Kế hoạch 3876/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động vật, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 3876/KH-UBND
Ngày ban hành 17/10/2024
Ngày có hiệu lực 17/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Hồng Hải
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3876/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 17 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC THI HIỆP ĐỊNH VỀ ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP VỆ SINH DỊCH TỄ VÀ KIỂM DỊCH ĐỘNG, THỰC VẬT (SPS) CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI VÀ CAM KẾT SPS TRONG KHUÔN KHỔ CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 534/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động vật, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do” (Quyết định số 534/QĐ-TTg); Quyết định số 2998/QĐ- BNN-CCPT ngày 05/9/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch triển khai của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do” (Quyết định 2998/QĐ-BNN-CCPT);

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 2998/QĐ-BNN-CCPT trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu của Đề án SPS được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 534/QĐ-TTg và phối hợp thực hiện đạt các nhiệm vụ giao tại Quyết định 2998/QĐ-BNN-CCPT ngày 05/9/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động vật, thực vật nông lâm thủy sản nhằm bảo vệ sức khỏe con người và sức khỏe động thực vật, hệ sinh thái và môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và gia tăng giá trị, năng lực cạnh tranh sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

3. Chủ động trong triển khai thực hiện, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, giữa cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan để đạt được mục tiêu đề ra.

4. Kịp thời lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch vào các chương trình, đề án, kế hoạch hoạt động có liên quan tại các đơn vị, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu đến 2025

- Phấn đấu 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hằng năm về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Kiện toàn đầu mối hỏi đáp các quy định SPS của thị trường.

- Phối hợp cung cấp thông tin trên cổng thông tin quốc gia về SPS, kết nối và chia sẻ thông tin về các biện pháp SPS của thị trường giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam.

2. Mục tiêu đến 2030

- 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.

- Đẩy mạnh cơ sở dữ liệu kết nối thông tin tương tác giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về SPS

- Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn các quy định SPS, các quy định pháp luật có liên quan đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, động vật, sản phẩm thủy sản, lâm sản. Tham dự các hội nghị, hội thảo, tập huấn, cập nhật các quy định SPS, các quy định pháp luật có liên quan.

- Nâng cao nhận thức, năng lực về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động vật, thực vật cho các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh tiêu dùng. Nâng cao kiến thức chuyên môn và năng lực thực thi SPS cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, kiểm dịch và các đối tượng liên quan.

- Tập huấn các quy định về SPS cho các tổ khuyến nông cộng đồng. Đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội, hiệp hội về quản lý và giám sát các khâu của sản xuất, thu hoạch, chế biến nông sản thực phẩm, bao gói và ghi nhãn mác đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động, thực vật đáp ứng quy định thị trường.

- Xây dựng, phổ biến các mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn, sản xuất giống thủy sản an toàn, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học,… đáp ứng yêu cầu thị trường.

- Tổ chức xây dựng kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh động vật, thực vật, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm liên thông, kết nối có hiệu quả với hệ thống của Trung ương. Phối hợp với cơ quan Trung ương phổ biến về chuyển đổi số trong quản lý an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật; quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi.

2. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật

- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt là các văn bản về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật nhằm kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện (nếu có).

- Rà soát các quy định về quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các nòi, giống thuần chủng, bản địa, bảo vệ các loài sinh vật quý hiếm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững đối với sản phẩm nông nghiệp

3. Thanh tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm

[...]