Kế hoạch 257/KH-UBND năm 2016 về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 257/KH-UBND
Ngày ban hành 14/10/2016
Ngày có hiệu lực 14/10/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Văn Phong
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 257/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 14 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 năm 2010; Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 06/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm;

UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016 - 2020 với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về đảm bảo an toàn thực phẩm tại mỗi địa bàn dân cư và trên phạm vi toàn tỉnh, trên cơ sở đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, của người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Đến năm 2020, về cơ bản việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế.

2. Mục tiêu cụ thể

- Mục tiêu 1: Nâng cao kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng thực phẩm.

- Mục tiêu 2: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Mục tiêu 3: Cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, khắc phục triệt để thiếu thót trong quá trình sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu nhập nguyên liệu đến quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm.

- Mục tiêu 4: Quy hoạch, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; xây dựng mô hình điểm liên kết bền vững giữa các cơ sở sản xuất với tổ chức, cá nhân kinh doanh phân phối thực phẩm an toàn.

- Mục tiêu 5: Ngăn chặn, hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến cũng như việc tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc.

II. ĐỐI TƯỢNG

- Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

- Các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

- Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Về công tác chỉ đạo, điều hành

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

- Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai theo giai đoạn đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; trong đó chú trọng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm tổ chức triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm cấp huyện và cấp xã; nâng cao vai trò của các thành viên Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm ở địa phương, tổ chức tốt các hoạt động phối hợp liên ngành về công tác an toàn thực phẩm, trong đó ngành Y tế làm đầu mối chính.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương... trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn lực cho các cơ quan chuyên môn trên lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm xác định các mối nguy trong thực phẩm, nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm và phục vụ nhu cầu xét nghiệm thực phẩm của các tổ chức, cá nhân.

[...]