Kế hoạch 2757/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 do tỉnh Đắk Lắk ban hành

Số hiệu 2757/KH-UBND
Ngày ban hành 31/03/2020
Ngày có hiệu lực 31/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Phạm Ngọc Nghị
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2757/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 31 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 11/CT-TTG NGÀY 04/3/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI ỨNG PHÓ VỚI DỊCH COVID-19

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-TTg đến từng cơ quan, tổ chức và nhân dân trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh đã đề ra.

3. Tập trung phân tích, đánh giá những hạn chế, bất cập của từng ngành, lĩnh vực và khu vực doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử

a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk:

- Chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; cải tiến quy trình, thủ tục nhằm rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ cho vay, tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn; triển khai có hiệu quả quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

- Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.

b) Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12 năm 2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

c) Đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh theo thẩm quyền hướng dẫn thời điểm đóng kinh phí công đoàn phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

2. Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp

a) Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, theo dõi, hỗ trợ, không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này để vi phạm pháp luật.

b) Sở Tài chính:

Trong phạm vi và lĩnh vực quản lý, rà soát, tham mưu UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền việc giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc đề xuất phương án giảm phí, lệ phí và gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp, xử lý.

c) Sở Công Thương:

Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của Bộ Công Thương về việc chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong Quý I và Quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý.

d) Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, tham mưu tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

3. Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu

a) Sở Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất; có biện pháp bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ.

- Có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới.

- Đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19.

[...]