Kế hoạch 317/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động 14-CTr/TU thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội tỉnh An Giang trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Số hiệu 317/KH-UBND
Ngày ban hành 01/06/2017
Ngày có hiệu lực 01/06/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Nưng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 317/KH-UBND

An Giang, ngày 01 tháng 6 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 14-CTR/TU NGÀY 28/02/2017 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VỀ THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ, GIỮ VỮNG ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TỈNH AN GIANG TRONG BỐI CẢNH NƯỚC TA THAM GIA CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 5/11/2016 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành động Trung ương Đảng (Khóa XII) về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;

Căn cứ Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 25/4/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;

Thực hiện Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 28/02/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội tỉnh An Giang trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Xây dựng nhiệm vụ trọng tâm, huy động sức mạnh của toàn xã hội và nguồn lực từ bên ngoài tham gia và thực hiện có hiệu quả công tác hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế là định hướng chiến lược lớn trong thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược phát triển văn hóa, lao động, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, gắn với nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh biên giới trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế.

Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Để triển khai thực hiện Kế hoạch Hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đạt hiệu quả thiết thực, trong thời gian tới, phát huy tốt các nhiệm vụ thường xuyên, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp của tỉnh cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung chủ yếu sau đây :

1. Tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức

1.1. Hoàn thiện kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế

a) Thường xuyên tổ chức tuyên truyền nhằm tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về quan điểm chỉ đạo và chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung.

b) Bằng các hình thức, nội dung phù hợp phổ biến các cam kết, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi, đặc biệt là cơ hội, thách thức của nước ta khi tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp, doanh nhân.

1.2. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng

a) Thực hiện chuyên mục định kỳ về Hội nhập kinh tế quốc trên Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang, Báo An Giang, Cổng Thông tin điện tử tỉnh An Giang; Cổng thông tin điện tử thành phần; trên hệ thống loa truyền thanh cấp huyện, xã để người dân hiểu rõ Hội nhập kinh tế quốc tế và đường lối, chủ trương của Đảng. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền về cộng đồng ASEAN.

b) Mời gọi các đoàn phóng viên, đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến An Giang tác nghiệp, thực hiện các chương trình quảng bá sản phẩm tỉnh An Giang.

c) Triển khai hiệu quả Chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn 2016-2020. Xây dựng hệ thống thông tin về sản phẩm chủ lực, sản phẩm tìm năng của tỉnh An Giang để giới thiệu đến các Tham tán thương mại nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế khác.

1.3. Tiếp tục kết nối với các cơ quan Thương vụ và Tham tán Thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để thông tin kịp thời, chính xác về tình hình thị trường, rào cản kỹ thuật thương mại, chính sách thương mại, các hiệp định thương mại – hiệp định thuế quan mà Việt Nam đã ký kết... nhằm hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

1.4. Chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Chủ động, kịp thời phát hiện, đấu tranh với các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Thực hiện có hiệu quả chủ trương, pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế

2.1. Rà soát các văn bản, quy định của chính quyền địa phương không còn phù hợp với cam kết quốc tế; tích cực thực hiện các nghị quyết, chương trình hành động, kết luận của Chính phủ, của Tỉnh uỷ về hội nhập kinh tế quốc tế; tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất – kinh doanh đúng pháp luật Việt Nam trong nền kinh tế thị trường.

2.2. Xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh An Giang.

[...]