Kế hoạch 35/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2019 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 35/KH-UBND
Ngày ban hành 19/02/2019
Ngày có hiệu lực 19/02/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Trương Quang Hoài Nam
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 19 tháng 02 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NĂM 2019 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2019, chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng cũng như an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm (GSGC) và nuôi trồng thủy sản, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2019 trên địa bàn thành phố, với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hạn chế tối đa thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra. Bảo vệ đàn gia súc, gia cầm góp phần ổn định phát triển sản xuất và hạn chế thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi; bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và môi trường sinh thái;

- Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản;

- Xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh từ cơ sở đến thành phố nhằm phát hiện sớm, chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh. Từng bước bao vây, khống chế các bệnh nguy hiểm như: Bệnh Cúm gia cầm, Dịch tả heo Châu Phi, bệnh lỡ mồm long móng (LMLM) trên gia súc, bệnh Tai xanh ở heo, bệnh Dại chó, mèo; bệnh vi rút, vi khuẩn ở tôm, cá (bệnh đốm trắng, hoại tử cơ, gan thận mủ,...) bệnh mới xuất hiện trên cá rô phi (do Tilapia lake virus TiLV gây ra) trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố.

2. Yêu cầu:

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm và thủy sản; quản lý, giám sát dịch bệnh đến tận chuồng, trại và hộ gia đình nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra;

- Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh GSGC và thủy sản phải tuân theo quy định của Luật Thú y và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Thú y;

- Tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở; chỉ đạo kiên quyết, nhanh gọn, đúng thời gian, đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao về phòng, chống dịch bệnh cho đàn GSGC và thủy sản; không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư;

- Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản phải nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản;

- Đảm bảo an toàn cho người trực tiếp tham gia và những người liên quan đến công tác phòng, chống dịch; trình phương án xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra.

II. NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về tổ chức, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra:

- Củng cố, tăng cường về tổ chức và chỉ đạo của các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC, thủy sản và các bệnh lây truyền từ động vật sang người;

- Lập kế hoạch, phương án, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, kinh phí và nguồn nhân lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thành lập và tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp khi dịch bệnh động vật được công bố theo quy định tại Điều 26 hoặc Điều 34 của Luật Thú y; hỗ trợ cho chủ vật nuôi khi công bố dịch hoặc khi dịch bệnh xảy ra nhưng chưa đủ điều kiện công bố dịch; dự trù các trang thiết bị cần đầu tư, bổ sung, hiệu chỉnh để phục vụ công tác chẩn đoán xét nghiệm, giám sát, điều tra ổ dịch, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, xây dựng bản đồ dịch tễ và phân tích số liệu trên địa bàn thành phố Cần Thơ;

- Thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra của thành phố, quận, huyện định kỳ hoặc đột xuất để tiến hành thanh, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC và thủy sản trên địa bàn quản lý (cơ sở chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh GSGC, sản phẩm GSGC; sản xuất, kinh doanh giống thủy sản,..); đôn đốc thực hiện các Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật.

2. Giải pháp kỹ thuật:

a) Về tiêm phòng vắc xin phòng bệnh:

- Phạm vi; đối tượng; số lượng gia súc, gia cầm tiêm phòng:

+ Phạm vi tiêm phòng: Tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm toàn thành phố;

+ Đối tượng vật nuôi phải tiêm vắc xin phòng bệnh: Trâu, bò, dê, heo, chó, mèo, gia cầm trong diện tiêm phòng. Tổng đàn gia súc, gia cầm dự kiến trên địa bàn thành phố năm 2019: trâu, bò: 5.000 con; Heo: 135.000 con; Chó, mèo: 35.000 con; Gia cầm: 2.000.000 con;

+ Tỷ lệ tiêm phòng gia súc phải đạt tối thiểu là 80% số gia súc trong diện tiêm (dự kiến số lượng gia súc phải tiêm phòng đạt tối thiểu 70% tổng đàn trâu, bò, trên 40% tổng đàn heo và trên 80% tổng đàn chó, mèo);

+ Tỷ lệ tiêm phòng gia cầm phải đạt tối thiểu là 80% số gia cầm trong diện tiêm (dự kiến số lượng gà phải tiêm phòng đạt tối thiểu 50% tổng đàn gà, trên 90% tổng đàn vịt).

- Các loại bệnh bắt buộc phải tiêm phòng: Bệnh Lở mồm long móng trên gia súc, bệnh Tai xanh ở heo, bệnh Dại ở chó, mèo và bệnh Cúm gia cầm.

- Số lượng, chủng loại vắc xin tiêm phòng: Số lượng các loại vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi trong năm 2019 như sau: Vắc xin LMLM: 80.000 liều/02 đợt/năm; Vắc xin Tai xanh: 140.000 liều/02 đợt/năm; Vắc xin Dại: 24.000 liều/02 đợt/năm; Vắc xin Cúm gia cầm H5N1: 7.000.000 liều/03 đợt/năm.

[...]