Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Kế hoạch 282/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Số hiệu 282/KH-UBND
Ngày ban hành 24/09/2024
Ngày có hiệu lực 24/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Dương Đức Tuấn
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 282/KH-UBND

Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 23/CT-TTG NGÀY 26/7/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH

1. Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới, hiệu quả hơn, quyết liệt hơn trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; quyết liệt thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân trên địa bàn Thành phố.

2. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách; tiếp tục siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô; tăng cường kiểm soát đối với hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hoá góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố.

II. YÊU CẦU

1. Kế hoạch này được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, có hiệu quả với các kế hoạch thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia; chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành Thành phố và các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ theo Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kế hoạch số 201-KH/TU ngày 15/12/2023 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới. Tiếp tục xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an sinh của Nhân dân và trật tự, an toàn xã hội. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân là trên hết, trước hết; bảo đảm các quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của lực lượng chức năng.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố.

2. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam đổi mới chương trình đào tạo và sát hạch lái xe, bổ sung vào chương trình đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe các quy định về kỹ năng điều khiển phương tiện, xử lý tình huống bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông nhất là trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ; quản lý lái xe sau sát hạch.

3. Tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông trên hệ thống đường bộ; tổng rà soát các “điểm đen”, "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông trên địa bàn toàn Thành phố để đề ra phương án, kế hoạch, lộ trình giải quyết.

4. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm thống nhất với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ ngay khi có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/01/2025).

5. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô như: xe chở quá khổ, quá tải, chở khách quá số người quy định, “cơi nới” thành thùng; xe ba, bốn bánh tự chế tham gia giao thông; xe U-oát, xe Jeep chở khách không mui, không mái che (thay đổi thiết kế ban đầu đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm định) tham gia giao thông; xử lý triệt để tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe chở khách không theo luồng, tuyến quy định…và các vi phạm về điều kiện an toàn giao thông của đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn, đặc biệt chú trọng việc thực hiện các quy định về thời gian lái xe, tốc độ khi tham gia giao thông, điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, điều kiện của người lái xe kinh doanh vận tải,...

6. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, các kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn, đặc biệt cho đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe kinh doanh vận tải; tiếp tục đẩy mạnh phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải

a) Thực hiện đầy đủ trách nhiệm, có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 và các sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19/7/2022, Nghị định số 41/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách; tiếp tục siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô; tăng cường kiểm soát đối với hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hoá, kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm ngay tại các điểm xuất phát (bến xe, bến bãi, nhà ga, đầu nguồn hàng, mỏ vật liệu); xử lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi để phương tiện, người lái xe xuất bến, tham gia giao thông không đảm bảo điều kiện theo quy định như: Xe quá niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định, chở quá số người quy định, quá tải trọng xe, xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, không gắn camera, thiết bị giám sát hành trình trên xe theo quy định, thiết bị giám sát hành trình, camera không hoạt động, không truyền dữ liệu theo quy định; lái xe không bảo đảm điều kiện điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải, thiếu các giấy tờ theo quy định; xe hợp đồng và du lịch hoạt động có lộ trình cố định, hành trình cố định, lặp đi, lặp lại và thời gian cố định, sử dụng trụ sở công ty, văn phòng đại diện hoặc sử dụng các xe trung chuyển để đón khách sai quy định; không thực hiện đầy đủ trách nhiệm khi nhận được cảnh báo các lỗi vi phạm từ hệ thống thiết bị giám sát hành trình; quản lý chặt chẽ và kiên quyết thu hồi giấy phép, phù hiệu, biển hiệu vận tải đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.

b) Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn có nhiều vi phạm, để xảy ra tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên. Phối hợp với lực lượng chức năng của Công an Thành phố xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên theo quy định; định kỳ báo cáo kết quả về UBND Thành phố, Bộ Giao thông vận tải theo quy định.

c) Thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về đơn vị kinh doanh vận tải, phương tiện kinh doanh vận tải, danh sách lái xe kinh doanh vận tải, các đơn vị thường xuyên vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải, rà soát loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng (Thuế, Công an, Y tế) và các cơ quan khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ.

d) Phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với cơ sở đào tạo lái xe; đổi mới chương trình đào tạo và sát hạch lái xe, bổ sung vào chương trình đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe các quy định về kỹ năng điều khiển phương tiện, xử lý tình huống bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc, cao tốc phân kỳ đầu tư; quản lý lái xe sau sát hạch; bổ sung nội dung đào tạo và sát hạch lý thuyết, thực hành và sát hạch thực tế đối với học viên học lái xe mô tô (chú trọng điểm mù khi đi gần xe tải, xe khách lớn, phần đường, làn đường, chuyển hướng, tốc độ, tránh vượt, đi từ đường phụ ra đường chính...), xây dựng lộ trình để áp dụng với xe gắn máy. Triển khai thực hiện hiệu quả khi có các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành liên quan đến lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

đ) Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí và các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền đến các hộ gia đình, người dân sinh sống dọc các tuyến đường mới đưa vào khai thác thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; kinh nghiệm tham gia giao thông an toàn trên các tuyến đường mới, lái xe mới; các kiến thức và kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe máy trong điều kiện giao thông hỗn hợp; tiến tới hình thành văn hóa “Đã uống rượu bia - không lái xe” trong mỗi người tham gia giao thông.

e) Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe ô tô hợp đồng đưa đón trẻ em mầm non, học sinh không bảo đảm điều kiện kinh doanh vận tải, không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.

g) Chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các địa phương, đơn vị liên quan rà soát, tổ chức điều chỉnh quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thành phố đảm bảo hợp lý, phù hợp tình hình giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông. Phối hợp với Công an Thành phố, các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, công tác tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; thường xuyên tổ chức liên ngành khảo sát, khắc phục kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; thực hiện thẩm tra an toàn giao thông theo đúng quy định.

h) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động của các xe vận chuyển hành khách, đặc biệt là việc tự động phát hiện vi phạm qua hệ thống Giám sát hành trình; kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ thông qua dữ liệu thu được từ hệ thống Giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam; kịp thời phát hiện và xử lý đối với các phương tiện xe khách tuyến cố định không thực hiện đúng hành trình vận tải đã đăng ký theo quy định; Xe hợp đồng, xe du lịch hoạt động có lộ trình cố định, thời gian cố định, lặp đi, lặp lại, vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách theo hình thức hợp đồng, du lịch.

i) Thường xuyên rà soát, điều chỉnh biểu đồ, tần suất, lộ trình hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định tại các bến xe khách trên địa bàn Thành phố cho phù hợp với tình hình thực tế nhu cầu đi lại của hành khách. Hạn chế tối đa việc các xe xuất bến không có khách hoặc hệ số khách quá thấp (đây là nguyên nhân các xe sau khi xuất bến, chạy vòng vo đón khách).

k) Phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các quận, huyện, thị xã kiểm tra, xử lý các xe khách tuyến cố định dừng, đỗ đón, trả khách ngoài khu vực bến xe; tập trung tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm. Kiểm tra, xử lý các xe hợp đồng hoạt động đón, trả khách tại các điểm thuộc văn phòng đại diện, chi nhánh của các doanh nghiệp vận tải, từng bước xóa bỏ tụ điểm “bến cóc” trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, xử lý các xe taxi vi phạm dừng, đỗ xe, đón, trả khách trái phép tại khu vực cổng các bệnh viện, trung tâm thương mại gây mất trật tự an toàn giao thông.

[...]