Kế hoạch 2766/KH-UBND năm 2022 về tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 2766/KH-UBND
Ngày ban hành 19/08/2022
Ngày có hiệu lực 19/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Lê Tuấn Phong
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2766/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 19 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA
“CHUNG SỨC, CHUNG LÒNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI” GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, đồng thời triển khai thực hiện tốt Phong trào thi đua góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức phong trào thi đua với một số nội dung cụ thể, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo Kế hoạch số 1281/KH-UBND ngày 4/5/2022 của UBND tỉnh.

- Tổ chức phong trào thi đua bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 80% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (75 xã); trong đó, có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; có 05/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

2. Yêu cầu

- Việc thực hiện phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong các Phong trào thi đua của các cơ quan, đơn vị, địa phương và trong hoạt động từng Cụm, Khối thi đua của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Phong trào thi đua tiếp tục được triển khai sâu rộng trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng địa phương; gắn triển khai Phong trào thi đua với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, năng động, sáng tạo của mỗi tổ chức, cá nhân trong địa bàn dân cư.

- Việc công nhận, biểu dương, khen thưởng các xã, các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu phải thực chất khách quan, tránh chạy theo thành tích, tạo động lực thúc đẩy Phong trào thi đua. Đến năm 2025 các ngành, các cấp tiến hành tổng kết phong trào thi đua và khen thưởng, đề nghị cấp trên khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay, các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

II. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA

1. Các sở, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, tiếp tục xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua; tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành các chính sách, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phát động, hướng dẫn đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện phong trào thi đua trên địa bàn. Trong đó, chú trọng một số nội dung sau:

- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong việc xây dựng nông thôn mới, phù hợp với từng địa bàn và đối tượng dân cư.

- Huy động các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia, đóng góp kinh phí công sức, phát huy nội lực, tăng cường hoạt động xã hội hóa xây dựng nông thôn mới.

- Tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo tích cực có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp; tuyên truyền, vận động, củng cố, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để chung sức xây dựng nông thôn mới.

- Từng cấp phấn đấu hoàn thành sớm, có chất lượng các tiêu chí, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí sau khi đạt chuẩn.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực Phong trào thi đua, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, Phong trào thi đua “Dân vận khéo” và Phong trào thi đua “Quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của quê hương Bình Thuận” trong toàn tỉnh.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Cụm, Khối thi đua căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ và đối tượng cụ thể để có các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, thường xuyên, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc”; Xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, bền vững, lấy người dân làm chủ thể tham gia và hưởng thụ thành quả của nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn qua đó tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện Phong trào thi đua giai đoạn 2021 - 2025.

2. Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng, bám sát cơ sở nhằm phát hiện và nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới, các điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào thi đua.

3. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể từ khâu tổ chức phát động, theo dõi, sơ kết, tổng kết và nhân rộng các điển hình trong Phong trào thi đua trong giai đoạn 2021 - 2025 với nội dung, tiêu chí, tiêu chuẩn, biện pháp cụ thể, tránh hình thức, lãng phí; chú trọng chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm để nhân rộng cách làm hay, mô hình mới, hiệu quả. Đồng thời, xem xét khen thưởng theo thẩm quyền hoặc xét, đề nghị cấp trên khen thưởng theo quy định hiện hành.

4. Hàng năm, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh phối hợp với Cơ quan Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới tỉnh có kế hoạch tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Phong trào thi đua ở một số địa phương để có biện pháp hướng dẫn giúp đỡ kịp thời.

Cơ quan Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới cấp huyện xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra tình hình, triển khai thực hiện Phong trào thi đua ở cơ sở.

IV. ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHÍ THI ĐUA, HÌNH THỨC VÀ SỐ LƯỢNG KHEN THƯỞNG

1. Đối tượng, tiêu chí thi đua

1.1. Đối với các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

- Hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các nhiệm vụ là thành viên Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 theo sự phân công của cấp có thẩm quyền.

[...]