Kế hoạch 256/KH-UBND năm 2020 về hành động giai đoạn 2020-2025 tỉnh Kon Tum thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam đến 2030

Số hiệu 256/KH-UBND
Ngày ban hành 22/01/2020
Ngày có hiệu lực 22/01/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Trần Thị Nga
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 256/KH-UBND

Kon Tum, ngày 22 tháng 01 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2020 - 2025 TỈNH KON TUM THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM ĐẾN 2030

Thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Chương trình số 55-CTr/TU ngày 21 tháng 02 năm 2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XV thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 tỉnh Kon Tum thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRONG THỜI GIAN QUA

I. Kết quả thực hiện

1. Quy mô dân số và mức sinh: Trong giai đoạn 2015 - 2018 mức sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã giảm mạnh, từ 2,49 con/phụ nữ năm 2015 xuống còn 2,12 con/phụ nữ năm 20181, mức giảm bình quân 0,12 con/phụ nữ /năm và ước còn 2,1 con/phụ nữ vào năm 2020, đạt mục tiêu đã đề ra tại Quyết định 468/QĐ-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2016 về phê duyệt Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020 tỉnh Kon Tum thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Quy mô dân số tỉnh Kon Tum năm 2015 là 495.876 người, năm 2018 là 535.000 người2, dự kiến dân số trung bình năm 2020 là 555.000 người.

2. Cơ cấu dân số: Tỷ số giới tính của tỉnh Kon Tum là 101 nam/100 nữ; tỷ trọng dân số từ 0 - 14 tuổi 33%; 15-64 tuổi 62,6%; 65 tuổi trở lên 4,4%; chỉ số già hóa dân số là 20,8%, thấp hơn toàn quốc 28% và vùng Tây nguyên 7,3%. Trong 10 năm qua chỉ số già hóa dân số của tỉnh Kon Tum đã tăng 6,3%, từ 14,5% năm 2009 lên 20,8% năm 2019, trong khi đó toàn quốc và vùng Tây nguyên qua 2 cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 và 2019 tỷ số này đã tăng tương ứng 12,9% và 11 %3.

Tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh hiện nay là 106 trẻ em trai/100 trẻ em gái, tỷ số này thấp hơn toàn quốc (113 bé trai/100 bé gái) và vùng Tây nguyên (112 bé trai/100 bé gái)4. Như vậy, đối với tỉnh Kon Tum, tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức cân bằng tự nhiên (103 - 106 trẻ em trai/100 trẻ em gái khi sinh), ngược lại ở tầm quốc gia lại xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng số trẻ em trai sinh ra nhiều nhiều hơn trẻ em gái.

3. Chất lượng dân số

Tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học trung học phổ thông nhưng không đi học của tỉnh là 47,4%, cao hơn toàn quốc 21,5 % và vùng Tây Nguyên 10,3%; tỷ lệ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ của tỉnh là 16,7%, thấp hơn toàn quốc 6,4%. Tỷ lệ phụ nữ 20 - 24 tuổi kết hôn lần đầu trước 18 tuổi là 19,5% cao gấp 2 lần so với toàn quốc. Tuổi thọ trung bình đạt 66,7 năm, thấp hơn toàn quốc 6,9 năm và vùng Tây nguyên 3,6 năm5.

Duy trì mô hình Tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân tại 13 xã, phường, thị trấn thuộc 03 huyện thành phố Kon Tum, Đăk Hà, Đăk Tô, nâng cao hiệu quả hoạt động của 26 câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên (SKSS VTN/TN), tại 26 góc kiến thức về SKSS VTN, TN định kỳ vào thứ 5 hàng tuần viên chức dân số trực tiếp để tư vấn, cung cấp thông tin giải đáp các thắc mắc liên quan đến các vấn đề về dân số, sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho VTN/TN, nam, nữ chuẩn bị kết hôn, đây cũng là nơi cung cấp các tài liệu liên quan đến tuổi dậy thì, đặc điểm tâm sinh lý tuổi VTN, kỹ năng sống... đồng thời cũng là nơi để các em có thể giải bày tâm sự với các tư vấn viên, trong 04 năm đã sinh hoạt được 1.040 lượt/3.067 em tham dự.

Kết quả điều tra, rà soát của của ngành chức năng cho thấy tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong các năm qua có chiều hướng giảm dần theo từng năm, đa số kết hôn đảm bảo về độ tuổi và các điều kiện liên quan khác theo quy định; tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở một số xã trên địa bàn tỉnh đã được xóa bỏ. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại một số xã, cụ thể số liệu năm 2016 là: 314, năm 2017: 351, năm 2018: 207 và 2019 là 186 trường hợp. Hôn nhân cận huyết thống năm qua rà soát từ năm 2016 - 2019 có 04 trường hợp vi phạm6.

4. Phân bố dân số: Đến nay tỉnh Kon Tum có 31,97% dân số sống ở khu vực thành thị so với 33,5% vào năm 2009. Như vậy sau 10 năm mức độ đô thị hóa của tỉnh Kon Tum không tăng mà giảm 1,53 điểm phần trăm, điều này chứng tỏ lực lượng lao động thường di chuyển đến khu vực nông thôn để phát triển kinh tế nông nghiệp. Dân số sống ở khu vực thành thị chiếm gần 1/3 dân số toàn tỉnh, tỷ lệ này gần bằng so với toàn quốc (34,43%) và cao hơn vùng Tây Nguyên 3,29%7.

5. Công tác tuyên truyền, giáo dục dân số

Trong thời gian qua, công tác truyền thông - giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (DS, SKSS/KHHGĐ) đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ và hành vi của người dân trong việc thực hiện KHHGĐ và chăm sóc SKSS. Công tác truyền thông đã từng bước chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển, chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số theo Nghị quyết 21/NQ/TW; Các hoạt động truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về DS, SKSS/KHHGĐ được đẩy mạnh tập trung vào các đợt như: Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến các vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao (02 đợt/ năm), truyền thông kỷ niệm các ngày lễ lớn như ngày Dân số thế giới 11/7, Tháng hành động quốc gia về Dân số (Tháng 12), ngày Dân số Việt Nam 26/12, bên cạnh đó hình thức truyền thông tư vấn và thăm hộ gia đình, truyền thông trong chức sắc, tôn giáo, sinh hoạt nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ được chú trọng thường xuyên.

Câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3 trở lên” là một trong những hoạt động truyền thông đem lại hiệu quả cao trong công tác truyền thông ở cơ sở tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Tính đến năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 56 CLB không sinh con thứ 3 trở lên với 2.960 thành viên; trong 4 năm (2016-2019) tổng số lần sinh hoạt của CLB là 2.688 lần thu hút 97.500 lượt người tham gia; nội dung sinh hoạt thường xuyên thay đổi.

Trong giai đoạn 2016 - 2019 có 243.100 lượt hộ được thăm và vận động; gặp gỡ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số 11.253 lượt; truyền thông nhóm hơn 104.800 lượt/1.148.102 lượt người tham dự.

6. Dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình

Trong thời gian qua bằng các nguồn vốn đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo và mở rộng cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị cho trên 40 trạm y tế. Đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở8. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế tại tuyến y tế cơ sở ở một số lĩnh vực hoạt động như: Quản lý tiêm chủng, quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT; tạo lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân; quản lý quy mô, cơ cấu dân số, đối tượng thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Đến nay 100% xã có bác sỹ; các hoạt động chăm sóc trước, trong và sau đẻ được chú trọng: Tỷ lệ quản lý thai nghén: Năm 2018: 97,9%, năm 2019: 98%; tỷ lệ phụ nữ đẻ khám thai 3 lần trở lên trong ba thời kỳ thai nghén: Năm 2018: 88,6%, năm 2019: 93%; tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế: Năm 2018: 76,7%, năm 2019: 78,7%; tỷ lệ phụ nữ đẻ có cán bộ y tế đỡ: Năm 2018: 86,6%, năm 2019: 92%; chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm (EENC) tại các cơ sở cung cấp dịch đỡ đẻ từ tuyến tỉnh đến tuyến xã (năm 2018: 61,7%, năm 2019: 100% trẻ đẻ sống được chăm sóc EENC).

Khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ đã có chồng, trong độ tuổi từ 25-50 tuổi: Năm 2018 thực hiện tại 11 xã thuộc địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Kon Rẫy: Tổng cộng 546 phụ nữ được khám sàng lọc, kết quả có 14 cas (+) với test VIA tỷ lệ phát hiện là 2,6%. Năm 2019 thực hiện tại 10 xã thuộc địa bàn các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Sa Thầy: Tổng cộng phụ nữ được khám sàng lọc 666, kết quả có 14 cas (+) với test VIA (tỷ lệ phát hiện là 2,1%), số phụ nữ phát hiện có khối u ở vú 7 (tỷ lệ phát hiện là 1,05%).

Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và dự phòng HIV từ mẹ sang con: Năm 2018 tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV và dự phòng HIV từ mẹ sang con là 350/3.037 chiếm tỷ lệ 11,52% phát hiện dương tính 03 trường hợp và được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con 02 trường hợp. Năm 2019 tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV và dự phòng HIV từ mẹ sang con là 5.141/8.153 chiếm tỷ lệ 63,1% phát hiện dương tính 05 trường hợp và được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con 05 trường hợp.

7. Công tác tổ chức, quản lý, điều hành: Công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình luôn được Đảng và Chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm, chỉ đạo bằng các chương trình, quyết định, kế hoạch với những mục tiêu cụ thể, phù hợp điều kiện của địa phương. Công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân đã có bước chuyển biến tích cực, các mô hình truyền thông, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được duy trì và ngày càng đi vào chiều sâu, dịch vụ dân số và kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, 100% trạm y tế xã đã cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình cơ bản.

II. Hạn chế, bất cập

1. Quy mô dân số và mức sinh: Quy mô dân số theo Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh xác định dân số trung bình đến năm 2020 đạt 580.000 người, tính đến năm 2018 dân số trung bình toàn tỉnh là 535.0009 người, dự kiến năm 2020 quy mô dân số trung bình toàn tỉnh là 555.000 người không đạt so với mục tiêu đề ra.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ