ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 27/KH-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 06 tháng 03 năm 2015
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TÚY Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM
2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Thực hiện Quyết định số 2596/QĐ-TTg
ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đổi
mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020”; Quyết định số
2187/QĐ-TTg ngày 05/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch đổi mới
công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày
15/11/2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về thực hiện chiến lược Quốc gia phòng,
chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số
79/KH-UBND ngày 26/10/2012 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về cai nghiện phục hồi
cho người nghiện ma túy đến năm 2015.
Để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất
lượng, hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển
khai thực hiện Đề án "Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến
năm 2020" trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Nhằm kiểm soát, kéo giảm tỷ lệ tái
nghiện ma túy và phòng ngừa phát sinh người nghiện mới trên địa bàn tỉnh; đồng
thời, nâng cao chất lượng các dịch vụ cai nghiện để giúp cho người nghiện ma
túy được chăm sóc, phục hồi về sức khỏe, nhận thức, tâm lý, hành vi và nhân
cách, giảm tác hại của ma túy đến gia đình, xã hội và góp phần bảo đảm an ninh
trật tự, an toàn xã hội, theo chủ trương đổi mới công tác cai nghiện tại Quyết
định số 2596/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về thực
hiện Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020”.
2. Yêu cầu:
- Việc triển khai thực hiện các nhiệm
vụ, giải pháp của kế hoạch phải đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện, kế thừa và
phát huy tối đa nguồn lực góp phần đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội và trật
tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp
và mô hình điều trị nghiện bao gồm điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng
đồng và điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (gọi tắt là Trung
tâm). Tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều
trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm với lộ trình phù hợp. Điều trị nghiện bắt buộc
chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến
trật tự, an toàn xã hội theo quyết định của Tòa án nhân dân.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự
phòng và điều trị nghiện nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy, kiềm chế sự gia
tăng số người nghiện; mới, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và nâng cao
sức khỏe nhân dân; hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Năm 2015:
- Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền
và các tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 80% cán bộ
chính quyền các cấp và 60% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về
nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện.
- Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội
ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 100% cán bộ tham
gia công tác dự phòng và điều trị nghiện được
đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện; 50% cán bộ làm công tác tư vấn về
dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo;
100% cán bộ y tế công tác tại các cơ sở
điều trị nghiện có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện.
- Nâng tỷ lệ số người
nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý từ 40,7% (tương
đương 186 người/456 người) hiện nay lên
70% vào năm 2015 trong đó, giảm tỷ lệ điều trị bắt buộc tại Trung tâm từ 12,8 %
(58 người/456 người) hiện nay xuống còn 6
% vào năm 2015.
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền
và các tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 100% cán bộ
chính quyền các cấp và 80% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về
nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện.
- Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội
ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, 100% cán bộ tham gia công
tác dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện;
100% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo.
- Tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người
nghiện có hồ sơ quản lý (ước tính dự báo
đến năm 2020 khoảng 700 người) đạt 100% vào năm 2020.
III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Phát triển và tổ chức, sắp xếp
các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện:
a) Phát triển các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện:
- Hình thành mạng lưới các cơ sở điều trị nghiện có
đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu đa dạng về dịch vụ điều trị nghiện; tạo điều kiện
thuận lợi cho người nghiện ma túy tiếp cận và sử dụng dịch vụ.
- Có chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân
thành lập các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.
- Cung cấp dịch vụ tư vấn, khám và điều trị toàn diện
cho người nghiện ma túy với các phương pháp điều trị thích hợp cho từng người.
b) Tổ chức, sắp
xếp các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện:
- Đầu tư nâng cấp điều kiện, cơ sở vật chất để mở rộng
hoạt động điều trị tự nguyện hiện có.
- Cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của
Trung tâm, đáp ứng yêu cầu của công tác điều trị nghiện.
- Sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của
Trung tâm để bảo đảm các điều kiện theo quy định về điều trị nghiện.
- Thành lập các cơ sở điều trị thay thế nghiện các
chất dạng thuốc phiện kết hợp điều trị nghiện tự nguyện nhằm cung cấp dịch vụ
toàn diện cho người nghiện.
- Rà soát các cơ sở
Y tế (Trung tâm phòng, chống HIV, Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố), cơ sở hỗ trợ xã hội có thể tham gia công tác điều
trị nghiện tự nguyện tại các địa phương để cải tạo, nâng cấp và giao nhiệm vụ về
điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện, điều trị nghiện tự nguyện phù hợp
với tình hình thực tế của các địa phương.
- Cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị và đào
tạo, bồi dưỡng sắp xếp đội ngũ cán bộ đáp ứng đầy đủ các quy định của cơ sở điều
trị thay thế các chất dạng thuốc phiện, điều trị nghiện tự nguyện.
2. Phát triển điểm tư vấn, chăm
sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng:
a) Nhiệm vụ của điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều
trị nghiện tại cộng đồng:
- Tư vấn giúp người nghiện lựa chọn phương pháp điều
trị nghiện thích hợp; tư vấn và hỗ trợ giúp người nghiện tuân thủ điều trị.
b) Phát triển điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị
nghiện tại cộng đồng:
- Huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ,
giúp đỡ người nghiện nâng cao nhận thức, tuân thủ việc điều trị lâu dài tại cộng
đồng.
- Cơ sở, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ của điểm tư
vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng chủ yếu sử dụng Trạm y tế cấp
xã để hoạt động, bảo đảm các điều kiện theo quy định của cơ sở cấp phát thuốc
điều trị thay thế và các quy định về tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện.
- Huy động sự tham gia và kết nối hoạt động của các
cá nhân, tổ chức xã hội tại địa phương.
- Căn cứ số lượng người nghiện ma túy tại địa
phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân
huyện, thị xã, thành phố quyết định thành lập điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều
trị nghiện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
- Cán bộ làm việc tại các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng chủ yếu là
kiêm nhiệm và những người tình nguyện tham gia, không hưởng tiền lương, tiền
công từ ngân sách nhà nước.
c) Lộ trình thực hiện:
- Giai đoạn đến năm 2015: Thành lập, thực hiện thí
điểm 02 điểm tư vấn, cấp phát thuốc điều trị thay thế, hỗ trợ điều trị nghiện
cho người nghiện tại các phường, thị trấn trọng điểm về nghiện ma túy.
- Giai đoạn 2016 - 2020: Thành lập 05 điểm tư vấn,
chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn có
từ 20 người nghiện trở lên.
3. Xây dựng và thực hiện kế hoạch
tập huấn về dự phòng và điều trị nghiện:
a) Mục đích:
- Cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đội ngũ
cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên tại xã, phường, thị trấn về dự phòng và
điều trị nghiện.
b) Nội dung, đối tượng, hình thức:
- Đào tạo cơ bản về tư vấn, dự phòng và điều trị
nghiện
+ Đối tượng: Sinh viên trường cao đẳng Y tế Thừa
Thiên Huế, cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác tư vấn tại các
điểm tư vấn điều trị nghiện, hỗ trợ, điều trị nghiện tại cộng đồng.
+ Hình thức: Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi
dưỡng kiến thức, kỹ năng và cấp chứng chỉ về tư vấn điều trị nghiện.
- Đào tạo, bồi dưỡng về điều trị thay thế, điều trị
hội chứng cai và các rối loạn tâm thần, thể chất ở người nghiện
+ Đối tượng: Sinh viên trường cao đẳng y tế Thừa
Thiên Huế, Cán bộ y tế công tác tại các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị
nghiện tại cộng đồng.
+ Hình thức: Tổ chức lớp đào tạo bồi dưỡng và cấp
chứng chỉ về điều trị thay thế và điều trị cắt cơn nghiện.
c) Lộ trình thực hiện:
- Giai đoạn đến năm 2015: Tổ chức đào tạo về điều
trị nghiện bằng thuốc thay thế; đào tạo cho cán bộ tham gia thí điểm về điều trị
nghiện.
- Giai đoạn 2016 - 2020:
+ Đưa vào chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng
Y tế Thừa Thiên Huế đào tạo cơ bản về điều trị nghiện.
+ Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ
cán bộ các cơ sở điều trị nghiện, điểm
chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng.
4. Triển khai chương trình giám
sát đánh giá công tác điều trị nghiện:
Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả công tác điều
trị nghiện 2 năm/lần tại một số huyện, thành phố thuộc tỉnh.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng
cao nhận thức về nghiện ma túy, dự phòng và điều trị nghiện:
a) Xây dựng chương trình, tài liệu truyền thông về
ma túy, nghiện ma túy và các biện pháp dự phòng và điều trị nghiện phù hợp với
đội ngũ cán bộ quản lý các cấp và các tầng lớp nhân dân.
b) Triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông
về dự phòng và điều trị nghiện tới các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức, nội
dung đa dạng, phong phú.
2. Huy động nguồn lực cho công tác dự phòng và điều
trị nghiện:
a) Tăng cường hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước:
- Tăng cường hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang
thiết bị cho hệ thống các cơ sở điều trị nghiện để đáp ứng yêu cầu chuyên môn,
nghiệp vụ.
- Có chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng;
người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa để
họ có điều kiện tiếp cận với dịch vụ về dự phòng và điều trị nghiện.
b) Huy động sự tham gia của cộng đồng, xã hội hóa
công tác điều trị nghiện:
- Khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, doanh
nghiệp và các cá nhân tham gia đầu tư, thành lập các cơ sở tư vấn dự phòng và
điều trị nghiện, thành lập các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện.
- Khuyến khích Đội công tác xã hội tình nguyện, các
tổ chức tôn giáo, các câu lạc bộ, nhóm giáo dục đồng đẳng, các cơ sở sản xuất,
kinh doanh tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người
sử dụng ma túy tham gia Chương trình dự phòng và điều
trị nghiện.
c) Tăng cường sự phối hợp liên ngành và huy động sự
tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội:
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng,
chính quyền và sự tham gia của cả hệ thống chính trị đối với công tác dự phòng
và điều trị nghiện.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch liên ngành để triển
khai công tác tư vấn dự phòng và điều trị nghiện, lồng ghép, phối hợp hiệu quả
giữa các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS; dịch vụ chăm sóc sức khỏe; dịch vụ hỗ trợ dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm với dịch
vụ tư vấn dự phòng và điều trị nghiện.
- Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
các sở, ngành, đoàn thể trong công tác dự phòng và điều trị nghiện.
d) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dự
phòng và điều trị nghiện
- Sắp xếp, bố trí lại và sử dụng hợp lý, hiệu quả đội
ngũ cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu
đổi mới công tác điều trị nghiện.
- Tăng cường, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ
làm công tác dự phòng và điều trị nghiện.
3. Hợp tác quốc tế trong điều trị nghiện ma túy:
- Xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi
cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài hỗ trợ các nguồn lực vào công tác cai nghiện.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí trong kinh
phí chi thường xuyên hàng năm của các sở, ngành và các địa phương theo phân cấp
quản lý của Luật Ngân sách nhà nước; lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc
gia phòng chống ma túy. Huy động các nguồn lực xã hội; hợp tác quốc tế và các nguồn hợp pháp khác.
2. Người tham gia điều trị chi trả một phần phí dịch
vụ điều trị theo quy định. Nhà nước có chính sách hỗ trợ điều trị cho những người
có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người dân tộc thiểu số ở
vùng sâu, vùng xa.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì,
triển khai thực hiện Kế hoạch; chủ trì phối
hợp với Sở Y tế, các ngành chức năng xây dựng quy hoạch hệ thống cơ sở điều trị nghiện; hướng dẫn tổ chức triển
khai thí điểm các điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng;
chủ trì xây dựng chương trình tập huấn đội ngũ cán bộ tư vấn điều trị nghiện, cộng
tác viên, tình nguyện viên tại xã, phường, thị trấn; đề xuất, sửa đổi, bổ sung
các văn bản pháp luật về dự phòng và điều trị nghiện, đề xuất các cơ chế chính
sách hỗ trợ người nghiện trong học nghề, tạo việc làm và tiếp cận các dịch vụ
xã hội; định kỳ sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Kế hoạch, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
2. Sở Y tế: Hướng dẫn việc chẩn đoán và điều trị
nghiện; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức điều trị
Methadone tại Trung tâm, hướng dẫn các địa phương triển khai mô hình thí điểm
điểm tư vấn, điều trị nghiện, tập huấn cho cán bộ cơ sở về phương pháp điều trị
nghiện. Chủ trì trong việc quản lý, nhập khẩu, cung ứng và dự trữ thuốc điều trị
nghiện. Phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn các địa phương nâng cấp,
phát triển các cơ sở điều trị bằng Methadone thành cơ sở điều trị toàn diện.
3. Công an tỉnh: Lồng ghép các hoạt động thuộc
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy với các hoạt động của Kế hoạch,
nhất là kết hợp thực hiện Dự án Xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy;
chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, phân loại người
nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
Sở Y tế hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức điều trị nghiện tại cộng đồng; phối
hợp đảm bảo ANTT tại các cơ sở điều trị, điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị
nghiện khi có yêu cầu.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài
chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Công an tỉnh cân đối phân
bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu, các chương trình Mục
tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh để thực hiện kế hoạch có hiệu quả.
5. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội hướng dẫn nội dung và mức chi thực hiện các hoạt động của
Kế hoạch; bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện các hoạt động của Kế hoạch.
6. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì xây dựng
và triển khai kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh nghiện, các biện
pháp dự phòng và điều trị nghiện; chỉ đạo,
hướng dẫn các cơ quan truyền thông, cơ quan báo chí triển khai các hoạt động
truyền thông về dự phòng và điều trị nghiện.
7. Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức bộ máy cán bộ hoạt động của các cơ sở điều trị
nghiện; hướng dẫn xác định vị trí việc làm trong hệ thống các cơ sở điều trị
nghiện; nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đối với người làm công tác dự
phòng, điều trị nghiện.
8. Các sở, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được
giao có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch
này.
9. Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Xây dựng kế hoạch thực hiện tại địa
phương; chủ động bố trí kinh phí, nhân lực, vật lực cho công tác dự phòng và điều
trị nghiện; chỉ đạo, hướng dẫn các phòng chuyên môn, địa phương khảo sát đánh
giá chính xác về tình hình nghiện ma túy, trên cơ sở đó chỉ đạo xây dựng các điểm
tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng.
10. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ
chức thành viên, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân
tham gia vào công tác dự phòng và điều trị nghiện, hỗ trợ giúp đỡ người bệnh
trong quá trình điều trị nghiện; giám sát, các cơ quan, tổ chức trong việc triển
khai công tác dự phòng và điều trị nghiện.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc,
đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Ủy ban
nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tổng hợp, kịp thời giải
quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động-TB&XH;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan có tên tại Mục VI;
- VP: CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, YT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Dung
|