Kế hoạch 3190/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 28-CT/TW về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 3190/KH-UBND
Ngày ban hành 24/04/2024
Ngày có hiệu lực 24/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3190/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 24 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 28-CT/TW NGÀY 25/12/2023 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VÀ KẾ HOẠCH SỐ 109-KH/TU NGÀY 08/3/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC, GIÁO DỤC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC

Thực hiện Kế hoạch số 109-KH/TU ngày 08/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc (sau đây gọi là Kế hoạch số 109-KH/TU), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc (sau đây gọi là Chỉ thị số 28-CT/TW) và Kế hoạch số 109-KH/TU từ tỉnh đến cơ sở. Tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội trong việc thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

- Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 28-CT/TW và Kế hoạch số 109-KH/TU thành các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tạo điều kiện tối đa để trẻ em được phát triển toàn diện trở thành những con người hài hòa về thể chất, trí tuệ, tài năng, đạo đức, nhân cách góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển con người, tạo nguồn nhân lực, lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương nói riêng, của đất nước nói chung.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; nắm vững quan điểm đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của địa phương, đất nước.

- Các sở, ban, ngành, tổ chức và các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đảm bảo thiết thực, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tiễn; lồng ghép các mục tiêu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của ngành, địa phương, coi đây là nội dung quan trọng của mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP; PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW và Kế hoạch số 109-KH/TU

a) Nhiệm vụ, giải pháp

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập quán triệt và triển khai Chỉ thị số 28-CT/TW, Kế hoạch số 109-KH/TU đến toàn thể cán bộ đảng viên và Nhân dân. Đưa việc triển khai thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em thành nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ hằng năm và từng giai đoạn.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng sát với thực tiễn địa phương, đơn vị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự phát triển của thế hệ tương lai gắn với phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

- Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân; phối hợp chặt chẽ các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và vận động Nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, bảo đảm mọi trẻ em được thụ hưởng lợi ích tốt nhất, không bị phân biệt đối xử, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, được lắng nghe, được tôn trọng.

b) Phân công thực hiện

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các địa phương.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh tham gia.

2. Hoàn thiện chính sách, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách đối với trẻ em

a) Nhiệm vụ, giải pháp

- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật, chính sách cho trẻ em. Rà soát, hoàn thiện, bổ sung hoặc xây dựng mới các chính sách, cơ chế đặc thù; huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích và huy động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, xã hội tham gia, phối hợp thực hiện tốt các chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

- Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Nhà nước, phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện chính sách đối với trẻ em; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em… nhất là các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

b) Phân công thực hiện: các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương.

3. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

a) Nhiệm vụ, giải pháp

- Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật; bảo đảm trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển; được ưu tiên lồng ghép trong chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển của ngành, địa phương.

[...]