Quyết định 1261/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Đề án “Hiện đại hóa Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1261/QĐ-TTg
Ngày ban hành 27/10/2023
Ngày có hiệu lực 27/10/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Hồng Hà
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1261/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HIỆN ĐẠI HÓA NGÀNH KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN ĐẾN NĂM 2025 VÀ THỜI KỲ 2026-2030”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị;

Căn cứ Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 72/TTr-BTNMT ngày 31 tháng 8 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Hiện đại hóa Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026-2030” (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030 đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực Châu Á; Ngành Khí tượng Thủy văn có những bước phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, gắn với đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Cơ chế, chính sách và cơ cấu tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác khí tượng thủy văn; quy trình vận hành, quản lý hệ thống mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; quy định chia sẻ, kết nối liên thông thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn giữa các Bộ, ngành, địa phương và quốc tế.

- Hoàn thành công tác sắp xếp lại tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng được nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ, chất lượng.

b) Công nghệ thông tin và chuyển đổi số khí tượng thủy văn

- Phát triển công nghệ thông tin khí tượng thủy văn bao gồm: hạ tầng số, dữ liệu số và nền tảng số; đảm bảo duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; an toàn thông tin đạt tối thiểu cấp độ 03; cung cấp dịch vụ công lĩnh vực khí tượng thủy văn đạt mức độ 04.

- Hoàn thành cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia tập trung, liên thông với các cơ sở dữ liệu chung của quốc gia; số liệu quan trắc tại các trạm thuộc hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia được thu nhận sát theo thời gian thực và kiểm soát, lưu trữ theo đúng quy định; 100% số liệu quan trắc tại các công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn và tối thiểu 75% số liệu quan trắc tại trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng được thu nhận, tích hợp vào cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.

- Hoàn thành chuyển đổi số lĩnh vực khí tượng thủy văn đạt 100% theo chỉ tiêu chuyển đổi số của ngành tài nguyên và môi trường; cập nhật, số hóa 100% tư liệu giấy khí tượng thủy văn; tăng cường năng lực tính toán chuyên ngành khí tượng thủy văn của hệ thống đạt tối thiểu gấp 05 lần so với năm 2020.

- Đầu tư mở rộng các trạm thông tin vệ tinh mặt đất, thiết bị thông tin lưu động; vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo đa thiên tai, kết hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia.

c) Mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia và trạm quan trắc của các Bộ, ngành, địa phương

- Hiện đại hóa công nghệ quan trắc khí tượng thủy văn đến năm 2030 nâng tổng số trạm tự động trên toàn mạng lưới đạt 95% đối với các trạm khí tượng, đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao và tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng nước. Nghiên cứu áp dụng công nghệ quan trắc từ xa bằng vệ tinh, camera, viễn thám, vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động quan trắc phục vụ giám sát, dự báo trên diện rộng.

- Tăng dày mật độ, bổ sung 13 trạm ra-đa thời tiết cho các khu vực trên đất liền, khu vực biên giới, các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam; phát triển mạng lưới trạm khí tượng hải văn tự động; lồng ghép mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; ứng dụng các công nghệ quan trắc mới, hiện đại vào phục vụ quan trắc khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu.

- Tăng cường quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn đối với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan; nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn.

- Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, nhất là đối với mưa, bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển.

[...]