Kế hoạch 285/KH-UBND năm 2024 hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 285/KH-UBND
Ngày ban hành 23/08/2024
Ngày có hiệu lực 23/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Tấn Đức
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 285/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 23 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG THỦ DÂN SỰ ĐẾN NĂM 2030 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Thực hiện Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 23/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 14/4/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1343/QĐ-TTg ngày 14/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa nội dung Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 23/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo làm cơ sở cho các sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, kết hợp chặt chẽ với các chiến lược chuyên ngành liên quan.

2. Yêu cầu

Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả.

II. NỘI DUNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

A. Giai đoạn 1 đến năm 2025

1. Tổ chức lại Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh trên cơ sở sáp nhập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

2. Kiện toàn, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy điều hành phòng thủ dân sự từ tỉnh đến địa phương và các cơ quan, đơn vị, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tinh, gọn, hiệu quả.

3. Rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan bảo đảm phù hợp với Luật Phòng thủ dân sự và thực tiễn.

4. Rà soát, hoàn thiện hệ thống kế hoạch phòng thủ dân sự bảo đảm phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ngành, lĩnh vực của tỉnh và địa phương; bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

5. Bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo cho cấp ủy đảng; năng lực quản lý, chỉ huy, điều hành hoạt động phòng thủ dân sự cho lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức về phòng thủ dân sự cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ thông tin, truyền thông tại các sở, ban, ngành, địa phương.

6. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các lực lượng và Nhân dân trong phòng thủ dân sự; phổ biến cho Nhân dân kỹ năng cần thiết để biết tự bảo vệ trước sự cố, thảm họa và chung tay bảo vệ cộng đồng.

7. Rà soát, kiện toàn tổ chức lực lượng phòng thủ dân sự từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu quả; xây dựng cơ chế điều hành hoạt động phòng thủ dân sự phù hợp cơ cấu tổ chức, khả năng bảo đảm và đặc điểm loại hình sự cố, thiên tai.

8. Triển khai các chương trình, đề án đã được phê duyệt; ưu tiên nguồn lực, tập trung hoàn thành các công trình thiết yếu ở các khu vực có nguy cơ rủi ro thiên tai cao; triển khai thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ phòng thủ dân sự tỉnh.

B. Giai đoạn 2 từ năm 2025 đến năm 2030 và những năm tiếp theo

1. Tiếp tục hoàn thiện phương thức, nội dung thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh cho cộng đồng.

2. Tập trung đầu tư cho lực lượng chuyên trách đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt đối với các loại hình sự cố, thiên tai, có nguy cơ cao; chú trọng nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ, bảo đảm thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

3. Tăng cường huấn luyện, tập huấn, diễn tập thực nghiệm các vấn đề mới, phức tạp để nghiên cứu, rút kinh nghiệm, làm cơ sở hoàn thiện các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, đồng thời nâng cao năng lực chỉ huy điều hành cho cán bộ các cấp, nâng cao kỹ năng cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm.

4. Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án trọng điểm về phòng thủ dân sự cấp tỉnh. Hoàn thành xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự tại các khu vực rủi ro thiên tai cao; đăng ký, thống kê hệ thống công trình lưỡng dụng, sẵn sàng trưng dụng cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự khi có tình huống.

5. Hoàn thiện phương án, kế hoạch khai thác các công trình trọng điểm, các chương trình quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội để từng bước nâng cao năng lực phòng ngừa thảm họa chiến tranh.

6. Đa dạng hóa nguồn lực để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh; tăng cường nguồn lực dự trữ các mặt hàng thiết yếu, chiến lược, bảo đảm cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự; nhân rộng mô hình các đội xung kích ở cơ sở, phát triển lực lượng tình nguyện viên trong tuyên truyền, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

7. Thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự, triển khai các thỏa thuận hợp tác, chuyển giao ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phòng thủ dân sự.

8. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động phòng thủ dân sự, tập trung nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo, dự báo thiên tai, thảm họa; nâng cao năng lực sản xuất trang thiết bị phòng thủ dân sự, tạo bước đột phá trong năng lực ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, hậu quả chiến tranh.

9. Sơ kết, tổng kết và nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận về phòng thủ dân sự.

[...]