Kế hoạch 296/KH-UBND năm 2023 về phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau loại trừ giai đoạn 2023-2025 tỉnh Bắc Kạn

Số hiệu 296/KH-UBND
Ngày ban hành 10/05/2023
Ngày có hiệu lực 10/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Phạm Duy Hưng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 296/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 10 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG NGỪA SỐT RÉT QUAY TRỞ LẠI SAU LOẠI TRỪ GIAI ĐOẠN 2023-2025 TỈNH BẮC KẠN

I. TÌNH HÌNH CHUNG BỆNH SỐT RÉT TẠI TỈNH BẮC KẠN

1. Đánh giá kết quả công tác phòng chống và loại trừ sốt rét

Việt Nam là một trong những quốc gia có chương trình phòng chống sốt rét thành công, đạt được nhiều thành tựu lớn trong công tác phòng chống sốt rét, số bệnh nhân mắc sốt rét và tử vong đã giảm nhiều, thậm chí nhiều tỉnh, thành phố trong những năm gần đây đã không ghi nhận trường hợp mắc sốt rét nội địa nào và từ năm 2009 đến nay trên toàn quốc không có vụ dịch sốt rét nào xảy ra. Tính đến thời điểm tháng 12 năm 2022 đã có 42/63 tỉnh, thành phố đạt loại trừ sốt rét.

Tại tỉnh Bắc Kạn, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và quyết tâm của toàn ngành Y tế trong công tác phòng, chống sốt rét, đặc biệt là từ năm 2005 đến nay, tỉnh Bắc Kạn được hưởng lợi từ Dự án phòng chống sốt rét Quỹ Toàn cầu nên các hoạt động của Chương trình phòng chống sốt rét được quan tâm đầu tư kinh phí thực hiện đã góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động của Chương trình phòng chống sốt rét. Mặc dù trong những năm từ 2010 đến năm 2013 mỗi năm có tới vài trăm ca/năm song từ năm 2014 trở về đây tình hình dịch tễ sốt rét ổn định, không có tử vong do sốt rét, số bệnh nhân sốt rét giảm đáng kể, đặc biệt từ năm 2019 đến nay toàn tỉnh không phát hiện trường hợp sốt rét nào. Với những kết quả đã đạt được, ngày 29/12/2022 tỉnh Bắc Kạn đã được Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương ra Quyết định công nhận tỉnh Bắc Kạn đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét trên quy mô toàn tỉnh (Quyết định số 1473/QĐ- VSR, ngày 29/12/2022). Theo đó, tỉnh Bắc Kạn chính thức chuyển từ giai đoạn loại trừ sốt rét sang giai đoạn phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau loại trừ.

2. Kết quả phân vùng dịch tễ bệnh sốt rét

Theo kết quả phân vùng dịch tễ sốt rét năm 2019 (do đến thời điểm hiện nay chưa có phân vùng mới), tỉnh Bắc Kạn có 100 xã thuộc vùng nguy cơ sốt rét quay trở lại và 08 xã thuộc vùng sốt rét lưu hành nhẹ: xã Chu Hương (huyện Ba Bể), xã Nam Cường, xã Nghĩa Tá (huyện Chợ Đồn), xã Sơn Thành, xã Đổng Xá (huyện Na Rì), xã Bằng Vân (huyện Ngân Sơn), xã Cao Tân, xã Nhạn Môn (huyện Pác Nặm). So với kết quả phân vùng năm 2014, năm 2019 số xã thuộc vùng sốt rét lưu hành vừa không còn, số xã thuộc vùng sốt rét lưu hành nhẹ giảm 33,3% (từ 12 xã xuống còn 08 xã).

3. Phân bố muỗi truyền bệnh sốt rét và tình hình muỗi kháng hoá chất

Theo điều tra đánh giá của Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tại tỉnh Bắc Kạn về độ nhạy cảm của muỗi với hóa chất phun và tẩm màn, kết quả cho thấy chưa có tình trạng kháng hoá chất của muỗi truyền bệnh sốt rét, đây là một trong những yếu tố thuận lợi trong công tác phòng ngừa sốt rét quay trở lại của tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra véc tơ truyền bệnh sốt rét hàng năm cho thấy tại tỉnh Bắc Kạn vẫn còn muỗi truyền bệnh sốt rét lưu hành (An.minimus, Dirus..) ở mật độ thấp và đây lại là yếu tố nguy cơ lớn trước tình hình dân di biến động phức tạp hiện nay.

4. Tình hình dân di biến động và nguy cơ lan truyền

Theo kết quả điều tra chỉ số dự án hàng năm tại 1 số xã thuộc vùng sốt rét lưu hành cho thấy mặc dù tại tỉnh Bắc Kạn số người dân đi làm rừng, làm nương rẫy và ngủ lại qua đêm thấp, có tỷ lệ sử dụng màn cao, tuy nhiên nguy cơ bị muỗi đốt ở đối tượng này vẫn có. Vì vậy vẫn có nguy cơ xảy ra sốt rét nếu người lành bị muỗi có Ký sinh trùng sốt rét đốt.

Kết quả điều tra véc tơ truyền bệnh sốt rét chỉ ở mật độ thấp nhưng cùng với tình hình dân di biến động ngày càng lớn và khó kiểm soát, nhất là tình trạng người dân đi lao động tự do tại nước ngoài có sốt rét lưu hành và có sự kháng thuốc Artemisinin như Châu Phi (đặc biệt là Anggola...) và các tỉnh trong nước như khu vực miền Trung - Tây Nguyên… sẽ làm tăng nguy cơ mắc sốt rét, nhất là lây nhiễm Ký sinh trùng sốt rét P.falciparum kháng thuốc, dẫn đến nguy cơ dịch sốt rét tại tỉnh Bắc Kạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, công tác phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau loại trừ tại tỉnh vẫn được coi là một nhiệm vụ trọng tâm.

5. Hệ thống phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét

Hệ thống phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đã có nhiều thay đổi trong những năm vừa qua. Cùng với việc sáp nhập các đơn vị dự phòng cấp tỉnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, mạng lưới y tế hoạt động theo hệ thống từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã và thôn bản (đặc biệt là các huyện, xã, thôn bản tham gia dự án RAI2E, RAI3E). Cán bộ làm công tác phòng chống và loại trừ sốt rét được đào tạo, tập huấn hàng năm, có đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc triển khai thực hiện các hoạt động của chương trình.

6. Các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét đã triển khai tại địa phương trong những năm qua

6.1. Công tác chỉ đạo điều hành

- Triển khai đầy đủ và kịp thời các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ và phối hợp các đơn vị thực hiện các hoạt động chuyên môn theo quy định.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo việc thực hiện công tác phòng chống sốt rét tại địa phương.

- Huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở địa phương phối hợp thực hiện trong các hoạt động phòng chống sốt rét, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ về phòng chống và loại trừ sốt rét được duy trì thường xuyên và đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã, đến thôn bản và người dân. Cùng với việc thực hiện Chương trình phòng chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue, triển khai và duy trì chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn hàng tuần; vận động Nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống và tiêu diệt muỗi song song với hoạt động vệ sinh môi trường tại gia đình, thôn bản.

6.2. Hoạt động chuyên môn kỹ thuật

- Nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh sốt rét tại các tuyến bệnh viện và các cơ sở y tế thông qua các lớp tập huấn, đào tạo hàng năm. Duy trì đảm bảo nhân lực thực hiện công tác phòng chống sốt rét tại các tuyến với năng lực và trình độ chuyên môn phù hợp, đáp ứng công việc được giao.

- Duy trì hoạt động của các điểm kính hiển vi, tăng cường công tác giám sát điểm kính hiển vi xét nghiệm và đào tạo mới, đào tạo lại hàng năm.

- Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ sốt rét trên địa bàn tỉnh, giám sát việc chẩn đoán phát hiện sớm người mắc sốt rét và điều trị bằng thuốc sốt rét theo phác đồ Bộ Y tế ban hành. Thực hiện giám sát việc triển khai các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét ở tất cả các tuyến. Điều tra ca bệnh, ổ bệnh sốt rét, giám sát công tác phòng chống và loại trừ sốt rét tại các tuyến.

- Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe với hình thức chủ yếu là tuyên truyền theo nhóm, thăm hộ gia đình và truyền thông lồng ghép tại thôn bản được duy trì hàng tháng, chủ yếu tại các xã thực hiện dự án Quỹ toàn cầu, RAI2E, RAI3E. Đồng thời, hàng năm tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25/4” bằng các hình thức như treo băng zon, khẩu hiệu, áp phích, tờ rơi, truyền thông… Việc kết hợp với truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét, lợi ích của việc ngủ màn, điều trị sốt rét đúng phác đồ đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh sốt rét, giúp người dân hiểu và tự giác, tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sốt rét cho bản thân và cộng đồng. Công tác quản lý di biến động dân cư (đi và về từ vùng có sốt rét lưu hành) có chiều hướng tốt và chặt chẽ hơn.

- Công tác phối hợp liên ngành đã huy động được sự tham gia chủ động, tích cực của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương vào các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét. Do đó, công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ về phòng chống và loại trừ sốt rét được duy trì thường xuyên và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; việc tổ chức các hoạt động như: tập huấn, các buổi truyền thông, tẩm màn, cấp phát màn, màn võng tẩm hoá chất tồn lưu dài, điều tra chỉ số dự án… có sự tham gia tích cực của các ngành liên quan và chính quyền cơ sở.

- Nghiên cứu khoa học: Đã triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở về điểm kính hiển vi sốt rét; kiến thức thái độ, thực hành của người dân về phòng chống sốt rét; thực trạng công tác chẩn đoán và điều trị sốt rét; xác định thành phần loài, mật độ vector truyền bệnh sốt rét và đánh giá sự thay đổi theo mùa của vector truyền bệnh sốt rét tại các điểm điều tra…Qua đó đã góp phần vào thành công chung của công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn

[...]