Kế hoạch 176/KH-UBND năm 2022 về phát triển cơ giới hóa cho các ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 176/KH-UBND
Ngày ban hành 31/03/2022
Ngày có hiệu lực 31/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Trần Anh Thư
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 176/KH-UBND

An Giang, ngày 31 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CƠ GIỚI HÓA CHO CÁC NGÀNH HÀNG NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 04/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển cơ giới hóa cho các ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030, cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG CƠ GIỚI HÓA MỘT SỐ NGÀNH HÀNG NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC CỦA TỈNH

1. Ứng dụng cơ giới hóa trên lúa

Thời gian qua tỉnh An Giang đã không ngừng đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa như chương trình xã hội hóa công tác giống, 3G3T, 1P5G ... trong đó có cơ giới hóa (CGH), tự động hóa góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí và nâng cao chất lượng và hiệu quả cho người trồng lúa.

- Khâu làm đất được CGH hoàn toàn (trên 99%), với tổng số 4.732 máy cày, máy xới các loại (trong đó có 06 thiết bị, phục vụ khoảng 0,5% diện tích trồng lúa).

- Khâu gieo trồng có 1.998 dụng cụ sạ hàng kéo tay, 02 dụng cụ sạ hàng có động cơ và 18 máy cấy (chủ yếu phục vụ tại các THT/HTX/DN sản xuất lúa giống, chiếm 24% diện tích sản xuất lúa giống).

- Khâu chăm sóc cũng được CGH cao, ước tính hiện có 5.237 máy bón phân và 15.586 máy phun thuốc có động cơ, nâng tỷ lệ nông dân bón phân và phun thuốc có sử dụng động cơ lên đến hơn 90% (trong đó có 64 máy bay phun thuốc tập trung nhiều ở các huyện Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú).

- Khâu thu hoạch và bảo quản có 1.952 máy GĐLH, đáp ứng được 98% diện tích thu hoạch bằng máy và 1.069 lò sấy, công suất sấy trung bình từ 20 đến 45 tấn/mẻ, đáp ứng sấy khoảng 75% sản lượng lúa của tỉnh (trong đó có các doanh nghiệp lớn: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Angimex, Afiex, … đầu tư lò sấy hiện đại có công suất hàng trăm tấn/ngày (500 tấn/ngày) để phục vụ sấy lúa vùng nguyên liệu ở những cánh đồng lớn trong điều kiện sản xuất và thu hoạch tập trung).

- Về sử dụng phụ phẩm, nông dân trong tỉnh cũng đã đầu tư khoảng 171 máy cuốn rơm các loại, đáp ứng khoảng 25% lượng rơm thu gom được trong sản xuất lúa, tương đương khoảng 0,75 triệu tấn góp phần giảm thiểu môi trường cũng như có thể tận dụng nguồn phụ phẩm này phục trồng nấm, rau màu và chăn nuôi.

2. Ứng dụng cơ giới hóa trên rau màu, cây ăn trái

- Về khâu làm đất toàn tỉnh có 1.191 máy cày, máy xới và 103 máy vun luống, chiếm khoảng 90% diện tích vực rau màu và 73 máy đào lên liếp (kobe) phục vụ khoảng 70% diện tích cây ăn trái.

- Các khâu còn lại như gieo trồng, chăm sóc, bón phân, phun thuốc, thu hoạch và sơ chế chủ yếu bằng thủ công mặc dù gần đây nông dân có đầu tư cơ giới hóa nhưng còn khá hạn chế.

3. Ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi: Tổng đàn vật nuôi có xu hướng giảm so với trước đây (do giá cả biến động và dịch bệnh), cùng với quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên rất khó ứng dụng các giải pháp CGH, chủ yếu áp dụng ở các trại chăn nuôi quy mô lớn.

Chăn nuôi bò: hiện có 474 trại, chuồng trại không có hệ thống ăn uống tự động. Trong đó, có 168 trại (35,4%) có đầu tư máy băm cây thức ăn gia súc. đầu tư máy bơm nước rửa chuồng có 252 trại (53,2%), đầu tư máy phun khử trùng có 06 trại (1,3%). Đa số các trại chăn nuôi bò chưa có hệ thống xử lý biogas. Các trại chủ yếu chăn nuôi bò thịt, vỗ béo và bán đi nên không có đầu tư hệ thống giết mổ.

Chăn nuôi heo: hiện có 170 trại. Chỉ có 08 trại (4,7%) đầu tư chuồng với hệ thống thông gió, làm mát. Có 73 trại (42,9%) đầu tư hệ thống ăn uống tự động. Máy trộn và chế biến thức ăn không có. Máy phun khử trùng có 25 trại (14,7%) đầu tư. Biogas có 120 trại (70,6%) đầu tư.

Chăn nuôi gia cầm: hiện có 183 trại. Chỉ có 05 trại (3,2%) đầu tư chuồng với hệ thống thông gió, làm mát. Có 06 trại (3,3%) đầu tư hệ thống ăn uống tự động. Máy phun khử trùng có 06 trại (3,3%) đầu tư. Máy bơm nước rửa chuồng chỉ 01 trại đầu tư.. Các trại chăn nuôi gia cầm không sử dụng hầm Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi mà chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nền chuồng.

4. Ứng dụng cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản

Cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), đối tượng chủ lực là cá tra tập trung ở hình thức là nuôi ao là chủ yếu. Hiện các cơ sở trang bị cơ bản đảm bảo phục vụ trong hoạt động sản xuất theo quy mô nuôi bao gồm: bơm nước, bơm điện, máy cung cấp oxy, ozone, thiết bị tạo dòng chảy (xa quạt nước), máy phối trộn thức ăn, máy cho ăn bán tự động, máy cho ăn tự động, hệ thống nhà kín (Green house), hệ thống RAS, máy năng lượng mặt trời…. Đối với các cơ sở nuôi lớn, vùng nuôi doanh nghiệp thì việc đầu tư trang thiết bị CGH trong quá trình sản xuất luôn được quan tâm đầu tư để tối ưu hóa sản xuất, năng suất nhằm cao hiệu quả kinh tế. Về phần nông hộ nuôi đa số chưa đầu tư ứng dụng CGH, các công đoạn đều làm bằng thủ công.

Nhìn chung, thời gian qua nhờ có nhiều chủ trương, chính sách như hỗ trợ tín dụng đầu tư máy móc, thiết bị, hệ thống kho chứa .... nên việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trong đó có lĩnh vực CGH, tự động hóa được được đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc cung cấp các dịch vụ CGH, tự động hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua các HTX/THT chưa nhiều, chủ yếu ứng dụng trong lĩnh vực lúa gạo. Các ngành hàng nông sản chủ lực khác bước đầu được quan tâm nhưng còn khá hạn chế do: (1) điều kiện sản xuất quy mô còn nhỏ, lẻ; (2) chính sách còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ nên các doanh nghiệp, cơ sở cơ khí địa phương tiếp cận chưa nhiều đặc biệt từ nguồn vốn vay; (3) thiếu đầu tư, nghiên cứu cơ bản các thiết bị cơ khí, tự động hóa, các phần mềm, server (nội địa hóa, không lệ thuộc nước ngoài); (4) việc đầu tư mua sắm thiết bị máy móc phục vụ sản xuất còn mang tính tự phát, thiếu vốn để đầu tư; (5) khâu vận hành và sửa chữa chưa được đầu tư bài bản, nông dân và các thợ cơ khí địa phương chưa được đào tạo, tập huấn kỹ thuật từ các đơn vị đào tạo chuyên nghiệp, dẫn đến việc thực hiện quy trình chăm sóc, bảo dưỡng còn hạn chế, làm giảm chất lượng và tuổi thọ của máy; (6) Cơ sở hạ tầng nông thôn một số nơi vẫn chưa đảm bảo cho các phương tiện cơ giới lớn vận chuyển phục vụ sản xuất. Hạ tầng viễn thông đặc biệt khai thác dữ liệu lớn dùng chung, dữ liệu thông tin về đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư nhiều và chưa được tích hợp ứng dụng tự động hóa trong quản lý và sản xuất theo xu hướng chuyển đổi số. Do đó, với hiện trạng trên thì trong thời gian tới, việc đầu tư và đề ra các giải pháp đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa cho các ngành hàng nông nghiệp chủ lực, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa với cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, phát triển nông nghiệp toàn diện là rất cần thiết.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CƠ GIỚI HÓA CHO CÁC NGÀNH HÀNG NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2030

* MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030

a) Mục tiêu chung

- Đẩy mạnh CGH đồng bộ, từng bước tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng, loại cây trồng, vật nuôi nhất là những vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm tổn thất trong nông nghiệp.

- Phát triển CGH gắn với thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp và thị trường tiêu thụ, phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

- Từng bước mở rộng việc ứng dụng công nghệ CGH hiện đại, tự động hóa vào sản xuất ngành hàng chủ lực từ công đoạn gieo sạ đến thu hoạch và sau thu hoạch nhằm giảm chi phí và giá thành sản xuất.

b) Mục tiêu cụ thể

[...]