ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1987/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 15
tháng 6 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
ỨNG PHÓ THẢM HỌA HẠN HÁN TRÊN DIỆN RỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
KON TUM
Căn cứ Nghị định số
02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;
Căn cứ Quyết định số
1042/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế
hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019
của Chính phủ về Phòng thủ dân sự;
Căn cứ Quyết định số 987/QĐ-TTg
ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển
khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư
Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa,
ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6
năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Kế hoạch số 1443/KH-UBND
ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc triển khai thực
hiện Nghị định số 02/2019/NĐ -CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân
sự, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch ứng phó thảm họa hạn hán
trên diện rộng trên địa bàn tỉnh Kon Tum với nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Chủ động phòng ngừa, ứng phó
kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thảm họa hạn hán gây ra,
tập trung huy động mọi nguồn lực khắc phục hiệu quả sau thiên tai.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức lại
sản xuất, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp với khả năng cung cấp nguồn
nước đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh nhằm khai thác những lợi
thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát
triển nông nghiệp bền vững.
- Chủ động điều tiết, dự trữ
nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước phục vụ
sinh hoạt cho người, gia súc và công nghiệp.
2. Yêu cầu
- Tăng cường quản lý, khai thác
các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện theo quy định, quy trình vận hành hồ
chứa đã được phê duyệt; phát huy cao tinh thần trách nhiệm trong công tác
phòng, chống hạn, chủ động thực hiện các giải pháp chống hạn phục vụ sản xuất
nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh.
- Sử dụng tài nguyên nước một
cách hợp lý, tiết kiệm nước; ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, nước phục vụ cho
chăn nuôi, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; khuyến cáo
Nhân dân không sản xuất ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và chuyển sang sản xuất
các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước; sử dụng kinh phí thực hiện công tác
ứng phó hạn hán phải đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy trình, quy
định.
- Theo dõi diễn biến thời tiết,
khí hậu để triển khai kịp thời các phương án, các biện pháp ứng phó với hạn
hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu; tổ chức kiểm tra cụ thể nguồn
nước, xác định vùng đảm bảo nước, vùng nguy cơ hạn hán thiếu nước, chủ động điều
tiết hợp lý và điều chỉnh lịch thời vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
phù hợp với khả năng cung cấp nước phục vụ sản xuất.
- Nâng cao năng lực xử lý tình
huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ và tăng cường trách nhiệm của các cấp,
các ngành để ứng phó khi xảy ra hạn hán; thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn
tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu
cần tại chỗ).
II. NỘI DUNG
Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh,
các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện những giải pháp trọng
tâm nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng chống, ứng phó hạn hán trên diện
rộng trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
1. Về giải
pháp công trình
- Kiểm tra, rà soát hệ thống
công trình thủy lợi, thủy điện để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị
hư hỏng, xuống cấp; thực hiện việc nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống
kênh mương,… để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí.
- Đẩy nhanh tiến độ thi công
các công trình đang xây dựng để đưa vào vận hành khai thác, kịp thời tích trữ
nước phục vụ sản xuất và dân sinh.
- Quản lý chặt chẽ các công
trình thủy lợi không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước tới cuối khu tưới.
Thực hiện tưới khoa học, tưới từ khu xa đầu mối trước xong mới tưới khu gần đầu
mối sau; khu cao tưới trước khu trũng tưới sau.
- Tăng cường công tác quản lý,
điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch. Việc phân phối nước phải có sự phối
hợp đồng bộ giữa đơn vị quản lý cấp nước (Trạm quản lý thủy nông huyện,
thành phố...) với các hộ dùng nước (tổ chức, hộ gia đình...), bám
sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng.
- Các đơn vị quản lý cử cán bộ
thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến mực nước của các công trình thủy lợi,
thủy điện để báo cáo kịp thời về các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử
lý khắc phục.
- Có kế hoạch điều hòa, phân phối
nước hợp lý để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt,
chăn nuôi, cây trồng lâu năm...) và sản xuất nông nghiệp.
2. Về sản
xuất nông nghiệp
- Rà soát, kiện toàn bộ máy tổ
chức phòng, chống hạn ở các địa phương trên cơ sở lấy Ban Chỉ huy Phòng, chống
thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn làm nòng cốt và tập trung toàn bộ các nguồn lực
phòng, chống hạn; các đoàn thể tuyên truyền vận động Nhân dân ra sức phòng, chống
hạn có hiệu quả; các đơn vị và cán bộ chuyên môn triển khai công tác kiểm tra
các vùng bị hạn, thường xuyên cập nhật số liệu hạn hán, tham mưu cho cấp ủy,
chính quyền chỉ đạo tốt công tác phòng, chống hạn.
- Theo dõi, kiểm tra, đánh giá
cụ thể nguồn nước các sông, suối, hồ, đập,... khoanh vùng diện tích cây trồng
có khả năng khô hạn và những diện tích cây trồng không đủ nước, chủ động chuyển
đổi sang trồng các loại cây trồng cạn, sử dụng ít nước nhưng vẫn hiệu quả kinh
tế. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đảm bảo nguồn nước
sang cây trồng cạn khác như: Ngô, khoai, đậu tương, lạc, rau màu các loại... Đối
với vùng khó khăn về nguồn nước có thể xem xét quy hoạch chuyển sang cây công
nghiệp, cây ăn quả lâu năm thích hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
- Khuyến cáo Nhân dân xuống giống
theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng
vùng; sử dụng các giống cây thích nghi với điều kiện hạn hán; ứng dụng tiến bộ
khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu
nước hạn hán; tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương,... để tiết kiệm sử dụng
nước hiệu quả; khuyến cáo mức độ chịu hạn hán của một số loại cây trồng phổ biến
để người dân biết và lấy nước tưới cho phù hợp; kiên quyết không để người dân sản
xuất ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới.
- Hướng dẫn người dân các biện
pháp phòng, chống, ứng phó hạn hán trong lĩnh vực thủy sản, theo dõi tình hình
biến động của thời tiết và môi trường nước (nhiệt độ, ...) để khuyến cáo
người dân sản xuất, nuôi trồng cho phù hợp; hướng dẫn người dân bố trí thời vụ
nuôi thủy sản theo tình hình thực tế hạn hán.
- Các địa phương, đơn vị quản
lý khai thác công trình thủy lợi xây dựng phương án chống hạn cụ thể trên địa
bàn, tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại
chúng và dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn để kịp thời triển khai các giải
pháp phòng, chống hạn thích hợp, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất do hạn hán
gây ra.
- Thường xuyên rà soát, cập nhật,
cân đối nguồn nước; tiếp tục kiểm tra, tổng hợp cụ thể nguồn nước các hồ chứa để
xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp với khả năng nguồn nước, trong
đó ưu tiên nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có
giá trị kinh tế cao khi hạn hán xảy ra.
- Tăng cường công tác quản lý
phân phối và sử dụng nguồn nước tiết kiệm (áp dụng phương pháp tưới luân
phiên, tưới tiết kiệm nước....), hạn chế thất thoát nước, đồng thời có biện
pháp chống thấm, giảm lượng nước rò rỉ đến mức thấp nhất; tăng cường công tác
kiểm tra, theo dõi tình hình hạn hán đến tận nơi sản xuất nhằm ứng phó kịp thời
và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân.
3. Về cấp
nước sinh hoạt, công nghiệp
- Các địa phương phối hợp với
các đơn vị quản lý khai thác hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tính
toán, cân đối nguồn nước ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt, công nghiệp; theo dõi,
nắm bắt tình hình thiếu nước sinh hoạt, đề xuất các biện pháp cấp nước thích hợp.
- Các đơn vị quản lý công trình
nước sinh hoạt và cấp nước sinh hoạt có kế hoạch đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho
người dân, các khu công nghiệp trên địa bàn quản lý khi hạn hán xảy ra trên diện
rộng.
- Một số hệ thống cấp nước nhỏ
lẻ, các giếng nước của người dân do ảnh hưởng hạn hán không đủ nước, tiến hành
các biện pháp như: Đào thêm giếng, tăng cường các phương tiện vận chuyển để cấp
nước, không để thiếu nước sinh hoạt và bùng phát dịch bệnh do hạn hán kéo dài.
4. Công tác
thông tin, tuyên truyền
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, vận động Nhân dân, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp nâng cao ý thức
trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
- Xây dựng và phát sóng các
chuyên mục, các bài viết hướng dẫn, tuyên truyền biện pháp phòng, chống, ứng
phó thảm họa hạn hán trên diện rộng để người dân biết và thực hiện, đặc biệt là
tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực, chủ động trong việc sử dụng nước tiết
kiệm, hiệu quả.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố và các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi triển khai
thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai
thực hiện trình cấp có thẩm quyền theo quy định để kịp thời chỉ đạo.
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên
quan tổ chức kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ
thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh, tính toán cân bằng nguồn nước để điều chỉnh,
bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước phù hợp với thực tiễn nguồn
nước, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
- Thường xuyên theo dõi diễn biến
thời tiết, nguồn nước, nhận định tình hình hạn hán, phổ biến đến các cấp chính
quyền và người dân để chủ động ứng phó; xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với
khả năng nguồn nước; tổng hợp báo cáo chung toàn tỉnh về nguồn nước, kế hoạch
chống hạn.
- Xây dựng và ban hành lịch thời
vụ, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí cơ cấu giống, phổ biến các biện
pháp, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước tưới.
- Tiếp tục triển khai thực hiện
quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án quản lý hạn hán trên địa bàn tỉnh
Kon Tum (Quyết định 1161/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân
dân tỉnh); tiếp tục rà soát, cập nhật xây dựng bản đồ phân vùng hạn hán,
đánh giá rủi ro do hạn hán trên địa bàn toàn tỉnh.
- Phối hợp với các Công ty thủy
điện thực hiện điều tiết nước phục vụ tưới, đặc biệt là nước cho sản xuất và
dân sinh vùng hạ du công trình; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc
điều tiết nguồn nước tưới và triển khai thực hiện các phương án phòng chống hạn
khi có yêu cầu của địa phương.
- Phối hợp với các sở, ngành
liên quan rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo các đơn vị liên quan bố
trí nguồn vốn để hoàn thành các công trình thủy lợi đang thi công, đầu tư sửa
chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi đang bị xuống cấp, để bảo đảm an toàn
cho công trình, đảm bảo nguồn nước tưới cho các loại cây trồng.
- Tăng cường công tác kiểm tra
nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, tổng hợp và kịp thời báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh để xem xét, chỉ đạo.
- Kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu
tư đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nước
sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh; đối với các công trình hồ chứa đang triển
khai thi công chỉ đạo chủ đầu tư có các giải pháp thi công phù hợp để đảm bảo
khả năng tích nước tại các hồ chứa để phục vụ sản xuất.
2. Sở Tài
chính: Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông và các đơn vị, địa
phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố
trí nguồn kinh phí sự nghiệp triển khai Kế hoạch này theo quy định của Luật
ngân sách nhà nước và các văn bản quy định khác có liên quan, phù hợp với khả
năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện
hành.
3. Sở
Công Thương
- Đề nghị các Chủ đầu tư đập, hồ
chứa nước thủy điện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp
huyện và các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi căn cứ lịch thời vụ
và tình hình thời tiết để thực hiện việc điều tiết nước hồ chứa thủy điện theo
đúng quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đảm bảo nguồn
nước tưới cho vùng hạ du.
- Chỉ đạo Công ty Điện lực Kon
Tum đảm bảo hệ thống nguồn, lưới điện ổn định, cung cấp điện cho các trạm bơm
tưới nước trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác ứng cứu hạn hán.
4. Sở Tài
nguyên và Môi Trường
- Theo dõi đề nghị Đài Khí tượng
Thủy văn tỉnh Kon Tum thực hiện việc quan trắc, dự báo, cảnh báo về tình hình
diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn, khô hạn, thiếu nước cung cấp kịp thời
các bản tin cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
Phương án điều tiết nước cho vùng hạ du các hồ thủy điện trên lưu vực sông Sê
San trong trường hợp xảy ra hạn hán thiếu nước mà các hồ không thể đảm bảo việc
vận hành hồ chứa theo Quy trình vận hành liên hồ chứa ban hành kèm theo Quyết định
số 215/QĐ-TTg ngày 13 tháng 2 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.
5. Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố
- Chủ động đảm bảo nguồn nước
sinh hoạt tới từng hộ, thôn, xã, phường, thị trấn ở các vùng thường xuyên thiếu
nước sinh hoạt; tăng cường sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước cho
các hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước như: Bồn trữ nước, máy lọc
nước hộ gia đình, hóa chất xử lý nước. Trường hợp cấp bách, không còn nguồn cấp
nước cho sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện lưu động, như: Xe chuyên dụng
chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư, hộ gia đình.
- Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp
với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn
nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa
sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ
phát triển theo số lượng sang chất lượng.
- Triển khai xây dựng kế hoạch
sản xuất bám sát lịch thời vụ và kế hoạch lấy nước từ hồ chứa thủy lợi cho vụ sản
xuất trong mùa khô tại địa phương để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp
khi hạn hán xảy ra.
- Chỉ đạo các phòng ban liên
quan phối hợp Ủy ban nhân dân cấp xã thường xuyên kiểm kê toàn bộ diện tích cây
trồng có nhu cầu sử dụng nước như lúa, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày,...
;trên cơ sở đó xây dựng các phương án sản xuất, cấp nước tưới cho diện tích cây
trồng trên địa bàn phù hợp hiệu quả.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp
xã phổ biến, khuyến khích Nhân dân thực hiện các biện pháp trữ nước bằng xây dựng
các ao, bể chứa, đắp phai tạm...; tăng cường huy động lực lượng tại địa phương
tu sửa, nạo vét, phát dọn các tuyến kênh mương nội đồng đảm bảo dẫn nước tưới đến
mặt ruộng, đắp bờ, tôn cao các ao, hồ nhỏ để nâng cao dung tích trữ nước đầu
mùa mưa. Giám sát chặt chẽ việc điều tiết nguồn nước tưới của các đơn vị được
giao khai thác các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.
- Thường xuyên kiểm tra xử lý
các trường hợp vi phạm đến phạm vi công trình thủy lợi, tự ý vận hành cống điều
tiết tại các hồ chứa, kênh mương.
- Tăng cường công tác kiểm tra
nguồn nước; triển khai kế hoạch gieo, cấy theo đúng lịch thời vụ để tiết kiệm
nguồn nước; không để nông dân gieo sạ ở những nơi không đủ nguồn nước, những
vùng thường bị mất trắng; có khuyến cáo Nhân dân chuyển đổi sang cây trồng cạn
sử dụng ít nước, có kết hợp tính toán đến đầu ra của sản phẩm.
- Khuyến khích Nhân dân sử dụng
các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng, đặc biệt là các
cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu.
- Thường xuyên tuyên truyền
trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động Nhân dân sử dụng nước hợp
lý, tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ.
- Tăng cường truyền thông về
tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước tới người dân để nâng cao nhận thức sử
dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chủ động có giải pháp phù hợp.
- Ưu tiên bố trí kinh phí từ
nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, ngân sách dự phòng hằng năm của địa phương và nhân
công để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp
nước tập trung, đặc biệt là các công trình cấp nước; đẩy nhanh tiến độ thi công
các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác
công trình thủy lợi.
- Chủ động sử dụng kinh phí từ
ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện
các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước; trường hợp nguồn kinh phí vượt
quá khả năng của địa phương, tổng hợp, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Sở Tài chính để tổng hợp tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét theo quy định.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp
xã phối hợp chặt chẽ với Trạm quản lý thủy nông trong việc điều tiết nước phục
vụ sản xuất theo đúng lịch trình, kế hoạch.
6. Ban Quản
lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum
- Bám sát lịch thời vụ, xây dựng
phương án cấp nước phục vụ sản xuất cho từng công trình, từng khu vực cụ thể.
- Chỉ đạo các Trạm quản lý thủy
nông chủ động phối hợp với chính quyền địa phương huy động Nhân dân tập trung
triển khai sửa chữa, nạo vét hệ thống kênh mương để chủ động cho công tác điều
tiết nước tưới, đồng thời giảm tổn thất nước.
- Tuyệt đối sử dụng nước tiết
kiệm ngay đầu vụ, đối với các vùng có khả năng bơm tưới từ sông, suối hoặc từ
dưới mực nước chết trong các hồ vào thời kỳ cuối vụ thì phải có kế hoạch bố trí
máy bơm, nhiên liệu ngay từ đầu vụ.
- Thường xuyên theo dõi và báo
cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng
liên quan biết về tình hình hạn hán cũng như khả năng bị hạn để có biện pháp chỉ
đạo, đối phó kịp thời.
- Xây dựng dự toán kinh phí, vật
tư, vật liệu, nguyên liệu, nhiên liệu, nhân lực và các thiết bị máy móc để chủ
động cho công tác chống hạn hán, điều tiết nước khi có nguy cơ hạn hán xảy ra
trên diện rộng.
7. Công ty
Cổ phần cấp nước Kon Tum, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh
Có kế hoạch đảm bảo cấp nước
sinh hoạt phục vụ cho Nhân dân trên địa bàn quản lý, đặc biệt khi hạn hán xảy
ra ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt.
8. Các Công
ty thủy điện trên địa bàn tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với các sở,
ban ngành, cơ quan chuyên môn của tỉnh Kon Tum và Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi căn cứ lịch thời vụ và tình
hình thời tiết để thực hiện việc điều tiết hồ thủy điện phù hợp đảm bảo nguồn nước
tưới cho vùng hạ du.
9. Đài Khí
tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum
Tăng cường dự báo, cảnh báo khí
tượng, thủy văn, nhận định tình hình hạn hán, thường xuyên cung cấp số liệu cho
các cơ quan liên quan và địa phương để phục vụ chỉ đạo phòng, chống hạn hán
trên diện rộng.
10. Đài
Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum và các cơ quan thông tin địa phương
Thường xuyên đưa tin phản ánh
tình hình khí tượng thủy văn, công tác phòng chống hạn hán, tình hình khắc phục
hạn hán và thiếu nước sinh hoạt; thông tin tuyên truyền rộng rãi cho người dân
và các ngành, các cấp biết để chủ động trong công tác phòng chống hạn hán, thiếu
nước.
11. Các tổ
chức Đoàn thể
Đề nghị Hội Nông dân tỉnh, Hội
Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn tích cực bám sát địa bàn, vận động, hướng dẫn
hội viên, đoàn viên thực hiện tốt các giải pháp sản xuất trong điều kiện hạn
hán theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để tổ chức sản xuất có hiệu quả, ổn định
đời sống nhân dân.
12.
Căn cứ nội dung Kế hoạch này các sở, ban ngành, đoàn thể
của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và đơn vị có liên quan xây dựng
kế hoạch của địa phương, đơn vị mình để triển khai thực hiện nhằm chủ động
phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do thảm họa hạn hán xảy ra.
Trên đây là Kế hoạch ứng phó thảm
họa hạn hán trên diện rộng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong quá trình thực hiện,
nếu có phát sinh vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, các đơn vị cập nhật,
tổng hợp gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Ủy ban QG ƯPSC thiên tai và TKCN
(b/c);
- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/cáo);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh
- Chi cục PCTT Miền trung và Tây nguyên;
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn;
- UBND các huyện, thành phố Kon Tum;
- Văn phòng TT Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh;
- Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh;
- Lưu: VT, NNTN.NVH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Tháp
|