Kế hoạch 390/KH-UBND năm 2020 về ứng phó thảm họa hạn hán trên diện rộng tỉnh Bắc Kạn

Số hiệu 390/KH-UBND
Ngày ban hành 09/07/2020
Ngày có hiệu lực 09/07/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Đỗ Thị Minh Hoa
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 390/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 09 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ THẢM HỌA HẠN HÁN TRÊN DIỆN RỘNG TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự và Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về phòng thủ dân sự;

Căn cứ Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 19/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự;

Căn cứ Quyết định số 54/QĐ-UBND ngày 14/01/2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về Phòng thủ dân sự.

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 81/TTr-SNN ngày 03/7/2020.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó thảm họa hạn hán trên diện rộng với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chủ động nắm bắt tình hình thời tiết để triển khai kịp thời các phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn nước, lương thực phục vụ dân sinh, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; chủ động huy động mọi nguồn lực để phục vụ công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả.

- Có kế hoạch chủ động tổ chức sản xuất, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, phù hợp với khả năng cung cấp nước đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

- Chủ động điều tiết, dự trữ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người, gia súc và công nghiệp.

2. Yêu cầu

- Sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, tiết kiệm nước. Triển khai thực hiện công tác ứng phó với hạn hán theo nguyên tắc: Ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước phục vụ cho chăn nuôi, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; khuyến cáo nhân dân không sản xuất ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và chuyển sang sản xuất các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước; sử dụng kinh phí thực hiện công tác ứng phó hạn hán phải đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy trình, quy định.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao tính chủ động, tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

- Theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra cụ thể nguồn nước, xác định vùng đảm bảo nước, vùng nguy cơ hạn hán thiếu nước, chủ động điều tiết hợp lý và điều chỉnh lịch thời vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng cung cấp nước phục vụ sản xuất.

- Thực hiện nguyên tắc phòng, tránh là chủ yếu và phương châm “4 tại chỗ” (Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) nhằm tập trung mọi nguồn lực cho công tác khắc phục khô hạn thiếu nước một cách kịp thời và hiệu quả.

II. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG ỨNG PHÓ

1. Biện pháp phi công trình

1.1. Đối với sản xuất nông nghiệp

- Kiện toàn bộ máy tổ chức phòng chống hạn ở các địa phương trên cơ sở lấy Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn làm nòng cốt và tập trung toàn bộ các nguồn lực, các đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân ra sức phòng chống hạn có hiệu quả; các đơn vị và cán bộ chuyên môn triển khai công tác kiểm tra các vùng bị hạn, thường xuyên cập nhật số liệu hạn hán, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tốt công tác phòng chống hạn.

- Kiểm tra, đánh giá cụ thể nguồn nước các sông, suối, hồ, đập,... khoanh vùng diện tích cây trồng có khả năng khô hạn và những diện tích cây trồng không đủ nước, chủ động chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn, sử dụng ít nước nhưng vẫn hiệu quả kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đảm bảo nguồn nước sang cây trồng cạn khác như: ngô, khoai, đậu tương, lạc, rau màu các loại... Đối với vùng khó khăn về nguồn nước có thể xem xét quy hoạch chuyển sang cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm thích hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

- Bố trí lịch thời vụ gieo sạ gọn, tập trung, cụ thể từng vùng, từng cánh đồng theo khu vực kênh tưới để thuận lợi điều tiết nước làm đất, áp dụng tưới tiết kiệm, sử dụng giống ngắn ngày, chịu hạn cao. Phân loại diện tích các loại cây trồng để có thứ tự ưu tiên cấp nước tưới; ưu tiên cho cây trồng có giá trị thu hoạch cao, rút ngắn thời gian các đợt tưới, thực hiện tưới luân phiên, tưới ẩm ướt khô xen kẽ.

- Các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi xây dựng phương án chống hạn cụ thể trên địa bàn, tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn để kịp thời triển khai các giải pháp chống hạn thích hợp, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất do hạn hán gây ra.

- Rà soát, cập nhật cân đối nguồn nước, tiếp tục kiểm tra, tổng hợp cụ thể nguồn nước các hồ chứa để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp với khả năng nguồn nước, trong đó ưu tiên nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao và các khu công nghiệp khi hạn hán xảy ra.

- Tăng cường công tác quản lý phân phối và sử dụng nguồn nước tiết kiệm (áp dụng phương pháp tưới luân phiên, tưới tiết kiệm nước....), hạn chế thất thoát nước, đồng thời có biện pháp chống thấm, giảm lượng nước rò rỉ đến mức thấp nhất. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình hạn hán đến tận nơi sản xuất nhằm ứng phó kịp thời và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân.

- Tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất, nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn ở các địa phương và của các đơn vị cung cấp nước. Ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp tự ý ngăn chặn, đắp, đào xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới.

- Khuyến khích áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (như tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt) và triển khai nhân rộng các mô hình này.

[...]