ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 267/KH-UBND
|
Bắc Ninh, ngày 06
tháng 5 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
VỀ
VIỆC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 387/QĐ-TTG NGÀY 25/3/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
VỀ CHƯƠNG TRÌNH “ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ,
CỘNG ĐỒNG, ĐƠN VỊ GIAI ĐOẠN 2021 - 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
Thực hiện Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày
25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh
phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn
2021-2030”. UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh
phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn
2021-2030” trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức
sâu sắc vai trò của tri thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá
trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi
đua, học tập thường xuyên, liên tục. học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân
dân. Nâng cao chất lượng hiệu quả của các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ
học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, xây dựng xã hội học tập theo
hướng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong điều kiện triển
khai chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2030.
- Làm rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình,
dòng họ, cộng đồng và đơn vị trong việc tham gia xây dựng phong trào học tập suốt
đời.
- Quán triệt đầy đủ các chủ trương, chính sách
pháp luật của Đảng, Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Xác định học tập suốt đời là xu thế phát triển
tất yếu của nhân loại, là điều kiện cần thiết để sống, làm việc và tồn tại đối
với tất cả mọi người trong thời đại phát triển mới.
- Học tập suốt đời là một nhiệm vụ chính trị
quan trọng, thường xuyên, lâu dài của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban,
ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và của toàn dân.
- Đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên,
học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị thông qua các mô
hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”
giai đoạn 2021-2030, xây dựng xã hội học tập, tích cực góp phần thực hiện đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh Bắc Ninh.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Giai đoạn 2021 - 2025:
- 80% gia đình được công nhận đạt danh hiệu
“Gia đình học tập”;
- 70-75% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu
“Dòng họ học tập”;
- 90% cộng đồng (thôn, làng, khu phố và tương
đương) được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”;
- 85% các tổ chức cơ quan, đơn vị, trường học,
doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lực lượng vũ trang trên địa bàn được công nhận đạt
danh hiệu “Đơn vị học tập”.
2.2. Giai đoạn từ năm 2026 - 2030:
- 90% gia đình được công nhận đạt danh hiệu
“Gia đình học tập”;
- 80-85% dòng họ trong tỉnh được công nhận đạt
danh hiệu “Dòng họ học tập”;
- 95% cộng đồng (thôn, làng, khu phố và tương
đương) trong tỉnh được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”;
- 95% tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, lực
lượng vũ trang Nhà nước, các đoàn thể, doanh nghiệp trong tỉnh được công nhận đạt
danh hiệu “Đơn vị học tập”.
III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI
PHÁP CHỦ YẾU
1. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường vai
trò lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành đề án, kế hoạch, nghị quyết, cơ chế chính sách
đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng,
đơn vị; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm đẩy mạnh các
mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học
tập”, góp phần phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các
phương tiện thông tin đại chúng để vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên
chức, người lao động và nhân dân nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của
việc học tập suốt đời.
- Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền phổ
biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết nối hệ thống với các cơ sở dữ
liệu thông tin hệ trí thức, cổng thông tin điện tử, trang web, tạp chí, bản tin
về xây dựng phát triển các mô hình học tập, củng cố tổ chức Hội Khuyến học tạo
không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp.
3. Tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn
thiện Bộ tiêu chí đánh giá các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học
tập trên cơ sở bộ khung của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Biên soạn tài
liệu hướng dẫn, đánh giá công nhận phù hợp với các phương thức học tập suốt đời
trong điều kiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.
4. Đẩy mạnh việc tập huấn cho cán bộ Hội, hội
viên Hội Khuyến học, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Trung ương Hội Khuyến học Việt
Nam và của tỉnh Bắc Ninh về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học
tập.
5. Tăng cường sự phối hợp giữa ngành Giáo dục
và Đào tạo với các cơ quan liên quan; củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt
động của Trung tâm học tập cộng đồng tại địa phương; thu hút đông đảo người dân
thường xuyên tham gia học tập, nhất là lực lượng đang trực tiếp tham gia lao động;
thực hiện hiệu quả việc chuyển giao, phổ biến khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu
quả lao động, sản xuất.
6. Tăng cường củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động
của tổ chức Hội Khuyến học các cấp, nhất là cấp cơ sở, đấy mạnh phong trào “Gia
đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” tại địa
phương.
7. Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp
và ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với tổ chức Hội Khuyến học làm tốt
công tác tuyên dương, khen thưởng, kịp thời động viên, cổ vũ, nhân rộng các mô
hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”
tại địa phương.
8. Định kỳ tổ chức sơ kết việc triển khai thực
hiện Kế hoạch, biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu, hướng tới đại hội thi
đua toàn quốc tổng kết vào năm 2030.
9. Huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tăng cường
đóng góp của cộng đồng trong việc thúc đẩy, phát triển phong trào học tập suốt
đời, nhân rộng các mô hình học tập tiêu biểu, góp phần xây dựng xã hội học tập.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn ngân sách
nhà nước theo phân cấp hiện hành và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trên cơ sở Kế hoạch này, Ban Chỉ đạo xây dựng
xã hội học tập các cấp có nhiệm vụ triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, thiết
thực, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng
đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn.
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Ban Chỉ
đạo các cấp cần cụ thể hóa các nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập giai đoạn
2021-2030, đảm bảo phù hợp, thiết thực.
2. Hội Khuyến học tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành,
đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp triển khai thực hiện Kế
hoạch đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá
tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo
UBND tỉnh kết quả thực hiện; đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng các tập thể,
cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện phong trào học tập suốt
đời giai đoạn 2021-2030.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh đánh
giá tác động của các Trung tâm học tập cộng đồng trong việc xây dựng các mô
hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập. Giám sát, đánh giá, công nhận
các mô hình học tập giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Nội vụ:
Phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh và các sở,
ban, ngành liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ
Hội Khuyến học các cấp; xây dựng cơ chế, chính sách cho cán bộ làm công tác
khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhất là ở cấp xã, phường, thị
trấn; gắn nhiệm vụ xây dựng mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng
đồng học tập”, “ Đơn vị học tập” với tiêu chí đánh giá cụ thể để có hình thức
khen thưởng phù hợp đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá
trình thực hiện các mô hình học tập nêu trên.
5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:
Phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh, Sở Giáo dục
và Đào tạo xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nhằm chuyển giao khoa học, kỹ thuật, kỹ
năng lao động cho người lao động tại các Trung tâm dạy nghề và Trung tâm học tập
cộng đồng; thực hiện tốt việc xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” gắn với các đề
án xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh trong
việc đánh giá mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”,
“Đơn vị học tập” gắn với việc xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn,
làng, khu phố văn hóa”.
7. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh chỉ
đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương và hệ
thống thông tin cơ sở, thông tin tuyên truyền về học tập suốt đời, mô hình học
tập tiêu biểu, xây dựng xã hội học tập; đánh giá việc phát triển văn hóa đọc
trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị gắn với chỉ đạo chuyển đổi số quốc
gia.
- Báo Bắc Ninh; Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc
Ninh; Cổng thông tin điện tử Bắc Ninh mở các chuyên trang kịp thời phản ánh,
nhân rộng các mô hình học tập, các tổ chức cá nhân có đóng góp phát triển khuyến
học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
8. Sở Tài chính:
- Hằng năm, căn cứ vào chế độ, chính sách hiện
hành và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị có liên quan rà soát các nội dung hoạt động của Kế hoạch, tổng hợp dự
toán trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện, theo quy định về phân cấp
ngân sách của Luật NSNN và các quy định hiện hành khác.
9. Các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh
tổ chức tuyên truyền phổ biến và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung ứng các
chương trình học tập suốt đời, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức,
viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người lao động trong đơn vị có điều
kiện học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tích cực tham gia các mô hình học
tập.
10. UBND các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch
này, chỉ đạo các cơ quan liên quan ở địa phương phối hợp với Hội Khuyến học triển
khai thực hiện đảm bảo các nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt việc quản lý nhà
nước về hoạt động của các mô hình học tập; thực hiện việc kiểm tra, đánh giá và
công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”,
“Đơn vị học tập” gắn với việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, quan
tâm việc học tập của các đối tượng trên địa bàn; bố trí ngân sách đảm bảo để thực
hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch.
11. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định
hướng các cơ quan báo chí, đội ngũ báo cáo viên của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền
các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học,
khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và nhân rộng các mô hình học tập theo tinh
thần Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp
tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học
tập”.
12. Đề nghị UB MTTQ tỉnh chỉ đạo, khuyến khích
các tổ chức thành viên phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua về công
tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Lồng ghép các tiêu chí xây
dựng các mô hình học tập vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống
văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ủng hộ người
nghèo gắn kết với phong trào thi đua khác.
13. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, xã
hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội các cấp phối hợp với Hội Khuyến học đẩy mạnh
công tác tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học
tập, giáo dục, động viên hội viên tích cực xây dựng mô hình gia đình, dòng họ,
cộng đồng, đơn vị học tập.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Quyết định số
387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Đẩy mạnh
phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn
2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đề nghị các Sở, cơ quan ban, ngành, địa
phương nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
-
Văn phòng Chính phủ (b/c)
- Trung ương Hội Khuyến học VN (b/c);
- TTTU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp
tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VP UBND tỉnh: PVPVX, CVP;
- Lưu: VT, KGVX
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vương
Quốc Tuấn
|