Kế hoạch 371/KH-UBND triển khai hoạt động phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2023

Số hiệu 371/KH-UBND
Ngày ban hành 14/06/2023
Ngày có hiệu lực 14/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Lê Văn Chiến
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 371/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 14 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2023

Thực hiện Chương trình hành động số 54-CTr/TU ngày 29/12/2022 của Tỉnh ủy Đắk Nông về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Quyết định số 1626/QĐ-UBND ngày 06/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2023, cụ thể như sau:

I. YÊU CẦU

- Kế hoạch triển khai các hoạt động phát triển KTTT, HTX năm 2023 gắn liền với Kế hoạch phát triển KTTT, HTX 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh.

- Phát triển KTTT, HTX nông nghiệp được xuất phát từ nhu cầu chung, thực tế của các thành viên trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội; theo đúng các giá trị và nguyên tắc cơ bản của HTX nông nghiệp, đồng thời có tác động trực tiếp đối với thành viên HTX, THT nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển đồng thời số lượng và chất lượng của các thành phần KTTT, tạo nền tảng trong hoạt động phát triển lâu dài; tạo doanh thu, thu nhập ổn định cho HTX, Tổ hợp tác (THT) nông nghiệp và các thành viên, đẩy mạnh cạnh tranh sản phẩm, thúc đẩy hợp tác phát triển, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập và đời sống cho các thành viên.

II. ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU

1. Định hướng chung về phát triển KTTT, HTX

- Phát triển KTTT, HTX nông nghiệp với nhiều hình thức đa dạng, trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị; tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác; khuyến khích phát triển mới các tổ chức KTTT đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường hoạt động, sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên.

- Đổi mới, cải tiến kỹ thuật, cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, nâng cao trình độ quản lý và điều hành của cán bộ HTX nông nghiệp từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm kết hợp được lợi ích của từng thành viên HTX.

- Hỗ trợ khoa học công nghệ cho HTX nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vốn, đào tạo chuyển giao khoa học công nghệ cho HTX nông nghiệp; xây dựng mô hình liên kết các HTX tạo thế cạnh tranh trên thị trường để KTTT từng bước phát triển mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả đóng góp của khu vực KTTT vào tăng trưởng kinh tế bền vững cho thành viên, cộng đồng.

2. Mục tiêu tổng quát

Phát triển KTTT, HTX nông nghiệp năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của KTTT, HTX nông nghiệp. Thu hút đại bộ phận nông dân tham gia HTX nông nghiệp và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX nông nghiệp. Tăng cường hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức KTTT, HTX nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu.

3. Mục tiêu cụ thể

- Thành lập mới 15 HTX nông nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 218 HTX nông nghiệp với tổng số thành viên khoảng 4600 thành viên; tổng số lao động khoảng 4300 người; doanh thu bình quân mỗi HTX nông nghiệp khoảng 1.550 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã khoảng 80 triệu đồng/người/năm.

- Số HTX nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm khoảng 10% /tổng số HTX nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ 14-17 HTX nông nghiệp đạt chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (Viet GAP, Viet GAHP, hữu cơ, RA,..., chứng nhận chất lượng (HACCP, ISO....), thiết kế mẫu bao bì, truy xuất nguồn gốc.

- Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX nông nghiệp, phấn đấu có 45% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; xây dựng khoảng 2-3 mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

- Lựa chọn, hỗ trợ, nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới hiệu quả tại các địa phương.

- Tổ chức cho các HTX, THT nông nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, hội nghị quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của tỉnh qua đó kết nối cung - cầu giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

- Duy trì, củng cố và nâng cao hoạt động cho các HTX nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; đồng thời xử lý dứt điểm tình trạng các HTX nông nghiệp không hoạt động và các HTX nông nghiệp chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã; tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các HTX nông nghiệp.

III. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ: (tại phụ lục kèm theo)

VI. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KTTT, HTX NÔNG NGHIỆP

1. Về tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Giao các Sở, Ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò, bản chất, tầm quan trọng của KTTT, HTX nông nghiệp trong điều kiện mới, đặc biệt vai trò của HTX nông nghiệp trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện các phương pháp tuyên truyền, tập huấn mới sinh động và hiệu quả hơn thông qua đổi mới chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với đặc điểm của khu vực KTTT. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã trong việc thúc đẩy phát triển KTTT, HTX nông nghiệp tại địa bàn quản lý.

[...]