Kế hoạch 2805/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 21/NQ-CP về Chương trình hành động giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 do tỉnh Hải Dương ban hành

Số hiệu 2805/KH-UBND
Ngày ban hành 02/08/2023
Ngày có hiệu lực 02/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Triệu Thế Hùng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2805/KH-UBND

Hải Dương, ngày 02 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 21/NQ-CP NGÀY 20/02/2023 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ GIAI ĐOẠN 2022-2026 THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 15-CT/TW, NGÀY 10/8/2022 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ CÔNG TÁC NGOẠI GIAO KINH TẾ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW, ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 (sau đây gọi là Nghị quyết số 21/NQ-CP), Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/02/2023 của Chính phủ phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

- Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế, xác định công tác ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả.

2. Yêu cầu

- Các cấp, các ngành, cơ quan và đơn vị trong tỉnh nghiêm túc quán triệt Nghị quyết số 21/NQ-CP, khẩn trương tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch đảm bảo hiệu quả.

- Xác định rõ vai trò của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Tích cực, chủ động tổ chức triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương và phù hợp với từng đối tượng, đối tác, thành phần, ngành và lĩnh vực.

- Triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế

- Tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, đầy đủ, thực chất nội dung Nghị quyết số 21/NQ-CP ở tất cả các cấp cơ sở đảng và chính quyền và doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về yêu cầu, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ của công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới. Tăng cường các hoạt động sinh hoạt chuyên đề về công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, hội nhập quốc tế.

- Tuyên truyền về chủ trương, ý nghĩa, hiệu quả kinh tế của công tác ngoại giao kinh tế, xác định ngoại giao kinh tế là động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả của các hoạt động ngoại giao kinh tế gắn với các chuyến thăm và hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo tỉnh, các hội nghị xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức.

2. Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

- Duy trì, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các đối tác truyền thống; thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác mới, các tập đoàn kinh tế, các tổ chức tài chính lớn của các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm tăng cường hợp tác và khai thác các yếu tố ngoại lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tranh thủ các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy hợp tác kinh tế, hợp tác khoa học - công nghệ, thu hút nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

- Tiếp tục tăng cường hợp tác hữu nghị với các địa phương có quan hệ hợp tác với tỉnh, trong đó, thúc đẩy triển khai hiệu quả Biên bản ghi nhớ hợp tác với tỉnh Kagoshima, Nhật Bản về đào tạo và đảm bảo nguồn nhân lực; đồng thời đẩy mạnh thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với các đối tác tiềm năng khác nhằm tranh thủ nhu cầu lớn về lao động của các thị trường trong các lĩnh vực: dịch vụ y tế, dịch vụ chăm sóc và các lĩnh vực tay nghề cao; xúc tiến thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với các tỉnh, thành phố nước ngoài có nhiều điểm tương đồng với tỉnh và có tiềm năng, thế mạnh trong việc hợp tác phát triển kinh tế của tỉnh.

- Tích cực phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các Bộ, ngành Trung ương để lựa chọn, thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương, đối tác mới có tiềm năng thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ có lợi thế về sản xuất, ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ cao để tiến tới ký kết hợp tác cấp địa phương.

- Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư ở nước ngoài; tích cực hỗ trợ các đoàn khách nước ngoài đến thăm, làm việc, tìm hiểu đầu tư tại tỉnh.

- Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; chủ động xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình thực hiện cam kết. Nâng cao nhận thức và năng lực thực thi các cam kết FTA của doanh nghiệp; nâng cao cạnh tranh các ngành hàng, doanh nghiệp phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ thực thi hiệp định; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

- Nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trong các ngành, lĩnh vực kêu gọi thu hút đầu tư và các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp trong nước, góp phần vào hình thành phát triển chuỗi cung ứng.

3. Đẩy mạnh vận động, thu hút nguồn lực từ bên ngoài nhằm củng cố các động lực tăng trưởng phục vụ phát triển kinh tế.

- Tích cực vận động, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chú trọng xúc tiến đầu tư vào các nhà đầu tư có tiềm lực, các tập đoàn lớn; ưu tiên thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch… Thu hút vào các lĩnh vực theo danh mục kêu gọi thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021-2025; tăng cường vận động thu hút nguồn vốn ODA và NGO.

- Nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh, đặc biệt là các dự án lớn, dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng về kinh tế- xã hội và đối ngoại. Thực hiện các biện pháp đơn giản hóa thủ tục đầu tư và quảng bá, xúc tiến đầu tư trên cơ sở ứng dụng công nghệ số.

- Triển khai “ngoại giao số”, “ngoại giao công nghệ” nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học công nghệ, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tiễn của địa phương. Thu hút các tập đoàn đa quốc gia thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo tại tỉnh.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, Bộ, ngành và các cơ quan đối ngoại trong thẩm định, xử lý các vướng mắc trong các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh, đặc biệt là các dự án quan trọng có yếu tố nước ngoài hoặc nhạy cảm về đối ngoại. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nước ngoài, năng lực phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

[...]