Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 156/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 156/KH-UBND
Ngày ban hành 31/08/2022
Ngày có hiệu lực 31/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Trần Văn Tuấn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 156/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 31 tháng 08 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM VÀ RỐI LOẠN SỨC KHỎE TÂM THẦN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2022-2025

Phần I

ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM VÀ RỐI LOẠN SỨC KHỎE TÂM THẦN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2015 - 2021

I. THÔNG TIN CHUNG

Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh miền biển, nằm trong khu vực miền Đông Nam Bộ có 08 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 02 thành phố,05 huyện (01 huyện đảo) và 01 thị xã. Trong đó được chia nhỏ thành 82 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số 1.167.938 người[[1]], sống bằng nhiều ngành nghề: nông nghiệp, công nghiệp, đánh bắt hải sản, dịch vụ du lịch, khai thác dầu khí… thu nhập bình quân không đồng đều. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 chiếm 0,5%, số xã nghèo chiếm 08/82. Một số huyện vùng xa như Châu Đức, Phú Mỹ, Xuyên Mộc có người dân tộc sinh sống như dân tộc Châu Ro, Nùng, Hoa… trình độ dân trí thấp, kinh tế khó khăn.

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU, MỤC TIÊU CỦA CHIẾN LƯỢC TẠI TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2015 - 2021

Trong thời gian qua, được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Đoàn thể các cấp, sự hỗ trợ của WHO, các Viện đầu ngành khu vực, đặc biệt là sự quan tâm ủng hộ của người dân trên địa bàn tỉnh, chương trình đã đạt được một số kết quả như sau (số liệu chỉ báo cáo các chỉ tiêu do tỉnh thực hiện):

1. Kết quả thực hiện các chính sách pháp luật và phối hợp liên ngành:

a) Kết quả triển khai Luật và các văn bản quy định về Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL):

- Ngày 23/11/2020 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3517/QĐ- UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu bia tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2020.

- Theo kết quả nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá và thực hiện Luật PCTHTL tại tỉnh BR-VT năm 2018, cho thấy: 96% đơn vị có quy định thực hiện môi trường không khói thuốc lá và đưa vào quy chế nội bộ tại đơn vị, 98% cơ quan, đơn vị có gắn biển báo cấm hút thuốc, có 74% đơn vị có phân công cán bộ theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện môi trường không khói thuốc lá[[2]].

b) Công tác giám sát, kiểm tra việc thực thi Luật PCTHTL mới chỉ tập trung chủ yếu tại các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục: thực hiện 02 đợt/năm.

c) Kết quả triển khai Luật và các văn bản quy định về Phòng chống tác hại của rượu bia:

- Ngày 25/10/2019, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn số 1096/UBNB-VP tỉnh về việc triển khai Luật Phòng chống tác hại rượu bia.

- Quyết định số 3517/QĐ-UBND ngày 23/11/2020 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại rượu bia lồng ghép trong Ban Chỉ đạo PCTHTL. Công văn 7505/SYT-VP ngày 26/12/2021 về việc triển khai các văn bản quy pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia.

- Hoạt động truyền thông Luật phòng chống tác hại rượu bia:

- Năm 2019 các UBND huyện/thị xã/thành phố phối hợp tổ chức 07 lớp tập huấn truyền thông về Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Năm 2020, sản xuất một số tài liệu về phòng chống tác hại rượu bia: 1.000 tờ áp phích, 22 tấm băng rôn, 10 tấm pano cấp phát cho các đơn vị y tế. Tăng cường tuyên truyền Phòng chống tác hại rượu bia trên bản tin Sức khỏe BR-VT, Báo BR-VT.

Nhìn chung hoạt động về phòng chống tác hại của rượu bia trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua chủ yếu lồng ghép vào các chương trình khác, vì chưa được bố trí kinh phí nên hoạt động còn có nhiều hạn chế.

d) Phối hợp liên ngành về đảm bảo dinh dưỡng hợp lý:

- Công tác phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm dinh dưỡng cho người dân tại một số thời điểm còn mang tính hình thức chưa đi vào chiều sâu, chưa có kế hoạch hoạt động cụ thể, chưa lồng ghép có hiệu quả vào các hoạt động của ngành. Các ban ngành, đoàn thể chưa xây dựng kế hoạch kinh phí hỗ trợ cho công tác này.

- Người dân, đặc biệt là giới trẻ có xu hướng ăn nhiều chất béo bão hòa, chất đường và các loại thực phẩm chế biến sẵn. Thay đổi lối sống và bữa ăn mất cân đối ở nhiều hộ gia đình làm gia tăng gánh nặng kép về dinh dưỡng bao gồm thiếu dinh dưỡng, thừa cân - béo phì và các bệnh không lây nhiễm.

2. Truyền thông và vận động xã hội:

- Kiện toàn và phát triển hiệu quả mạng lưới thông tin truyền thông từ tỉnh tới cơ sở để tuyên truyền, phổ biến vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN)

3. Tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật:

a) Kết quả, số liệu về sàng lọc phát hiện sớm; dự phòng cho người nguy cơ cao; quản lý điều trị và chăm sóc người mắc bệnh chương trình phòng chống tim mạch; phòng chống đái tháo đường, tiền đái tháo đường:

- Có khoảng 350.000 lượt người (30% dân số) được khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Năm 2021 lồng ghép trong chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 đã có 95% người trưởng thành được đo huyết áp để phát hiện sớm THA. Tỷ lệ phát hiện, quản lý điều trị bệnh tim mạch, THA, ĐTĐ tính đến năm 2021 như sau:

- Tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp được phát hiện tính theo 12% dân số[[3]]: chiếm 65% (92.720 người), trong đó tỷ lệ được quản lý điều trị chiếm 46% (43.092 người).

[...]