kon Tum cách thành phố Đà Nẵng 300km theo Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), cách các khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội từ 110 - 160 km theo Quốc lộ 24 và Quốc lộ 19; được coi là điểm nối quan trọng giữa vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh và là khu vực bảo vệ môi trường sinh thái quan trọng của cả nước.

b) Đặc điểm địa hình

- Phần lớn lãnh thổ tỉnh Kon Tum nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn, một phần nhỏ diện tích (phía Đông huyện Kon Plông) nằm ở phía Đông Trường Sơn. Nhìn chung, địa hình tỉnh Kon Tum cao ở phía Bắc và thấp dần xuống phía Nam, đỉnh cao nhất là ngọn núi Ngọc Linh cao 2.598m. Địa hình rất đa dạng và phức tạp, với nhiều kiểu địa hình, núi cao, núi trung bình, núi thấp và vùng thung lũng đan xen nhau. Địa hình của Tỉnh được phân thành bốn dạng chính:

- Địa hình đồi núi trung bình và núi cao: Dạng địa hình này chiếm khoảng

597.400ha (61,73% diện tích tự nhiên), độ cao trung bình từ 1.200 - 1.600m, độ dốc trung bình từ 2 - 28° và có hai dạng chính: (1) Núi cao liền dải: phân bố chủ yếu ở phía Bắc và Đông Bắc, đặc biệt có dãy núi Ngọc Linh kéo dài từ Bắc - Tây Bắc xuống Nam - Đông Nam trên 200km và đồ sộ nhất Bắc Tây Nguyên (đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m). Khu vực này là nơi bắt nguồn của nhiều con sông lớn như: Thu Bồn, Vu Gia, Trà Khúc, Sê San (chảy sang Campuchia) và một phần lưu vực của thượng nguồn sông Ba. (2) Địa hình đồi núi cao: Đồi núi cao trung bình từ 500 - 700m, có mức độ chia cắt vừa đến mạnh và đều có hướng Bắc Nam.

- Địa hình đồi núi thấp: Có diện tích lớn thứ hai sau kiểu địa hình núi trung bình và núi cao, với diện tích khoảng 203.255 ha (21,01 % diện tích tự nhiên). Phân bố ở phía Tây, Tây Nam và vùng ven Quốc lộ 14 thuộc huyện Đăk Tô, Đăk Hà và thành phố Kon Tum. Độ cao tuyệt đối trung bình 400 - 500 m, độ dốc trung bình từ 20 - 25°. Độ che phủ của lớp thảm rừng thấp, rải rác một số diện tích rừng gỗ lá rộng, còn lại là rừng tre, nứa chiếm phần lớn. Vùng này thích hợp với sản xuất lâm nghiệp và nông lâm kết hợp; trồng cây lâu năm.

[...]