Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 308/KH-UBND năm 2022 về Phát triển ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025

Số hiệu 308/KH-UBND
Ngày ban hành 31/08/2022
Ngày có hiệu lực 31/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 308/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 31 tháng 08 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG XOÀI TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Kết luận số 250-KL/TU ngày 09/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI về tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025; Quyết định số 888/QĐ-UBND-HC ngày 09/8/2022 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng xoài của Tỉnh một cách hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu; tổ chức liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, kiểm soát được chất lượng và liên kết tiêu thụ sản phẩm; gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2025 diện tích trồng mới, cải tạo vườn xoài già cỗi kém hiệu quả 4.450 ha với tỷ lệ 36% diện tích trồng xoài. Theo đó tiếp tục lựa chọn 2 loại giống xoài chủ lực Cát Chu và Cát Hòa Lộc đưa vào sản xuất. Phát triển nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh sẽ tiếp tục ưu tiên các thị trường đã nhập khẩu xoài Việt Nam.

- Ứng dụng đồng bộ giải pháp, cơ giới hóa, tiến bộ khoa học, quy trình sản xuất tiên tiến và cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, sắp xếp các nhân tố tham gia bên trong ngành hàng xoài nhằm phát huy tối đa giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho nhà vườn trồng xoài, lợi nhuận tăng thêm của ngành hàng ít nhất 15%/năm.

- Đến năm 2025, diện tích 11.000 ha các vùng trồng và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, đóng gói xoài xuất khẩu đều được cấp mã số, chiếm 100%, diện tích đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng theo quy định1.

- Phấn đấu đến năm 2025 các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), hội quán (HQ), có diện tích trồng xoài đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), gắn truy xuất nguồn gốc, dán tem chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm xoài tươi, đạt 20%2.

- Phấn đấu diện tích chuyển đổi sản xuất xoài hướng hữu cơ, xoài hữu cơ đến năm 2025 đạt 2%, tương đương diện tích 293 ha.

- Phấn đấu ứng dụng đồng bộ công nghệ sau thu hoạch: vận chuyển, phân loại, cắt cuống, xử lý mủ, rửa, sấy khô và cuối cùng là dán nhãn; Đóng gói, áp dụng công nghệ xử lý bằng hơi nước bão hòa (xử lý côn trùng) và cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng (cấp đông nguyên trái), giảm tỷ lệ tổn thất, tăng chất lượng trái xoài, giảm tổn thất sau thu hoạch ít nhất 20%3, thời gian bảo quản có thể kéo dài đến 02 tháng.

- Thu hút đầu tư mới nhà máy chế biến xoài và phế phụ phẩm xoài có công suất 30.000 tấn xoài/năm, cao gấp 5 lần so với năm 2020.

II. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Phát triển ngành hàng xoài

1. Tổ chức sản xuất

a) Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất

Đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, kết nối giao thông nội đồng và hệ thống giao thông kết nối vùng sản xuất xoài tập trung quy mô lớn phù hợp với quy hoạch của từng địa phương. Phát triển hệ thống hậu cần (logistics) phục vụ thương mại cho xoài và các loại nông sản khác gắn với chợ đầu mối trái cây Tỉnh, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hệ thống vận chuyển, kho chứa lạnh và hệ thống xử lý, sơ chế trên cơ sở đề xuất yêu cầu và phương án kinh doanh của doanh nghiệp, HTX Tỉnh đặt tại các thành phố lớn cả nước.

b) Chuyển giao kỹ thuật canh tác

- Hướng dẫn sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất (tưới thông minh tiết kiệm nước, bón phân theo nhu cầu cây, nhật ký điện tử,…) nhằm giúp giảm giá thành sản xuất. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ biến đổi khí hậu và truy xuất nguồn gốc.

- Triển khai, nhân rộng các mô hình về tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc sinh học theo nguyên tắc 4 đúng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời xây dựng các mô hình xanh tuần hoàn, tận dụng các phế phẩm xoài làm phân hữu cơ cung cấp lại cho cây trồng.

- Tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp, tạo khối lượng hàng hóa có chất lượng cao và đồng nhất.

2. Đổi mới mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ

- Thực hiện mô hình mẫu liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ, quy mô 10 - 20 ha/mô hình: áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật: vệ sinh cải tạo vườn, trẻ hoá vườn già cỗi, cây giống tốt từ nơi cung ứng giống uy tín, ứng dụng cơ giới hoá, trong tưới tiêu, ra hoa rải vụ, bao trái, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển, bảo quản, giảm phân bón vô cơ, thuốc hoá học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, công nghệ số trong canh tác (áp dụng công nghệ số hỗ trợ thông tin kỹ thuật (xác định ngày ra hoa, ngày thu hoạch, quản lý sâu bệnh hại, nhật ký điện tử, giới thiệu sản phẩm).

- Liên kết với doanh nghiệp vừa cung ứng vật tư đầu vào, vừa gắn kết tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng vai trò của cán bộ địa phương trong giám sát hoạt động chuỗi liên kết và tiêu thụ.

- Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, đầu tư cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả cao của chuỗi giá trị.

- Phát triển các vùng sản xuất tập trung có sự liên kết sản xuất - tiêu thụ, xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất để sản phẩm có chất lượng đồng nhất và đảm bảo các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó đáp ứng tuyệt đối quy định mức dư lượng tối đa cho phép của thuốc bảo vệ thực vật (MRL), truy xuất được nguồn gốc; ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến tiên tiến để giảm thất thoát và đảm bảo chất lượng.

3. Phát triển kinh tế tập thể

[...]