Kế hoạch 34/KH-UBND năm 2022 về phòng ngừa bệnh sốt rét quay trở lại sau loại trừ tại tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 34/KH-UBND
Ngày ban hành 27/01/2022
Ngày có hiệu lực 27/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Tráng Thị Xuân
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/KH-UBND

Sơn La, ngày 27 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG NGỪA BỆNH SỐT RÉT QUAY TRỞ LẠI SAU LOẠI TRỪ TẠI TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm;

- Nghị Quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

- Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020;

- Quyết định số 08/QĐ-BYT ngày 04/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Lộ trình loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến 2030; Quyết định số 1609/QĐ-BYT ngày 08/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kết quả phân vùng dịch tễ sốt rét tại Việt Nam năm 2019; Quyết định số 2657/QĐ-BYT ngày 23/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch phòng chống và loại trừ sốt rét tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 4922/QĐ-BYT ngày 25/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét; Quyết định số 2699/QĐ-BYT ngày 26/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét;

- Kế hoạch số 78/KH-TU ngày 17/12/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khoá XII về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sốt rét quay trở lại. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch phòng ngừa bệnh sốt rét quay trở lại sau loại trừ tại tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, với các nội dung sau:

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG VÀ LOẠI TRỪ BỆNH SỐT RÉT

Năm 1958, cùng với cả nước Sơn La tiến hành điều tra cơ bản nhằm đánh giá thực trạng về tình hình sốt rét, kết quả cho thấy tỷ lệ lách sưng do sốt rét chiếm 40,4% chỉ số ký sinh trùng sốt rét chiếm 6,39%; Sơn La thuộc vùng sốt rét lưu hành nặng.

Từ năm 1958 đến năm 1975 là giai đoạn của chiến lược tiêu diệt sốt rét tình hình sốt rét tỉnh Sơn La cũng đã có bước tiến triển tốt.

Từ năm 1976 đến năm 1990 là thời kỳ thanh toán sốt rét không hạn định về thời gian trong những năm 1976 - 1980 Sơn La tuy có tỷ lệ mắc cao 25% dân số, có một số vụ dịch xảy ra nhưng không có chết do sốt rét. Tuy nhiên vào thập kỷ 1985-1990 bệnh sốt rét quay trở lại trên phạm vi toàn tỉnh với tốc độ gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Năm 1986 có 25 người chết, tăng lên 100 người năm 1987 và tiếp tục tăng lên 105 người năm 1988. Đến năm 1991 là năm kinh hoàng của người dân đã xảy ra 12 vụ dịch với 46.656 người mắc 1.753 ca sốt rét ác tính trong đó có 309 người chết trong toàn tỉnh.

Nhìn lại những năm (1990-2020) 30 năm dịch bệnh sốt rét là nỗi kinh hoàng của mọi người dân. Mi năm có hàng chục ngàn người mắc bệnh sốt rét phải điều trị ở các bệnh viện tuyến xã, huyện, tuyến tỉnh. Dịch sốt rét bùng phát trên phạm vi toàn tỉnh 11/11 huyện thị xã, nhiều nhất ở các huyện như Mộc Châu, Mường La, Sông Mã, Quỳnh Nhai... Cao điểm dịch vào năm 1991, tỷ lệ bệnh nhân sốt rét trên địa bàn tỉnh là 65,7/1.000 dân. Cũng vào những năm này có tới hơn 1/3 (34%) dân số sống trên địa bàn tỉnh Sơn La có ký sinh trùng sốt rét trong máu. Thời điểm đó, nhận thức của người dân về cách phòng, chống, điều trị sốt rét còn hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống sốt rét hạn hẹp, những người làm công tác phòng, chống sốt rét từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, tuyến xã phải đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức, không ai dám nghĩ đến một ngày nào đó lại có thể loại trừ được căn bệnh nguy hiểm này.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và quyết tâm của toàn ngành Y tế trong phòng, chống sốt rét và sự đầu tư kinh phí kịp thời của nhà nước và các tổ chức Quốc tế cho chương trình mục tiêu Y tế về bệnh sốt rét, với mục tiêu từng bước khống chế dịch bệnh, giảm số mắc và tử vong, chúng ta đã dần cải thiện và làm thay đổi cơ bản dịch tễ sốt rét trung bình hàng năm tỷ lệ mắc bệnh sốt rét giảm 16,5%. Năm 2010 số bệnh nhân cũng như tỷ lệ mắc sốt rét trên 1000 dân số giảm tới 99,9% so với năm 1991. Các vụ dịch giảm cả về số lượng và quy mô, số người mắc và tử vong giảm dần hàng năm và trong 15 năm trở lại đây trên địa bàn toàn tỉnh không phát sinh ổ dịch mới. Giai đoạn 2009 - 2014 theo phân loại dịch tễ sốt rét của Bộ Y tế, Sơn La vẫn nằm trong 10 tỉnh trọng điểm sốt rét. Đến năm 2014 Sơn La chỉ còn 9 xã trọng điểm về sốt rét thuộc 4 huyện: Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên và Sông Mã. Đặc biệt trong 5 năm (từ 2015 - 2019) công tác phòng, chống sốt rét được triển khai một cách tích cực, chủ động, bài bản cả về đầu tư nguồn lực, về chuyên môn kỹ thuật và củng cố hệ thống Y tế từ tỉnh tới xã bản được duy trì trong 5 năm toàn tỉnh không có ký sinh trùng sốt rét nội địa đó là tiêu chí quan trọng. Nhờ đó tỉnh Sơn La đã cán đích loại trừ sốt rét ở 100% số xã của 12/12 huyện/thành phố vào cuối năm 2019.

Trong suốt 30 năm (1990 - 2020) bền bỉ phấn đấu, từ mục tiêu ban đầu (1991 - 1995) là khống chế tốc độ gia tăng của bệnh sốt rét, đến mục tiêu giảm mắc, giảm chết, giảm dịch (1996 - 2000), cho tới củng cố và duy trì thành quả trong phòng, chống sốt rét, Dù trong điều kiện có biến động lớn về dân cư do di dân xây dựng công trình thủy điện Sơn La, mở đường giao thông, phát triển cây cao su cũng như sự đổi thay mạnh mẽ của nền kinh tế, xã hội... nhưng chúng ta vẫn làm rất tốt công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét, không có ký sinh trùng nội địa, không có tử vong do sốt rét, không có dịch sốt rét xảy ra.

Với thành quả đã đạt được ngày 23/12/2019 tỉnh Sơn La đã được công nhận là một trong số 25 tỉnh/thành phố đầu tiên trên cả nước được công nhận là tỉnh/thành phố đạt Tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét (theo Quyết định số 1987/QĐ - VSR ngày 23/12/2019 của Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thuộc Bộ Y tế). Đây thực sự là dấu mốc và ghi nhận thành tựu to lớn của toàn tỉnh, đặc biệt là ngành Y tế Sơn La trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, chấm dứt sự hoành hành kéo dài hàng trăm năm của dịch bệnh sốt rét, một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lưu hành ở hầu hết các địa phương trong tỉnh chúng ta chuyển sang giai đoạn phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau loại trừ.

1. Kết quả phân vùng dịch tễ bệnh sốt rét năm 2019

Hoạt động phân vùng dịch tễ sốt rét năm 2019 được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, đơn vị phân vùng là xã và tương đương. Qua kết quả phân vùng dịch tễ cho thấy, sau 5 năm thực hiện tích cực các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét đã giảm mạnh 204 xã phường chuyển sang giai đoạn phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau loại trừ.

2. Phân bố muỗi truyền bệnh sốt rét và tình hình muỗi kháng hoá chất

Muỗi truyền bệnh sốt rét lưu hành ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La. Muỗi An.minimus phân bố rộng gây nguy cơ bùng phát dịch khi có trường hợp bệnh mang ký sinh trùng sốt rét. Muỗi An.minimus truyền sốt rét thường trú đậu và đốt người ở ngoài nhà, nên gặp nhiều khó khăn trong phòng chống bằng phun hóa chất tồn lưu và tẩm màn. Theo điều tra đánh giá của Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tại huyện Mường La về độ nhạy cảm của muỗi với hóa chất phun và tẩm màn đã có sự kháng hóa chất của muỗi truyền bệnh sốt rét, đó cũng là một trong những khó khăn trong công tác phòng ngừa sốt rét quay trở lại của tỉnh Sơn La.

3. Tình hình dân di biến động, giao lưu qua biên giới và lan truyền sốt rét

- Có sự gia tăng di biến động dân giữa vùng không còn bệnh sốt rét và vùng bệnh sốt rét lưu hành theo mùa vụ để làm kinh tế. Tập quán của người dân đi làm rừng, làm nương rẫy và ngủ lại qua đêm thường có tỷ lệ sử dụng màn và các biện pháp bảo vệ cá nhân khác thấp nên làm tăng nguy cơ mắc và lan rộng bệnh sốt rét.

- Giao lưu biên giới Việt Nam - Lào và người dân đi lao động tại các nước Châu Phi đặc biệt là nước Anggola...và các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên đây là vùng sốt rét lưu hành nặng và có sự kháng thuốc Artemisinin.

4. Hệ thống phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét

Hệ thống phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đã có nhiều thay đổi trong những năm vừa qua. Với việc sáp nhập các đơn vị dự phòng cấp tỉnh thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và được giao thực hiện công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét của tỉnh. Công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét tuyến huyện, xã do Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế xã thực hiện. Bên cạnh đó có sự tham gia của các cơ sở khám chữa bệnh tại các tuyến và y tế thôn bản, y tế tư nhân.

5. Các hoạt động trọng tâm đã triển khai

5.1.1. Công tác chỉ đạo điều hành

[...]