Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 02/KH-UBND năm 2024 về thúc đẩy thực hiện loại trừ bệnh sốt rét tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2023-2030

Số hiệu 02/KH-UBND
Ngày ban hành 02/01/2024
Ngày có hiệu lực 02/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Hồ An Phong
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 02 tháng 1 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THÚC ĐẨY THỰC HIỆN LOẠI TRỪ BỆNH SỐT RÉT TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2023 - 2030

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Tỉnh Quảng Bình có 08 huyện, thị xã, thành phố với diện tích 7.998 km2, dân số 936.607 người.

Theo kết quả phân vùng dịch tễ sốt rét năm 2019, hiện nay tỉnh Quảng Bình có 38 xã vùng sốt rét lưu hành (SRLH) nhẹ, 16 xã SRLH vừa và 10 xã SRLH nặng. Trong giai đoạn từ 2011- 2022, toàn tỉnh không có dịch sốt rét xảy ra. Số bệnh nhân sốt rét giảm hàng năm, từ 1.025 ca năm 2011 xuống còn 06 ca năm 2022 (giảm 99,5%). Tỷ lệ mắc sốt rét giảm từ 1,21/1000 dân năm 2011 xuống còn 0,006/1000 dân năm 2022. Tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét giảm từ 0,57/1000 dân SRLH xuống còn 0,020/1000 dân SRLH năm 2022. Số ca sốt rét ác tính ở các năm 2011 (01 ca); 2012 (04 ca); 2013 (04 ca); 2014 (02 ca); 2017 (02 ca) và 2020 (01 ca). Ghi nhận 02 ca tử vong do sốt rét trong năm 2014 và 2020. Mỗi năm có hơn 200.000 dân sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi và hơn 10.000 bệnh nhân được cấp thuốc điều trị sốt rét miễn phí.

Thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong tỉnh đã phối hợp, triển khai đồng bộ, rộng khắp nên công tác phòng chống và loại trừ sốt rét trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều hiệu quả tích cực. Đến cuối năm 2023 đã có 02/08 huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

Căn cứ tình hình dịch tễ sốt rét trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thúc đẩy thực hiện loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2023 - 2030 như sau:

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Căn cứ pháp lý

- Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 08/QĐ-BYT ngày 04 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt lộ trình loại trừ sốt rét tại Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 4922/QĐ-BYT ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét;

- Quyết định 3377/QĐ-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét;

- Công văn số 2662/VSR-KHTH ngày 19 tháng 12 năm 2018 của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương về việc hướng dẫn tiêu chí, hồ sơ xác nhận huyện, tỉnh loại trừ sốt rét.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Thực hiện thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét, ưu tiên vùng sốt rét lưu hành và có nhiều đối tượng nguy cơ cao. Đến năm 2025 đạt tỷ lệ mắc ký sinh trùng sốt rét dưới 0,10/1000 dân, tỷ lệ tử vong do sốt rét dưới 0,01/100.000 dân; loại trừ sốt rét trên phạm vi toàn tỉnh vào năm 2026 và củng cố các yếu tố bền vững nhằm ngăn chặn bệnh sốt rét quay trở lại.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Tiếp tục đẩy lùi nguy cơ dịch sốt rét tại các khu vực trọng điểm. Không để dịch sốt rét xảy ra, hạn chế nguy cơ sốt rét lan rộng, hạn chế ký sinh trùng Plasmodium falciparum kháng thuốc phối hợp;

- Tỷ lệ mắc sốt rét dưới 0,10/1000 dân;

- Khống chế tỷ lệ tử vong do sốt rét dưới 0,01/100.000 dân;

- Nâng cao chất lượng phòng chống sốt rét ở các tuyến, dần đạt các yếu tố bền vững trong phòng chống sốt rét, triển khai các biện pháp đề phòng bệnh sốt rét quay trở lại ở các vùng đã loại trừ bệnh sốt rét.

3. Chỉ tiêu cụ thể

3.1. Đảm bảo người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét.

- Trên 95% người nghi ngờ sốt rét được khám bệnh và xét nghiệm sốt rét.

- 100% người nhiễm ký sinh trùng sốt rét được điều trị đúng theo phác đồ của Bộ Y tế.

- 100% người nhiễm ký sinh trùng P.falciparum được điều trị bằng phối hợp thuốc sốt rét, phối hợp DHA.

3.2. Đảm bảo người dân trong vùng trọng điểm sốt rét được bảo vệ bằng tẩm màn hóa chất. Nâng cao kiến thức, hành vi của người dân để tự bảo vệ bản thân trước bệnh sốt rét.

[...]