ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
36/KH-UBND
|
Hòa Bình, ngày 07 tháng 04 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
“QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH QUỐC GIA HỒ HÒA BÌNH, TỈNH HÒA BÌNH
ĐẾN NĂM 2030”
Thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg
ngày 01/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh
Hòa Bình đến năm 2030”; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực
hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa
Bình đến năm 2030”, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục
đích
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm
vụ và giải pháp về xây dựng phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình theo
Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Huy động mọi nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa tiềm năng, thế
mạnh cho phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, góp phần thúc đẩy phát
triển khu du lịch Hồ Hòa Bình trở thành Khu du lịch quốc gia và vùng trọng điểm
du lịch của tỉnh Hòa Bình.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước;
định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; đào tạo bồi dưỡng phát triển
nguồn nhân lực du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp
và nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và hợp tác đầu tư phát triển du lịch
tại Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác
thông tin quảng bá xúc tiến đầu tư, kêu gọi các thành phần kinh tế trong nước
và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên
bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng từng bước
xây dựng thương hiệu cho khu du lịch.
2. Yêu cầu
Xây dựng và phát triển Khu du lịch
quốc gia Hồ Hòa Bình phải bám sát định hướng và các mục tiêu, nhiệm vụ đã được
phê duyệt trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình,
tỉnh Hòa Bình đến năm 2030.
Các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân
các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, Mai Châu và thành
phố Hòa Bình có trách nhiệm xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể của ngành,
địa phương đảm bảo hoàn thành các mục tiêu phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ
Hòa Bình.
Kế hoạch chi tiết của các Sở, Ban,
ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có liên quan phải đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thiết thực có tính khả thi nhằm huy
động mọi nguồn lực đầu tư phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
Quá trình triển khai xây dựng phát
triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an
ninh; đảm bảo công tác bảo tồn bản sắc văn hóa các dân
tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường tự nhiên.
II. NỘI DUNG
1. Mục tiêu
1.1. Mục
tiêu chung
Xây dựng Khu du lịch Hồ Hòa Bình đến
năm 2025, cơ bản đáp ứng các tiêu chí được công nhận là Khu du lịch quốc gia.
Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Hồ Hòa Bình có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật
tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú; có chất
lượng, có thương hiệu trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh Hòa Bình,
là một trong 12 Khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc
Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa dân
tộc Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Năm 2020 đón khoảng 630.000 lượt
khách, trong đó khoảng 30.000 lượt khách quốc tế. Đến năm 2025 đón khoảng
1.020.000 lượt khách, trong đó 51.000 lượt khách quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030
đón khoảng 1.600.000 lượt khách, trong đó khoảng 90.000 lượt khách quốc tế.
- Tổng thu từ khách du lịch (theo giá
hiện hành): Năm 2020 đạt khoảng 200 tỷ đồng. Đến năm 2025
đạt khoảng 580 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 1.800 tỷ đồng.
- Chỉ tiêu việc làm: Năm 2020 tạo
việc làm cho khoảng 900 lao động, trong đó khoảng 300 lao động trực tiếp. Đến năm 2025 tạo việc làm cho khoảng 2.100 lao động, trong đó 1.400 lao
động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động
với khoảng 1.300 lao động trực tiếp.
2. Nhiệm vụ
2.1. Tuyên truyền nâng cao nhận
thức về phát triển du lịch
Tuyên truyền nâng cao ý thức của các
tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân hoạt động đầu tư kinh doanh dịch
vụ du lịch trong Khu du lịch Hồ Hòa Bình chấp hành nghiêm các quy định của pháp
luật và quy chế của Ban quản lý.
Các Sở, ngành và địa phương tăng
cường phối hợp trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển Khu
du lịch hồ Hòa Bình sẽ tạo ra nhiều việc làm, đem lại hiệu quả về kinh tế nâng
cao đời sống cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu
kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc,
bảo vệ môi trường sinh thái thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuyên truyền, vận động các tổ chức,
doanh nghiệp, người dân và khách du lịch nâng cao nhận thức trong ứng xử văn
hóa, văn minh, bảo vệ di sản văn hóa, tài nguyên môi trường góp phần xây dựng
hình ảnh thương hiệu, sức hấp dẫn của Khu du lịch Hồ Hòa
Bình để trở thành Khu du lịch quốc gia.
2.2. Xây dựng cơ chế chính sách
Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù ưu
đãi về nguồn vốn, đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách tài chính, thuế, tín dụng,... nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội khuyến khích
thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực đến tìm hiểu, nghiên cứu
và triển khai các dự án xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật có quy mô lớn và sản
phẩm du lịch có chất lượng cao tại Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
Xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ phát
triển sản phẩm du lịch độc đáo, những điểm du lịch cộng đồng tại địa bàn khó
khăn có tiềm năng du lịch.
Cải cách hành chính, giảm các thủ tục
hành chính không cần thiết để rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép, phê duyệt
dự án; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư và
hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong Khu du lịch hồ Hòa Bình.
Có chính sách ưu tiên những dự án đầu
tư có quy mô và dịch vụ chất lượng cao, thân thiện với môi trường góp phần tạo
thương hiệu cho khu du lịch Hồ Hòa Bình
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ
công tác quản lý bảo vệ tài nguyên và môi trường; công tác đào tạo phát triển
nguồn nhân lực du lịch; công tác bảo tồn giá trị văn hóa
các dân tộc; phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên vùng hồ để phát triển du
lịch.
2.3. Công tác quản lý Nhà nước về
du lịch
Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo du
lịch tỉnh và các địa phương có liên quan; thành lập Ban quản lý của Khu du lịch
hồ Hòa Bình đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng đối với các hoạt động
trong Khu du lịch hồ Hòa Bình.
Tăng cường sự phối
hợp giữa các Sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý và triển khai thực
hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa
Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 tạo sự thống nhất, phát triển đồng bộ.
Tăng cường phối hợp giữa các ngành
chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, kiểm
soát chất lượng các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; bảo vệ tài nguyên môi
trường du lịch; đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho khách du lịch.
Xây dựng Quy tắc ứng xử văn minh khi
tham gia các hoạt động du lịch, sử dụng dịch vụ du lịch để tạo môi trường du
lịch văn minh, an toàn, thân thiện trong Khu du lịch hồ Hòa Bình.
Ban hành Quy chế quản lý Khu du lịch
quốc gia để quản lý khai thác tài nguyên đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch, hoạt động dịch vụ du lịch trong Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa
Bình theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch
cụ thể hàng năm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số
1528/QĐ-TTg ngày 01/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiến hành lập quy hoạch chung xây
dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng như: Khu du lịch
sinh thái, nghỉ dưỡng; khu phát triển sản phẩm du lịch kết hợp sản xuất nông nghiệp;
các điểm công viên chuyên đề và công viên cảnh quan; các trung tâm dịch vụ du
lịch; khu dân cư kết hợp dịch vụ đa chức năng; các tuyến
phố đi bộ; điểm du lịch cộng đồng,... theo quy hoạch của Khu du lịch quốc gia
Hồ Hòa Bình.
2.4. Đầu tư xây dựng hạ tầng và hỗ
trợ các dự án đầu tư
Có kế hoạch cân đối nguồn lực ưu tiên
đầu tư các dự án hạ tầng cho các phân khu chức năng, tạo điều kiện thu hút các
nhà đầu tư phát triển sản phẩm theo quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch
quốc gia Hồ Hòa Bình.
Triển khai các dự án ưu tiên đầu tư
hạ tầng từ ngân sách nhà nước theo quy hoạch như: Hệ thống đường giao thông,
các bến thuyền, bãi đỗ xe phục vụ khách du lịch; hệ thống các tuyến cung cấp
điện, cấp nước; phát triển hệ thống hạ tầng thông tin viễn thông;... hỗ trợ
phát triển nông nghiệp sạch, nghề tiểu thủ công nghiệp để tạo điều kiện cho các
tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch khu du
lịch sinh thái, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí,... trong Khu du
lịch Hồ Hòa Bình.
Duy trì trao đổi hợp tác công - tư để
giải quyết những khó khăn vướng mắc của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư;
đẩy mạnh công tác xã hội hóa thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước
đến đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái, khách
sạn, khu vui chơi giải trí chất lượng cao,... tại vùng lõi của Khu du lịch hồ
Hòa Bình.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các
dự án xây dựng các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các trung tâm mua sắm, giải
trí chất lượng cao và các ngành dịch vụ khác phục vụ khách
du lịch đến Khu du lịch Hồ Hòa Bình.
2.5. Phát triển sản phẩm trong Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình
Tập trung xây dựng và phát triển các
sản phẩm du lịch đặc trưng trong Khu du lịch hồ Hòa Bình như: Sản phẩm du lịch
tâm linh Đền Thác Bờ, huyện Cao Phong và Đà Bắc; Đền Đôi Cô xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc; sản phẩm du
lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao tại đảo Sung, huyện Đà Bắc; khu vực
vịnh Ngòi Hoa, hồ Hoa, huyện Tân Lạc; sản phẩm du lịch vui chơi giải trí mặt
nước chất lượng cao tại khu vực vịnh Ngòi Hoa; sản phẩm du lịch cộng đồng tại
các xóm Ngòi, xóm Trụ, xóm Ké, xóm Đá Bia,... Sản phẩm du lịch nuôi thủy sản
trên hồ Hòa Bình. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng,
du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc đồng thời quan tâm phát triển các sản phẩm
du lịch hỗ trợ.
Tiếp tục khai thác tuyến du lịch
đường thủy từ Cảng du lịch Tuần Châu,
tỉnh Quảng Ninh lên Hòa Bình để kết nối lên Hồ Hòa Bình.
Xây dựng chương trình tuyến du lịch đường thủy trên sông Đà kết nối các điểm du lịch Khu
du lịch hồ Hòa Bình với hồ thủy điện các
tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng
cấp, đóng mới các loại tàu, thuyền đạt tiêu chuẩn chất
lượng cao phục vụ chở khách du lịch trong Khu du lịch hồ Hòa
Bình.
Xây dựng một số điểm dừng chân, trồng
hoa, cây cảnh tạo hình ảnh độc đáo cho Khu du lịch hồ Hòa Bình để khách du lịch
tham quan, chụp ảnh kỷ niệm. Lựa chọn những mẫu sản phẩm hàng lưu niệm mang đặc
trưng riêng có chất lượng, phù hợp với đặc điểm của Khu du lịch Hồ Hòa Bình.
Khuyến khích tạo điều kiện cho các
đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên hồ Hòa Bình ứng dụng khoa học
công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch có khả năng lực cạnh tranh
với các khu, điểm du lịch khác.
2.6. Công tác quảng bá, xúc
tiến Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình
Hàng năm xây dựng kế hoạch tổ chức
các hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch của tỉnh cho Khu du
lịch Hồ Hòa Bình ở tỉnh, khu vực, trong nước và quốc tế. Thực hiện các hoạt
động tuyên truyền quảng bá xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển Khu du lịch Hồ
Hòa Bình tập trung theo danh mục các dự án ưu tiên trong quy hoạch.
Biên soạn phát hành các tài liệu, ấn
phẩm, video clip, phim, tập gấp, bản đồ du lịch bằng tiếng Việt và tiếng Anh để giới thiệu quảng bá về tiềm năng và sản phẩm của Khu
du lịch Hồ Hòa Bình. Tham gia các Hội chợ, liên hoan du
lịch của khu vực, toàn quốc và quốc tế để quảng bá giới thiệu về Khu du lịch
quốc gia Hồ Hòa Bình. Tổ chức mời các đoàn Famtrip, Press trip đến để khảo sát và giới thiệu quảng bá cho Khu du lịch hồ Hòa Bình.
Phát huy vai trò các cơ quan truyền
thông của Trung ương, Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh và Truyền
hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh và các trang mạng
xã hội để tuyên truyền quảng bá về tiềm năng và sản phẩm
du lịch của Khu du lịch Hồ Hòa Bình.
Xây dựng trang Web của Khu du lịch Hồ
Hòa Bình để thông tin giới thiệu về tiềm năng, sản phẩm du
lịch của Hồ Hòa Bình đến các nhà đầu tư và du khách trong
nước, quốc tế.
Phối hợp với Tổng cục Du lịch, các tổ
chức lữ hành trong nước và quốc tế để quảng bá hình ảnh Khu du lịch hồ Hòa
Bình. Hợp tác với các tỉnh trong khu vực, nhất là thành phố Hà Nội và thành phố
Hồ Chí Minh để quảng bá giới thiệu về Khu du lịch Hồ Hòa Bình.
Phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch
và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh trong các
hoạt động quảng bá hình ảnh và giới thiệu sản phẩm của Khu du lịch hồ Hòa Bình.
2.7. Công tác phát triển thị trường khách du lịch
Thị trường khách nội địa đến từ Thủ
đô Hà Nội sẽ đóng vai trò là nguồn cung khách chính cho Khu du lịch quốc gia Hồ
Hòa Bình. Ngoài ra là các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông
Bắc, vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; các tỉnh vùng Tây Bắc Như:
Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hà Nam, Phú Thọ
và khách nội tỉnh đi nghỉ du lịch cuối tuần quan tâm đến
cảnh đẹp thiên nhiên, lối sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nghỉ ngơi, thư
giãn trên lòng hồ và du lịch tâm linh hành hương đến Đền
Thác Bờ đặc biệt là trong dịp lễ hội.
Thị trường khách du lịch quốc tế đến
Khu du lịch hồ Hòa Bình chủ yếu đến
Việt Nam qua đường hàng không (sân bay Nội Bài), tập trung vào các thị trường
Tây Âu như: Pháp, Anh, Đức; thị trường Bắc Mỹ: Mỹ, Canada; thị trường Đông Bắc
Á: Hàn Quốc, Nhật; thị trường Đông Âu và thị trường các nước
ASEAN. Cần ưu tiên, củng cố và phát triển các thị trường
du khách quốc tế truyền thống...tập trung vào phân khúc thị trường khách du
lịch cộng đồng, trải nghiệm, khám phá tìm hiểu bản sắc văn hóa.
2.8. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du
lịch
Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo giai đoạn và hàng năm
cho Khu du lịch Hồ Hòa Bình. Triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về
quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, giao
tiếp, thuyết minh, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động
trong các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, người
lái và phục vụ trên phương tiện vận chuyển khách du lịch trong Khu du lịch Hồ
Hòa Bình.
Các ngành, địa phương phối hợp trong
công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát
triển của Khu du lịch du lịch Hồ Hòa Bình. Có chính sách thu hút nhân lực có
trình độ tay nghề cao để đảm nhiệm những vị trí then chốt ở các khu, điểm du
lịch chất lượng cao trong Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
Hỗ trợ công tác
giáo dục cộng đồng, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, tập huấn bồi dưỡng
chuyển đổi nghề từ lao động nông nghiệp nông thôn sang khu vực dịch vụ, du lịch.
Thường xuyên tổ chức các chương trình
bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước; bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng nghề du lịch cho lao động nghề du lịch trên Khu
du lịch hồ Hòa Bình.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác
đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch. Tranh
thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ
quản trị cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong Khu du lịch hồ Hòa Bình.
2.9. Công tác liên kết, hợp tác
phát triển du lịch
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển
du lịch Hòa Bình và Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình với
các trung tâm du lịch lớn của cả nước như các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và
Đà Nẵng và các tỉnh trong chương trình hợp tác phát triển
du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Đặc biệt là về kinh nghiệm quản lý; đào tạo
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quảng bá xúc tiến du lịch; tiếp thị và khai
thác thị trường khách quốc tế cho Khu du lịch hồ Hòa Bình.
Tăng cường phối hợp giữa các ngành và
các địa phương trong vùng quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình về liên kết đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tài
nguyên phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch.
Phát huy hiệu quả hoạt động của Hiệp
hội du lịch và các doanh nghiệp tăng cường liên kết, hợp tác với các Hiệp hội
du lịch và doanh nghiệp du lịch của các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để kết nối các tour, tuyến du lịch và sản phẩm
du lịch đưa khách đến với Khu du lịch hồ Hòa Bình.
2.10. Công tác bảo vệ an ninh
trật tự, quản lý môi trường
Xây dựng Nội quy quy định cụ thể đối
với các hoạt động dịch vụ du lịch và đối với du khách khi đến tham quan du lịch
tại Khu du lịch Hồ Hòa Bình.
Xây dựng phương án và thực hiện các
biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện Hòa Bình và an ninh,
an toàn cho các hoạt động du lịch và du khách đến tham quan du lịch tại Khu du
lịch Hồ Hòa Bình.
Tăng cường phối hợp giữa các ngành và
các địa phương trong vùng quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình về công
tác bảo vệ an ninh trật tự, quản lý tài nguyên và môi trường của Khu du lịch hồ
Hòa Bình
Ban hành các quy định về quản lý hoạt
động tàu, thuyền vận chuyển khách du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch trên
mặt hồ Hòa Bình. Xây dựng và công bố công khai các tiêu
chí quy định về bảo vệ môi trường đối với các phương tiện vận chuyển khách du
lịch trên hồ.
Thực hiện các biện pháp, chế tài xử
phạt nghiêm những hành vi vi phạm gây ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch trên
hồ Hòa Bình. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các ứng dụng
khoa học công nghệ giảm thiểu tác động đến môi trường
trong hoạt động kinh doanh du lịch trên khu vực hồ Hòa Bình.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo Du lịch tỉnh
Chỉ đạo các thành viên phối hợp tham
mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch giai đoạn và hàng năm thực hiện
“Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
đến năm 2030” theo Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 01/8/2016 của Thủ tướng Chính
phủ.
Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và địa
phương có liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao thực hiện quản lý quy hoạch phát
triển Khu du lịch Hồ Hòa Bình theo chức năng; xây dựng kế hoạch thực hiện các
mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình của Ủy ban nhân dân tỉnh. Phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát
việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu
du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình đến năm 2030; kiến nghị những nội dung cần bổ
sung, sửa đổi trong quá trình thực hiện quy hoạch.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối
hợp với các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu cho
Ủy ban nhân dân tỉnh gồm các việc sau:
+ Xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng phát triển Khu du lịch Hồ
Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia.
+ Thành lập Ban quản lý và xây dựng
Quy chế quản lý Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
+ Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi
đầu tư để thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch vào Khu du lịch Hồ Hòa
Bình.
+ Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ
và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, di
tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ phát
triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
- Thực hiện công tác quản lý, kiểm
tra, xử lý vi phạm đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong Khu
du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
- Chủ trì, phối
hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du
lịch; phát triển thị trường khách du lịch; xây dựng các tua, tuyến du lịch cho
Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
- Chủ trì, phối
hợp liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh trong vùng Trung du miền núi
Bắc Bộ và các tỉnh trong Chương trình hợp tác phát triển
du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.
- Theo dõi đôn đốc, kiểm tra tình
hình triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia
Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”, định kỳ tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo
Du lịch; Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ
chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đầu tư để thu hút các dự
án đầu tư phát triển tại Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
- Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân
tỉnh phê duyệt chủ trương dự án đầu tư theo quy định; duyệt dự án đầu tư; thực
hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ
chức, doanh nghiệp, thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đầu tư các dự
án phát triển du lịch, dịch vụ tại Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình. Tập trung
ưu tiên thu hút đầu tư vào các phân khu chức năng theo quy hoạch để phát triển
cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất nguồn
vốn đầu tư theo giai đoạn và hàng năm của tỉnh, nguồn kinh phí chương trình xây
dựng cơ sở hạ tầng du lịch quốc gia, các nguồn vốn khác để ưu tiên đầu tư cho
các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cho Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
- Thực hiện công tác quản lý các dự
án đầu tư hạ tầng và các dự án phát triển cơ sở vật chất du lịch phù hợp với
quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình đã được phê duyệt.
4. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở kế hoạch
Đầu tư và các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định dự
toán kinh phí chương trình, kế hoạch, quy hoạch, dự án
theo quy định Luật ngân sách nhà nước hiện hành các văn bản có liên quan.
- Căn cứ vào khả năng ngân sách của
tỉnh, hằng năm cân đối kinh phí thực hiện kế hoạch phát triển Khu du lịch quốc
gia Hồ Hòa Bình.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan, xây dựng quy định về giá vé, giá các dịch vụ trong Khu du lịch quốc
gia Hồ Hòa Bình. Kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng các
nguồn kinh phí thu được của các đơn vị được phép thu phí du lịch theo quy định.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối
hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân các huyện Đà Bắc, Cao
Phong, Tân Lạc, Mai Châu và thành phố Hòa Bình rà soát, xây dựng quy hoạch quỹ
đất, kế hoạch sử dụng đất, cho thuê đất thực hiện các dự án phát triển trong
Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
- Chỉ đạo công bố công khai các chỉ tiêu, quy định về bảo vệ môi trường đối với các phương
tiện vận chuyển khách du lịch trên Hồ Hòa Bình. Tuyên
truyền, vận động người dân, khách du lịch nâng cao nhận thức về bảo vệ môi
trường. Thực hiện công tác quản lý bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên
trong Khu du lịch hồ quốc gia Hồ Hòa Bình.
- Phối hợp với các ngành chức năng
hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường; kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm về
bảo vệ môi trường, sử dụng đất, nước thải đối với dự án đầu tư phát triển du
lịch trong Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình theo quy định
của pháp luật.
6. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan thực hiện công tác quản lý về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng,
phát triển đô thị đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển theo quy hoạch tổng
thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình. Lập quy hoạch xây dựng chung tỷ lệ 1/10.000 trong Khu du lịch Hồ Hòa Bình để kêu gọi đầu
tư.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan rà soát, tham mưu tổ chức lập quy hoạch các phân khu, quy hoạch chi
tiết các khu chức năng và các dự án thành phần của Khu du
lịch quốc gia Hồ Hòa Bình từng giai đoạn, hằng năm theo Quy hoạch đã được
phê duyệt.
- Phối hợp với các Sở, Ban, ngành có
liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng tại Khu du lịch quốc
gia Hồ Hòa Bình theo quy định của pháp luật.
7. Sở Giao thông Vận tải
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quy hoạch, quản lý đầu
tư xây dựng hạ tầng giao thông các dự án đầu tư du lịch trong Khu du lịch quốc
gia Hồ Hòa Bình.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch và Ủy ban nhân dân các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu
và thành phố Hòa Bình xây dựng, đề xuất thực hiện danh mục các dự án hạ tầng
giao thông quan trọng, hệ thống đường, cảng, bến tàu thuyền trong Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đầu tư theo Quy hoạch đã được
phê duyệt.
- Lắp đặt hệ thống biển báo, biển
hướng dẫn tại các điểm du lịch trong Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình
- Chủ trì phối hợp với cơ quan liên
quan phân luồng, tuyến giao thông ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển khách
du lịch trên hồ; phối hợp tổ chức kiểm tra xử lý các phương tiện vận tải không đủ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn cho khách du lịch; kiểm tra các
bãi đỗ, điểm dừng và xử lý vi phạm đối với các phương tiện vận chuyển khách du
lịch vi phạm quy định của pháp luật.
8. Sở Thông
tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác
quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và
khách du lịch đến Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông
thực hiện công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về tiềm năng và quy hoạch
tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình trên
các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp xây dựng Trang
tin điện tử quảng bá du lịch cho Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
9. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý sử dụng đất
nông, lâm nghiệp đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch trong Khu du lịch
quốc gia Hồ Hòa Bình theo quy định.
- Lồng ghép các chương trình đầu tư
của Trung ương và của tỉnh hỗ trợ các dự án trồng rừng, nuôi thủy sản, phát
triển sản phẩm nông nghiệp sạch trong khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình; hỗ trợ
khôi phục và duy trì các nghề truyền thống để tạo ra các sản phẩm phục vụ khách
du lịch đến Hồ Hòa Bình.
10. Sở Khoa học và Công nghệ
Hướng dẫn xây dựng thương hiệu cho
các sản phẩm du lịch đặc trưng, định hướng công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ
khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của Khu du lịch quốc
gia Hồ Hòa Bình.
11. Sở
Công thương
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng
hệ thống đường điện cho các dự án đầu tư phát triển trong Khu du lịch quốc gia
Hồ Hòa Bình.
- Xây dựng các quy hoạch, kế hoạch
phát triển nghề thủ công, làng nghề... trên Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
- Tham mưu xây dựng cơ chế, chính
sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với các làng nghề,
các điểm du lịch cộng đồng trong Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
12. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh
về định hướng đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát
triển của Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình theo quy hoạch.
- Chỉ đạo các trường tổ chức các
chương trình hoạt động ngoại khóa tạo điều kiện cho học
sinh đi tham quan các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trong
Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình để được trải nghiệm từ đó có ý thức tham gia
giữ gìn bảo vệ môi trường của khu du lịch hồ Hòa Bình.
13. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội
- Thực hiện quản lý về lao động và
định hướng về tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn để chuyển đổi sang làm
dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển của Khu du lịch quốc
gia Hồ Hòa Bình. Đề xuất cơ chế thu hút nhân lực thuộc ngành nghề du lịch có trình độ tay nghề cao đến làm việc ở Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
- Đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thành
phố triển khai các chương trình đào tạo nghề về du lịch;
đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng nghề cho lao
động nông nghiệp chuyển đổi sang làm dịch vụ du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan thực hiện các biện pháp phòng chống các tệ nạn
xã hội và kiểm tra, xử lý các vi phạm về tệ nạn xã hội tại Khu du lịch quốc gia
Hồ Hòa Bình.
14. Công An tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Nhà nước về đảm
bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy; bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn
thực phẩm; đảm bảo trật tự an toàn giao
thông ở các khu, tuyến, điểm du lịch, khu di tích.
- Chủ trì, phối
hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện: Đà Bắc, Cao phong, Tân Lạc,
Mai Châu và thành phố Hòa Bình chỉ đạo làm tốt công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho khách du lịch; kiểm tra xử lý vi phạm đối với
hoạt động của các dịch vụ du lịch tại Khu du lịch quốc gia
Hồ Hòa Bình.
- Chỉ đạo các phòng Nghiệp vụ và Công
an các huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu và thành phố Hòa Bình xây
dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn; tổ chức kiểm tra việc
chấp hành kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch tại địa phương; chủ động
tham mưu, tổ chức quản lý hoạt động du lịch tại địa phương và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh
tổ quốc, tập trung chú ý đến việc quan hệ, tiếp xúc, trao đổi làm việc với người nước ngoài; rà soát và quản lý đối tượng, điều tra
phá án làm trong sạch địa bàn tạo môi trường thuận lợi để phát triển hoạt động
du lịch. Thành lập các tổ công tác, tăng cường kiểm tra, quản lý tại các điểm
du lịch nhất là trong những dịp lễ hội, không để xảy ra tình trạng chèn ép, đeo
bám, lừa đảo khách du lịch.
- Thực hiện các phương án đảm bảo an
toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện Hòa Bình và an ninh, an toàn cho khách
du lịch. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy
định về an ninh trật tự liên quan đến hoạt động du lịch đối với các cơ sở kinh
doanh du lịch; thông tin kịp thời về âm mưu, thủ đoạn hoạt
động của các thế lực thù địch, bọn tội phạm lợi dụng hoạt
động du lịch xâm phạm an ninh, trật tự, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, ý
thức trách nhiệm của cán bộ và quần chúng nhân dân tại Khu
du lịch Hồ Hòa Bình.
15. Trung tâm Xúc tiến đầu tư,
thương mại và du lịch
- Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền quảng
bá xúc tiến đầu tư du lịch theo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch
tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”,
trong đó tập trung ưu tiên công tác quảng bá xúc tiến đầu tư du lịch cho Khu du
lịch quốc gia Hồ Hòa Bình theo quy hoạch đã
được phê duyệt.
- Tập trung xúc tiến, kêu gọi đầu tư
theo danh mục các dự án ưu tiên đầu tư ban hành từng giai đoạn, hằng năm theo
Quy hoạch đã được phê duyệt.
- Quảng bá xây dựng thương hiệu cho
Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình; tổ chức xúc tiến phù hợp với từng phân khúc
thị trường khách du lịch cụ thể.
16. Ủy ban nhân dân các huyện: Đà
Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu và thành phố Hòa Bình
- Chủ trì, bố trí kinh phí thực hiện
các dự án ưu tiên đầu tư hạ tầng của khu du lịch trên địa bàn để tạo điều kiện
thuận lợi thu hút đầu tư vật xây dựng cơ sở vật chất kỹ
thuật phát triển sản phẩm du lịch theo định hướng quy
hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
- Chỉ đạo tăng cường đầu tư cho công
tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của địa phương; công tác
tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch theo quy hoạch phát triển Khu du lịch
quốc gia Hồ Hòa Bình.
- Phối hợp với các ngành chức năng
tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có cơ chế, chính sách
đặc thù để khuyến khích thu hút đầu tư phát triển du lịch trong Khu du lịch
quốc gia Hồ Hòa Bình.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành của
tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thực hiện
các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển sản phẩm du lịch
theo định hướng quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình tại địa phương.
- Phối hợp với Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy
giá trị các di sản văn hóa, tài nguyên du lịch; tổ chức tốt hoạt động lễ hội truyền
thống trong Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình phục vụ phát
triển du lịch.
- Chỉ đạo thực hiện công tác kiểm
tra, xử lý các vi phạm hành chính đối với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân
tham gia đầu tư hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch
vụ du lịch trong Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình thuộc địa phương quản lý theo
quy định của pháp luật.
17. Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình
- Chủ động nghiên cứu nắm bắt định
hướng phát triển trong quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình để
thông tin kết nối, quảng bá giới thiệu cho các doanh nghiệp tham gia đầu vào
các dự án phát triển du lịch.
- Chỉ đạo các đơn vị thành viên nâng
cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch; phối hợp
đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu hình ảnh Khu du lịch quốc
gia Hồ Hòa Bình tới khách du lịch trong nước và quốc tế.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, thủ trưởng
các Ban, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện: Đà Bắc, Cao
phong, Tân Lạc, Mai Châu và thành phố Hòa Bình tổ chức triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ VH, TT&DL;
- Tổng cục Du lịch;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- UBND các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, Mai Châu, TP Hòa Bình;
- Hiệp hội du lịch tỉnh;
- Chánh, Phó Chánh VPUBND tỉnh Phạm Anh Quý;
- Lưu: VT, KGVX (Vu37b).
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Chương
|