Kế hoạch 243/KH-UBND năm 2023 về Phát triển ngành hàng hoa kiểng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025

Số hiệu 243/KH-UBND
Ngày ban hành 12/07/2023
Ngày có hiệu lực 12/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Phước Thiện
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 243/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 12 tháng 07 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG HOA KIỂNG TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Kết luận số 250-KL/TU ngày 09/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI về tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025; Quyết định số 888/QĐ-UBND-HC ngày 09/8/2022 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển ngành hàng hoa kiểng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng ngành sản xuất hoa, kiểng tỉnh Đồng Tháp từng bước phát triển bền vững, tiến tới trở thành ngành đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng; góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

2. Một số chỉ tiêu cụ thể

- Giá trị sản xuất ngành hàng hoa, kiểng đạt 7.000 tỷ đồng.

- Diện tích trồng hoa kiểng toàn tỉnh đạt trên 3.500 ha, chủ yếu tập trung thành phố Sa Đéc đạt trên 1.100 ha; huyện Lai Vung đạt trên 1.500 ha, huyện Lấp Vò đạt trên 450 ha, thành phố Cao Lãnh 50 ha.

- Thực hiện khảo nghiệm, chọn lọc và chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu từ 2 - 3 giống hoa, kiểng mới phù hợp điều kiện tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

- Thực hiện chỉ dẫn địa lý cho một sản phẩm hoa, kiểng đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG HOA KIỂNG

1. Tổ chức sản xuất

1.1. Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất

- Đầu tư, nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển hoa kiểng về diện tích và điều kiện canh tác, vận chuyển, hệ thống bến bãi tập kết và thương mại sản phẩm.

- Hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa kiểng phù hợp với nhu cầu thực tế địa phương, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

- Lồng ghép thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng phục phát triển hoa kiểng từ các nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

- Kêu gọi đầu vào lĩnh vực hoa kiểng từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước; thu hút nguồn vốn đầu tư ODA, các doanh nghiệp FDI.

1.2. Về giống hoa, kiểng

- Nghiên cứu, tổ chức nhân giống in-vitro hoa kiểng theo hướng sạch bệnh, chất lượng đáp ứng yêu cầu người sản xuất và thị trường tiêu thụ.

- Tiếp nhận và chuyển giao các giống hoa kiểng mới, giống hoa kiểng có giá trị kinh tế cao phù hợp điều kiện sản xuất và thị trường tiêu thụ.

- Nhập khẩu, khảo nghiệm, chọn lọc các giống hoa kiểng mới phù hợp điều kiện sản xuất địa phương, thị trường tiêu thụ.

- Định hướng cơ cấu giống hoa kiểng phù hợp cho từng vùng sản xuất đảm bảo phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Tăng cường phối hợp các Viện, Trường, tổ chức nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ về chọn tạo giống hoa kiểng mới, chất lượng và phù hợp; sưu tập, bảo tồn các giống hoa kiểng đặc hữu của địa phương; bảo tồn, khai thác nguồn gen hoa kiểng nhằm chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

- Liên kết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng vùng sản xuất và cung giống hoa kiểng chất lượng, hiệu quả phù hợp điều kiện sản xuất địa phương, tăng chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng.

1.3. Chuyển giao kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến

- Tập huấn, mô hình chuyển giao kỹ thuật sản xuất hoa kiểng tiên tiến theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), hữu cơ gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm.

- Tăng cường thử nghiệm, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm phân bón vi sinh, thuốc sinh học phục vụ sản xuất hoa kiểng an toàn và hiệu quả.

[...]