Kế hoạch 2815/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 2815/KH-UBND
Ngày ban hành 23/12/2021
Ngày có hiệu lực 23/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đoàn Ngọc Lâm
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2815/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 23 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT NĂM 2022

PHẦN I

TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI, DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT NĂM 2021

Năm 2021, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương, sự hỗ trợ của Trung ương trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, sản xuất chăn nuôi của tỉnh dần phục hồi, số lượng vật nuôi tăng ổn định, gần tương đương với thời điểm trước đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020. Tuy nhiên, vào tháng 2/2021 dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò lần đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh, đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi; đồng thời bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tái phát trở lại ở các địa phương là ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao, cụ thể:

I. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI VÀ DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

1. Tình hình chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

Tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh tính đến ngày 01/10/2021, như sau:

- Đàn trâu: 31.936 con, bằng 86,3% kế hoạch, giảm 5,3% so với cùng kỳ.

- Đàn bò: 108.403 con, bằng 98,5% kế hoạch, tăng 3,6% so với cùng kỳ; trong đó, đàn bò lai chiếm 59% tổng đàn, tăng 6% so với cùng kỳ.

- Đàn lợn: 242.370 con, bằng 69,2% kế hoạch, tăng 2,1% so với cùng kỳ.

- Đàn gia cầm: 4.736.028 con, bằng 105,3% kế hoạch, giảm 4,9% với cùng kỳ.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 6.549 ha, tương đương với cùng kỳ, trong đó diện tích nuôi mặn lợ 1.336,4ha (tôm 1.206,8 ha; cua, cá nước lợ 129,6ha), tăng 0,4% so với cùng kỳ; diện tích nuôi nước ngọt 5.212,6 ha, giảm 0,1% so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi đạt 11.793,5 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ.

2. Tình hình dịch bệnh

2.1. Dịch bệnh gia súc, gia cầm

Đầu năm 2021, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục trên trâu bò, cụ thể:

- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP): Tính đến ngày 25/11/2021, đã xảy ra ở 266 hộ/86 thôn/43 xã/8 huyện, thành phố, thị xã làm 2.295 con lợn chết, tiêu hủy với tổng trọng lượng là 136.350 kg, tăng 8,5 là số ổ dịch so với cùng kỳ.

- Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò: Tính đến ngày 25/11/2021, đã xảy ra tại 6.261 hộ/684 thôn/125 xã/8 huyện, thành phố, thị xã làm 10.070 con trâu bò mắc bệnh và chết, trong đó có 1.341 con chết, tiêu hủy.

- Bệnh Lở mồm long móng gia súc (LMLM): Xảy ra ở 6 thôn của 4 xã, thị trấn tại huyện Bố Trạch làm 115 con trâu bò mắc bệnh, không có trâu bò chết do bệnh, giảm 1,75 lần số ổ dịch so với cùng kỳ.

- Bệnh Tai xanh lợn, Cúm gia cầm: Không xảy ra.

Sau khi triển khai tiêm phòng vắc xin, bệnh VDNC trâu bò cơ bản đã được khống chế, hiện đã công bố hết dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng bệnh DTLCP do chưa có vắc xin để tiêm phòng nên đến nay vẫn còn xảy ra nhỏ lẻ ở vài nơi.

2.2. Dịch bệnh thủy sản

Trong năm 2021, chỉ xảy ra dịch bệnh đốm trắng (WSSV) 8 hộ/2 xã, phường/2 huyện, TX (Quảng Ninh và Ba Đồn) với tổng diện tích bị bệnh 2,774 ha giảm 4 lần về phạm vi dịch và 22 lần về diện tích bị bệnh so với cùng kỳ.

3. Một số khó khăn, tồn tại và nguyên nhân

- Bệnh DTLCP tiếp tục tái phát tại các địa phương, nguyên nhân do mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường, bệnh hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu; chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng một số bệnh truyền nhiễm trên đàn lợn đạt thấp làm giảm sức đề kháng của vật nuôi.

- Bệnh VDNC là bệnh mới phát sinh lần đầu có đường truyền bệnh đa dạng, tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ chết cao; đồng thời công tác tuyên truyền ở một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời; chăn nuôi trâu bò chủ yếu là nhỏ lẻ, theo hình thức thả rong.

- Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm năm 2021 thấp, chưa đạt kế hoạch, thời gian thực hiện kéo dài, nguyên nhân do các loại vắc xin hầu hết là thương mại nên người chăn nuôi ít đầu tư tiêm phòng; dịch bệnh VDNC xảy ra cao điểm từ tháng 2 đến tháng 7 nên công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm chậm trễ; một số địa phương không có cán bộ thú y nên thiếu nhân lực để thực hiện.

- Ý thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản còn hạn chế, khi dịch bệnh xảy ra người dân tự xử lý hoặc xử lý với nồng độ không đúng quy định; không báo cáo với chính quyền địa phương, gây khó khăn trong quá trình nắm bắt số liệu và quản lý công tác phòng, chống dịch bệnh.

[...]