Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 30/KH-UBND phát triển kinh tế tập thể tỉnh Ninh Bình năm 2017

Số hiệu 30/KH-UBND
Ngày ban hành 23/03/2017
Ngày có hiệu lực 23/03/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Đinh Chung Phụng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 30/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 23 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TỈNH NINH BÌNH NĂM 2017

Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 17/12/2014 của HĐND tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể tỉnh năm 2017 như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả, mở rộng hoạt động của khu vực kinh tế tập thể (KTTT) theo các quy định của Trung ương, của tỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn; tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho các thành viên hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT).

- Phát triển đa dạng các loại hình HTX,THT; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả của các HTX đảm bảo bền vững, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội cụ thể của các địa phương trong tỉnh.

- Tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung, chương trình hỗ trợ phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 và Đề án số 22/ĐA-UBND ngày 27/11/2014 của UBND tỉnh đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.

II. Mục tiêu cụ thể:

1. Phấn đấu hết 31/12/2017, vận động sáp nhập, hợp nhất ít nhất 50% số HTX nông nghiệp liên thôn, xóm có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả thành HTX liên thôn, toàn xã. Giải thể 100% các HTX nông nghiệp ngừng hoạt động và các HTX không tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012.

2. Năm 2017 toàn tỉnh có ít nhất 245/328 HTX, chiếm khoảng 75% có trụ sở làm việc riêng, tăng 11 trụ sở.

3. Phấn đấu đến hết năm 2017 toàn tỉnh có ít nhất 185/230 HTX nông nghiệp, thủy sản (đạt 80%) hoạt động có hiệu quả đạt chuẩn nông thôn mới.

4. Năm 2017, thành lập mới ít nhất 15 HTX, 50 THT.

5. Tổ chức bồi dưỡng cho ít nhất 270 cán bộ BCĐ các cấp, lãnh đạo cấp xã phụ trách KTTT và 500 cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn HTX.

6. Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các HTX, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho ít nhất 03 HTX.

III. Nội dung kế hoạch:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền:

1.1. Nội dung tuyên truyền: Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển KTTT (Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX, Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển KTTT; Luật HTX năm 2012, Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020; Nghị quyết Đại hội Liên minh HTX Việt Nam khóa V nhiệm kỳ 2016 -2020; Thông tri số 19-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020 và các văn bản khác có liên quan);

1.2. Áp dụng linh hoạt nhiều hình thức tuyên truyền như tổ chức hội nghị, hội thảo, các lớp bồi dưỡng, phát hành bản tin Kinh tế tập thể, duy trì và nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, xây dựng các phóng sự, mở các chuyên mục về phát triển kinh tế tập thể trên các phương tiện thông tin đại chúng....

2. Chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình HTX

2.1. HTX nông nghiệp: nâng cao chất lượng và mở rộng dịch vụ phục vụ thành viên, dần hướng tới hoạt động theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm; tập trung phát triển HTX nông nghiệp theo hướng dịch vụ tổng hợp, sản xuất theo quy mô lớn với sản phẩm chủ lực, quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn VietGap; tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị hàng hóa; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; khuyến khích phát triển các HTX chuyên ngành như chăn nuôi, rau an toàn, nấm, trang trại...

2.2. HTX phi nông nghiệp: phát triển các HTX thủ công mỹ nghệ nhất là ở các làng nghề truyền thống, sản xuất hàng xuất khẩu; củng cố và phát triển các HTX vận tải, thương mại, dịch vụ tổng hợp, du lịch...

2.3. Quỹ tín dụng nhân dân: tiếp tục củng cố, đảm bảo an toàn, hoạt động gắn với việc phát triển thành viên; tích cực khai thác các nguồn vốn để nâng cao năng lực tài chính của quỹ.

3. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX theo Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020 được Chính phủ phê duyệt và Đề án phát triển kinh tế tập thể của tỉnh giai đoạn 2015-2020 được HĐND tỉnh phê duyệt

3.1. Hỗ trợ củng cố các HTX đảm bảo hoạt động theo Luật HTX năm 2012:

- Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo phát triển KTTT các cấp chỉ đạo việc rà soát, đánh giá quy mô, tổ chức bộ máy, chất lượng, hiệu quả hoạt động các HTX sau chuyển đổi, tổ chức lại. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy đảm bảo đúng Luật; chỉ đạo việc vận động sáp nhập, hợp nhất các HTX có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả thành các HTX có quy mô toàn xã. Tiến hành giải thể các HTX ngừng hoạt động.

- Tập trung các nguồn lực hỗ trợ các HTX nâng dần chất lượng, hiệu quả các khâu dịch vụ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho thành viên góp phần thúc đẩy kinh tế hộ cũng như kinh tế HTX phát triển.

- Hoàn thành việc hỗ trợ kinh phí tổ chức lại cho các HTX có quy mô từ 100 thành viên trở lên theo Đề án số 22 của UBND tỉnh.

3.2. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực:

[...]