Nghị quyết 83/NQ-HĐND năm 2023 giám sát chuyên đề về "Tình hình giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu"
Số hiệu | 83/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 08/12/2023 |
Ngày có hiệu lực | 08/12/2023 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Người ký | Phạm Viết Thanh |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Giáo dục |
HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 83/NQ-HĐND |
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 08 tháng 12 năm 2023 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BẢY
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giám sát năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
Căn cứ Nghị quyết số 87/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh thành lập đoàn giám sát chuyên đề về “Tình hình giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 257/BC-ĐGS ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề “Tình hình giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện
Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với nội dung Báo cáo số 257/BC-ĐGS ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề “Tình hình giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Kết quả đạt được
Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai bằng Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2019. Trên cơ sở đó Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở giáo dục đã tổ chức thực hiện và phổ biến đến các đối tượng chịu sự tác động của Đề án.
Công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ các cấp, các ngành; đã có sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, chuyên gia trong tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, bước đầu góp phần tạo sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội; hiện tại 100% các trường THCS và THPT đã có tài liệu giáo dục hướng nghiệp theo quy định; 100% các trường THCS và THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm công tác hướng nghiệp và 100% giáo viên kiêm nhiệm được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ làm công tác hướng nghiệp cho học sinh. Toàn tỉnh hiện có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm 07 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp) với tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ Trung cấp tối đa các trường hàng năm khoảng 4.560 học sinh; kết quả phân luồng năm 2023, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học nghề trình độ trung cấp đạt 12,83%; tốt nghiệp THPT vào học nghề trình độ cao đẳng đạt 9,41%.
2. Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện Đề án theo Quyết định số 522/QĐ-TTg vẫn còn một số hạn chế, chưa đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra như:
- Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, các trường trong quá trình tổ chức thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh chưa thống nhất, chưa thường xuyên và chặt chẽ; một số địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, tầm quan trọng của Đề án và thiếu chủ động trong triển khai thực hiện Đề án; công tác bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh chưa kịp thời, chưa đảm bảo.
- Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc và quy mô trường lớp, ký túc xá, điều kiện học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu; kết quả phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT vào học tại các trường trung cấp, cao đẳng còn thấp so với chỉ tiêu đề ra; UBND tỉnh chưa chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg, chủ yếu nắm bắt thông tin qua báo cáo của các trường hoặc lồng ghép kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh qua các đợt kiểm tra, thanh tra khác. Do đó, các hạn chế, bất cập chưa được phát hiện kịp thời để chấn chỉnh và có giải pháp khắc phục.
3. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
- Nguyên nhân khách quan: Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 được triển khai thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, các trường học phải nghỉ học và chuyển sang học trực tuyến (năm học 2021 - 2022) đã phần nào làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nội dung của Đề án.
- Nguyên nhân chủ quan: công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án qua Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh chưa kịp thời, chưa đầy đủ, chưa có thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến các trường; công tác biên soạn tài liệu giáo dục hướng nghiệp chậm so với tiến độ đề ra, dẫn đến trong hơn hai năm không có tài liệu để thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp; công tác xã hội hóa trong giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh chưa nhiều.
Điều 2. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và thực hiện nghiêm túc các đề xuất, kiến nghị tại Báo cáo số 257/BC-ĐGS ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Đoàn giám sát; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Các ngành, các cấp tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp với các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và phụ huynh học sinh tham gia giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục, cha mẹ học sinh, học sinh và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đối với phát triển kinh tế, xã hội và phát triển con người.
3. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp đồng bộ gắn với hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Rà soát, đánh giá thực trạng công tác tuyển sinh vào lớp 10 công lập; rà soát việc sử dụng, đầu tư cơ sở trường lớp khối THPT công lập trên địa bàn tỉnh nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất hiện có.
4. Đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở giáo dục dạy nghề của tỉnh. Xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cấp, sửa chữa, mua sắm bổ sung các thiết bị phù hợp phục vụ công tác dạy và học để nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nghiên cứu và triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp ngang tầm khu vực ASEAN và quốc tế nhằm thu hút người học, đạt mục tiêu phân luồng và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong tương lai.