Kế hoạch 303/KH-UBND năm 2016 phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 303/KH-UBND
Ngày ban hành 16/05/2016
Ngày có hiệu lực 16/05/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 303/KH-UBND

An Giang, ngày 16 tháng 5 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TRẺ EM TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Căn cứ Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ công văn số 1204/LĐTBXH-BVCSTE ngày 13 tháng 4 năm 2016 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020;

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh xây dựng Kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em Tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020 như sau:

A. THỰC TRẠNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TRẺ EM TRONG NHỮNG NĂM QUA:

Theo tổ chức y tế thế giới “Tai nạn thương tích là một sự kiện không định trước gây ra thương tích có thể nhận thấy được”, chính vì thế mà tai nạn thương tích ở trẻ em luôn là một sự cố xảy ra bất ngờ, đột ngột đối với trẻ em không được biết trước và tai nạn thương tích có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn tật suốt đời, để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình và xã hội.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ở Việt Nam tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, tàn phế cho trẻ em và trẻ vị thành niên lứa tuổi từ 12 - 18 tuổi.

Ở An Giang theo thống kê của ngành Y tế và ngành Lao động -Thương binh và Xã hội trong những năm gần đây tai nạn thương tích xảy ra tuy có giảm theo thời gian, nhưng vẫn còn cao. Năm 2011, toàn tỉnh có 5.726 trẻ em từ 0 - 14 tuổi bị tai nạn thương tích, năm 2013 có 5.499 trẻ bị tai nạn thương tích, năm 2015 có 5.391 trẻ em bị tai nạn thương tích, 3 loại tai nạn thương tích chính gây chết người và tàn tật ở trẻ em nhiều nhất là tai nạn giao thông, đuối nước và té ngã. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trẻ em bị tai nạn thương tích là do việc trang bị kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em trong các tầng lớp nhân dân chưa được phổ biến, ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về an toàn giao thông của một bộ phận dân cư chưa nghiêm, công tác tuyên truyền vận động phòng chống tai nạn thương tích còn hạn chế; mặt khác, do tỉnh nằm ở hạ lưu sông Mêkong, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, hàng năm đều bị ngập lụt, môi trường sông nước không an toàn với trẻ em; khoảng 70% hộ gia đình có trẻ em chưa quan tâm đến việc xây dựng “Ngôi nhà an toàn” phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Bên cạnh đó, nhận thức của trẻ em còn non nớt chưa lường hết được các mối nguy hiểm đe dọa; vấn đề an toàn cho trẻ em ở cả 3 môi trường gia đình, nhà trường, xã hội, đặc biệt là môi trường gia đình chưa thật sự bảo đảm để giảm thiểu các nguy cơ gây ra tai nạn thương tích cho trẻ em.

B. KẾ HOẠCH PHÒNG, TRÁNH TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TRẺ EM TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020:

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

1. Mục tiêu tổng quát: Kiểm soát tình hình tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, đem lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

Giảm 5% số trẻ em bị tai nạn thương tích so với năm 2015, đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông và các nguy cơ gây tai nạn thương tích tại gia đình.

50% hộ gia đình có trẻ em dưới 16 tuổi xây dựng đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”; 50% trường học đạt tiêu chuẩn “Trường học an toàn”; 8/156 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí “Cộng đồng an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Giảm 25% số trẻ em tử vong do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2015.

Giảm 5% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015.

90% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết các quy định về an toàn giao thông.

50 % trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thuỷ.

100% huyện, thị xã, thành phố triển khai chương trình dạy bơi cho trẻ em.

100% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp huyện, cấp xã; 80% cộng tác viên viên khóm, ấp được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. 100% nhân viên y tế khóm, ấp; nhân viên y tế trường học được trang bị kỹ năng sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn thương tích.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI:

Trẻ em trên phạm vi toàn tỉnh. Ưu tiên vùng có nguy cơ tai nạn thương tích trẻ em cao.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH:

Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, UBND các cấp đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Đưa mục tiêu phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm ở địa phương.

Các sở, ngành, đoàn thể liên quan, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu thuộc lĩnh vực ngành quản lý, tăng cường công tác phối hợp liên ngành hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phòng, tránh tai nạn thương tích trẻ em ở địa phương.

[...]