Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 2737/KH-UBND năm 2022 về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đến năm 2023

Số hiệu 2737/KH-UBND
Ngày ban hành 04/05/2022
Ngày có hiệu lực 04/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Trí Thanh
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2737/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 04 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NAM TRONG ĐIỀU KIỆN THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19 ĐẾN NĂM 2023

Triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Bộ chính trị tại Kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021; của Quốc hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022; của Tỉnh ủy tại Chương trình số 14- CTr/TU ngày 22/4/2022; UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đến năm 2023, như sau:

A. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH BỆNH COVID-19 ĐẾN TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH

Trong năm 2020 và 2021, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trong tỉnh. UBND tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời nhiều biện pháp và đã đạt được một số kết quả ban đầu: tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các ngành kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển; thu ngân sách trên địa bàn và thu hút đầu tư các dự án đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, mức tăng trưởng GRDP của tỉnh còn thấp so với các năm trước; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu; hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ tuy đã phục hồi nhưng vẫn còn chậm; một số mặt hàng nông sản, sản phẩm chế biến nông nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi thị trường quốc tế khó tiêu thụ và liên tục rớt giá; hoạt động vận tải, kinh doanh lưu trú và du lịch lữ hành giảm mạnh; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký đều giảm, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng; việc huy động và triển khai các dự án đầu tư trọng điểm chậm tiến độ; tỷ lệ thất nghiệp tăng; đời sống một số bộ phận người dân gặp khó khăn; kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch còn hạn chế, cụ thể:

I. Đối với năm 2020:

1. Năm 2020, trong bối cảnh chịu tác động hết sức nặng nề của dịch bệnh Covid-19, dịch tả lợn Châu Phi, biến đổi khí hậu,... Đặc biệt là sự tác động của dịch bệnh Covid-19, hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng; từ hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, vận tải đến hoạt động của các lĩnh vực y tế, giáo dục, lưu trú, dịch vụ, du lịch,... đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng1.

2. Tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh năm 2020 giảm 5,5% so với năm 2019, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,3%, trong đó: công nghiệp giảm 2,8%, xây dựng giảm 5,2; khu vực dịch vụ giảm 8,2% cùng kỳ năm 2019, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 10,2%; trong khi đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng không nhiều nên có mức tăng trưởng 3,6% so với năm 2019. Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) hơn 94.668 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 14,5% (không đạt mục tiêu cơ cấu kinh tế đến năm 2020 khu vực nông nghiệp chỉ còn chiếm dưới 10%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,9%, trong đó công nghiệp chiếm 26,6%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 34,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 17,9%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay, kinh tế suy giảm ở cả 2 khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

II. Đối với năm 2021

1. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19:

Tăng trưởng GRDP năm 2021 chỉ đạt 5,04%, thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch (tăng từ 6,5-7%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 53,5 nghìn tỷ đồng, tăng 02% so với năm 2020 (so với thời điểm năm 2019 trước khi dịch bùng phát thì mức tăng trung bình hàng năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên 10%/năm).

Hoạt động công nghiệp, xây dựng có sự phục hồi, sản xuất công nghiệp còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 19,3%; ngành sản xuất cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 13,9%, trong khi đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 7,9%. Chỉ số sử dụng lao động giảm 0,14%.

Thương mại - dịch vụ chưa hồi phục, tăng 0,35% so với năm 2020. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị hạn chế, sản lượng sản xuất giảm do giảm đơn hàng và thị trường tiêu thụ; xuất nhập khẩu khó khăn do nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa, hạn chế trong việc nhập khẩu nguyên liệu, xuất nhập cảnh, chuyển giao công nghệ,… Các lĩnh vực du lịch, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng nặng nề. Tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn tỉnh giảm 52,8% so với năm 2020, trong đó khách quốc tế giảm 96,6%; khách trong nước giảm 24,5%. Doanh thu du lịch giảm 55,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 92,3% so với cùng kỳ năm 2019. Thành lập mới 125 doanh nghiệp, giảm 12,5% so với năm 2020, vốn đăng ký 9.646 tỷ đồng, giảm 43,5% so với năm 2020; có hơn 700 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 42% và 287 doanh nghiệp chờ giải thể, tăng 88% so với năm 2020.

2. Nhiệm vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tiếp tục gặp một số khó khăn:

Các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, việc khôi phục chuỗi cung ứng cần chính sách đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương và cả nước.

Giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu - đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tăng và các công trình xây dựng có nhiều biến động, đặc biệt tình hình giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế chung.

Thiếu nguồn cung lao động chất lượng cao, có tay nghề, lao động thiếu, chưa sẵn sàng trở lại sản xuất.

Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn do không có tài sản thế chấp hoặc phương án sản xuất kinh doanh không khả thi trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh,...

B. KẾ HOẠCH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

I. Quan điểm chung

1. Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch tài chính, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm.

2. Kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân để duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của tỉnh; giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xem bảo đảm ổn định chính trị - xã hội là nhiệm vụ xuyên suốt và trọng yếu, tiêm vắcxin đủ liều là điều kiện tiên quyết, y tế là then chốt, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là đột phá, phát triển kinh tế là nền tảng.

3. Khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh phù hợp với từng cấp độ dịch và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch phù hợp từng đối tượng, từng lĩnh vực, ngành nghề, từng vùng, từng địa bàn; theo nguyên tắc trao quyền tự chủ cho đơn vị sản xuất, kinh doanh triển khai mô hình hoạt động phù hợp của từng đơn vị và chịu trách nhiệm về các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch.

4. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt, đồng bộ; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội. Chính sách hỗ trợ an sinh xã hội phải đảm bảo yêu cầu toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

5. Huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; cân đối hợp lý giữa các vùng, địa phương, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên; dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá; công khai, minh bạch chính sách; bảo đảm hiệu quả.

II. Mục tiêu

1. Phục hồi kinh tế nhanh, bền vững trên cơ sở bảo đảm phát triển ổn định kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 7,5 - 8%/năm2.

2. Tiết kiệm các nguồn chi, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục dần và đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh; huy động và triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

[...]