Kế hoạch 5731/KH-UBND năm 2020 về phòng chống, ứng phó hạn mặn tỉnh Bến Tre đến năm 2025

Số hiệu 5731/KH-UBND
Ngày ban hành 30/10/2020
Ngày có hiệu lực 30/10/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Hữu Lập
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 5731/KH-UBND

Bến Tre, ngày 30 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG, ỨNG PHÓ HẠN MẶN TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2025

Để chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước vào mùa khô, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch phòng chống, ứng phó hạn mặn trên địa bàn tỉnh, như sau:

Phần I

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH XÂM NHẬP MẶN VÀ HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

I. DIỄN BIẾN VÀ THIỆT HẠI DO XÂM NHẬP MẶN GIAI ĐOẠN 2015-2020

Công tác phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm đều được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, huy động cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân tập trung thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Tuy nhiên, những năm gần đây tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, bất thường đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống, sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; cụ thể:

- Trong mùa khô năm 2015 - 2016, mặn tăng cao đột ngột và xâm nhập rất sâu, vào cuối tháng 3/2016, độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách các cửa sông khoảng từ 50 - 70km, độ mặn 1‰ xâm nhập trên phạm vi gần như toàn tỉnh (162/164 xã, phường, thị trấn). Ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.800 tỷ đồng, trong đó có khoảng 30.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và 1.800 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; 41.325 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

- Mùa khô năm 2019 - 2020, tỉnh Bến Tre đang phải đối mặt với đợt xâm nhập mặn có thể nói là khốc liệt nhất trong lịch sử, mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với đợt mặn lịch sử mùa khô năm 2015 - 2016. Ngay từ giữa tháng 11/2019 mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông chính, đến đầu tháng 12/2019 mặn xâm nhập nhanh và rất sâu, độ mặn 2‰ hầu như bao phủ toàn tỉnh Bến Tre; so với trung bình nhiều năm, mặn xâm nhập sớm hơn từ 2 - 3 tháng (tùy vị trí trên các sông); so với mùa khô năm 2015 - 2016, độ mặn cao nhất các trạm cao hơn từ 1 - 7‰; độ mặn 4‰ xâm nhập mặn sâu hơn so với năm 2016 từ 10 - 25 km trên các sông chính. Độ mặn cao và duy trì từ tháng 12/2019 làm cho nguồn nước trên sông Hàm Luông và Cửa Đại không có nước ngọt, riêng trên sông Cổ Chiên xuất hiện những đợt nước độ mặn thấp từ tháng 3 có thể phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân (chủ yếu các xã ven sông thuộc huyện Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc).

Theo số liệu thống kê, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 đã gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; cụ thể: 5.401 ha lúa vụ Đông Xuân 2019 -2020 (vụ 3) chết (tỉnh đã có khuyến cáo không sản xuất nhưng do người dân tự ý xuống giống); rau màu bị ảnh hưởng 168 ha; 27.985 ha cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng (trong đó: 6.674 ha diện tích ảnh hưởng từ 30 - 70%, 2.603 ha thiệt hại trên 70% và 274 ha cây ăn trái có nguy cơ chết); khoảng 600 ha cây giống và 1,2 triệu cây hoa kiểng các loại bị ảnh hưởng; tất cả diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn đều bị ảnh hưởng, trong đó diện tích bị ảnh hưởng nặng là 2.110,1 ha; có khoảng 86.896 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Một số lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng như: các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chế biến; lĩnh vực thi công xây dựng, đô thị; du lịch;…

II. HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI VÀ KHẢ NĂNG CHỦ ĐỘNG ĐƯỢC NGUỒN NƯỚC NGỌT PHỤC VỤ SẢN XUẤT, SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, trong những năm qua tỉnh Bến Tre đã được đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng thuộc dự án Hệ thống thủy lợi Bắc - Nam Bến Tre; công trình Cống đập Ba Lai; hồ chứa nước Kênh Lấp, huyện Ba Tri; nhiều tuyến đê sông, đê bao cục bộ, đê bao các cồn,… Các công trình được đầu tư đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hệ thống công trình thủy lợi vẫn chưa được khép kín như: hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre đầu tư còn dở dang và Dự án quản lý nước (JICA3) vừa triển khai giai đoạn thiết kế và đấu thầu xây lắp,… do đó tỉnh chưa thể chủ động kiểm soát được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt, điển hình như mùa khô năm 2019 - 2020 vừa qua, thì các địa phương trong tỉnh đều bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng, độ mặn trên 20/00 đã bao phủ toàn tỉnh.

Phần II

MỤC TIÊU XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. MỤC TIÊU CHUNG

- Nhằm tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực của các ngành, các cấp địa phương và người dân trong công tác phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn.

- Tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn; đảm bảo thực hiện tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

- Phấn đấu đến năm 2023 cơ bản sẽ kiểm soát được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, vận động mỗi hộ gia đình chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn; đồng thời, phát huy tính sáng tạo, nhân rộng các biện pháp, mô hình hay để thực hiện trữ nước ngọt trong từng xóm, ấp và từng xã.

- Bố trí lịch thời vụ phù hợp với dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn hàng năm; khuyến cáo người dân không sản xuất ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới để tránh bị thiệt hại.

- Trong giai đoạn các công trình thủy lợi chưa được đầu tư khép kín cần tiếp tục thực hiện các giải pháp công trình đập tạm ngăn mặn, bờ bao cục bộ để tích trữ tối đa nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

- Tiếp tục đầu tư các đoạn còn lại của tuyến đê ven sông Hàm Luông, sông Tiền và các công trình cống thuộc huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và thành phố Bến Tre để kết hợp với các công trình đã và đang đầu tư tạo thành hệ thống khép kín cho cả hai Tiểu vùng Bắc - Nam Bến Tre giúp kiểm soát được nguồn nước, ngăn mặn xâm nhập từ các sông Tiền, Hàm Luông và Cổ Chiên, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

- Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống cấp nước sinh hoạt, nhất là Dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đầu tư xây dựng các hồ chứa nước ngọt phục vụ cho dân cư khu vực ven biển.

Phần III

DỰ BÁO TÌNH HÌNH

Qua 02 đợt xâm nhập mặn mùa khô năm 2015 - 2016 và mùa khô năm 2019 - 2020 vừa qua cho thấy tình hình xâm nhập mặn đang ngày càng diễn biến hết sức gay gắt, bất thường, không theo quy luật, trước đây mặn thường đạt đỉnh và duy trì trong tháng 3 sau đó giảm dần nhưng trong năm 2019 vừa qua mặn lại ở mức rất cao ngay từ tháng 12 và tiếp tục duy trì khoảng 5 tháng. Như vậy, với tình huống xâm nhập mặn bất lợi như năm 2019 - 2020 thì tỉnh Bến Tre chỉ còn khoảng trên dưới 6 tháng trong năm là có thể lấy, dự trữ nguồn nước ngọt phục vụ cho tất cả các hoạt động sản xuất, dân sinh trong mùa hạn mặn.

[...]