Kế hoạch 272/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Số hiệu 272/KH-UBND
Ngày ban hành 23/04/2024
Ngày có hiệu lực 23/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Lê Trọng Yên
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 272/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 23 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM THAM GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

Thực hiện Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án), Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai, quán triệt các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030, đảm bảo sự thống nhất, tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả nhằm đảm bảo hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.

- Tổ chức hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực thành viên hợp tác xã, nhận thức của hội viên, nông dân và xã hội về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã.

- Củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động các Hợp tác xã, Tổ hợp tác do Hội Nông dân các cấp vận động, điều hành, tạo việc làm cho hội viên, nông dân và kết nối các nguồn lực hỗ trợ các Tổ hợp tác, Hợp tác xã; ưu tiên các Hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương; dịch vụ du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

- Phát huy sức mạnh nội lực của thành viên trong xây dựng, phát triển các Hợp tác xã, Tổ hợp tác do hội viên, nông dân tham gia quản lý. Thúc đẩy phát triển các phong trào của Hội, khơi dậy ý chí, tự lực tự cường, tinh thần hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp cho hội viên nông dân.

2. Yêu cầu

- Các Sở, Ban, ngành, UBND các cấp phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân các cấp trong triển khai, thực hiện Kế hoạch này.

- Quan tâm kết nối các nguồn lực xã hội, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

- Việc triển khai, thực hiện Kế hoạch phải bám sát mục đích, mục tiêu và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương, đơn vị. Quan tâm lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác có liên quan để đảm bảo tính hiệu quả, thực chất.

- Phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã nông nghiệp xuất phát từ nhu cầu chung, thực tế của các thành viên trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội; theo đúng các giá trị và nguyên tắc cơ bản của Hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời có tác động trực tiếp đối với thành viên Hợp tác xã, Tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển đồng thời số lượng và chất lượng của các thành phần kinh tế tập thể, tạo nền tảng trong hoạt động phát triển lâu dài; tạo doanh thu, thu nhập ổn định cho Hợp tác xã, Tổ hợp tác nông nghiệp và các thành viên, đẩy mạnh cạnh tranh sản phẩm, thúc đẩy hợp tác phát triển, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập và đời sống cho các thành viên.

II. ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU

1. Định hướng chung về phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã

- Phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã nông nghiệp với nhiều hình thức đa dạng, trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị; tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác; khuyến khích phát triển mới các tổ chức kinh tế tập thể đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; hỗ trợ phát triển các mô hình Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với Hợp tác xã; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường hoạt động, sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên.

- Đổi mới, cải tiến kỹ thuật, cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, nâng cao trình độ quản lý và điều hành của cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm kết hợp được lợi ích của từng thành viên Hợp tác xã.

- Hỗ trợ khoa học công nghệ cho Hợp tác xã nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vốn, đào tạo chuyển giao khoa học công nghệ cho Hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng mô hình liên kết các Hợp tác xã tạo thế mạnh cạnh tranh trên thị trường để kinh tế tập thể từng bước phát triển mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào tăng trưởng kinh tế bền vững cho thành viên, cộng đồng.

2. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã nông nghiệp năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, Hợp tác xã nông nghiệp. Thu hút đại bộ phận nông dân tham gia Hợp tác xã nông nghiệp và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp. Tăng cường hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể, Hợp tác xã nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu.

- Nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, Hợp tác xã. Nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân; khơi dậy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo của hội viên, nông dân; thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân, cá nhân và tổ chức tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của thành viên, hộ gia đình, thực hiện vai trò và trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững.

- Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các Tổ hợp tác, Hợp tác xã do Hội Nông dân các cấp vận động, hướng dẫn thành lập, hỗ trợ phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, hợp tác, khởi nghiệp. Lấy kinh tế tập thể, Hợp tác xã làm điểm để phổ biến và thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.

3. Mục tiêu cụ thể

3.1. Đến năm 2025

- Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 10 Hợp tác xã, 71 Tổ hợp tác trong nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 10 Hợp tác xã nông nghiệp do các cấp Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập.

- Thu hút thêm 5% số hội viên nông dân tham gia các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

[...]