Kế hoạch 279/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến nông lâm thuỷ sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 279/KH-UBND
Ngày ban hành 11/11/2022
Ngày có hiệu lực 11/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Khước
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 279/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 11 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 858/QĐ-TTg NGÀY 20/7/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CƠ GIỚI HOÁ NÔNG NGHIỆP VÀ CHẾ BIẾN NÔNG LÂM THUỶ SẢN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến nông lâm thuỷ sản đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 219/TTr-SNN&PTNT ngày 27/10/2022, căn cứ tình hình phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản trong sản xuất nông nghiệp hiện nay trên địa bàn, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến nông lâm thuỷ sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai nhiệm vụ kịp thời, hiệu quả, góp phần đạt được mục tiêu theo yêu cầu của Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến nông lâm thuỷ sản đến năm 2030;

- Phát triển cơ giới hoá nông nghiệp theo hướng cơ giới hoá đồng bộ, theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu sản xuất nông nghiệp.

2. Yêu cầu

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cần đảm bảo tính khoa học, đồng bộ và hiệu quả;

- Ưu tiên phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn, hiện đại, có trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến kết hợp với phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến quy mô vừa và nhỏ nhằm tạo sự đồng bộ, gắn kết, lan toả theo chuỗi. Đa dạng hoá sản phẩm, tăng tỷ trọng chế biến sâu; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu và phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp;

- Thu hút các nguồn lực của xã hội để phục vụ phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản phù hợp với đặc thù của tỉnh thông qua các định hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung được cơ giới hoá.

b) Phát triển chế biến nông sản hiện đạt, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Cơ giới hoá nông nghiệp đối với từng lĩnh vực sản xuất

- Trồng trọt: Sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 90% năm 2025, cơ giới hoá đồng bộ đạt trên 70% năm 2030;

- Chăn nuôi: Sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 80% năm 2025, cơ giới hoá đồng bộ đạt trên 60% năm 2030;

- Thuỷ sản: Diện tích nuôi trồng thuỷ sản thực hiện cơ giới hoá đạt trên 50% đến năm 2025 và trên 70% đến năm 2030;

- Lâm nghiệp: Các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng, khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản đạt trên 30% năm 2025, đạt trên 50% năm 2030.

b) Phát triển chế biến, bảo quản nông sản

- Tốc độ gia tăng giá trị công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8,0%/năm vào năm 2025 và 10%/năm vào năm 2030;

- Trên 70% số cơ sở chế biến nông sản quy mô doanh nghiệp đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên;

- Tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5% đến 1,0%/năm;

- Hình thành một số doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung có áp dụng cơ giới hoá và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN 2045

[...]