Kế hoạch 2525/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 2525/KH-UBND
Ngày ban hành 12/08/2022
Ngày có hiệu lực 12/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Kpă Thuyên
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2525/KH-UBND

Gia Lai, ngày 12 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TRỒNG 1 TỶ CÂY XANH GIAI ĐOẠN 2021-2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phòng trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021;

Căn cứ Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”;

Căn cứ Kế hoạch số 2616/KH-BNN-TCLN ngày 07/5/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”;

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20/01/2022 của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh như sau:

I. KẾT QUẢ TRỒNG CÂY PHÂN TÁN GIAI ĐOẠN 2017-20221:

Từ năm 2017 đến năm 2021 từ các nguồn vốn của địa phương, hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” cả tỉnh đã trồng được 5.039.551 cây xanh (tương đương 5.039,55 ha). Kết quả này đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của cây xanh, cải thiện môi trường sinh thái của các địa phương trong tỉnh.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20/01/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI; đưa kế hoạch trồng cây xanh trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, trong từng khu dân cư nông thôn, khu đô thị, khuôn viên trường học, khu công nghiệp, công sở…với sự tham gia của mọi người dân, tạo không khí phấn khởi, vui tươi, nhà nhà trồng cây, người người trồng cây trên toàn tỉnh.

- Huy động tối đa nguồn lực của xã hội, tăng cường sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng hệ thống cây xanh tạo bóng mát, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Tạo hiệu ứng tích cực và có sự lan tỏa phong trào trồng cây xanh, trồng rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư, người dân đối với công tác trồng rừng, trồng cây xanh; phát huy được vai trò của cây xanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy vai trò phòng hộ của rừng và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

- Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban ngành, hội, đoàn thể các cấp trong việc thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

- Thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện Kế hoạch trồng cây xanh.

2. Yêu cầu

- Tuyên truyền, vận động để Nhân dân hiểu, thay đổi suy nghĩ và hành động về công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị, cây xanh cảnh quan; phát động sâu rộng và kêu gọi toàn thể các cấp ủy, chính quyền; các sở, ban ngành, hội, đoàn thể các cấp, các tổ chức, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân hưởng ứng và thực hiện chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng.

- Xác định chỉ tiêu, kế hoạch trồng cây xanh trong cả giai đoạn 2021-2025 và từng năm cụ thể đến từng huyện, thị xã, thành phố làm cơ sở để tổ chức, triển khai thực hiện; phấn đấu hoàn thành các nội dung thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện yêu cầu phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp Nhân dân tham gia trồng cây, trồng rừng. Đảm bảo mỗi người dân hằng năm trồng ít nhất 01 cây xanh.

- Trồng cây theo đúng quy hoạch, thiết kế, theo hướng phát triển xanh, bền vững. Các loài cây trồng phải có giá trị cao về sinh cảnh, kinh tế, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý của địa phương.

- Phát triển cây xanh, trồng cây xanh gắn liền với chăm sóc, bảo vệ đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và vệ sinh môi trường khu vực công cộng, các tuyến đường, khu dân cư, khu văn hóa, lịch sử…

- Sau khi tổ chức trồng cây, các địa phương, cơ quan, đơn vị phải tiến hành kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá, rút kinh nghiệm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây, trồng rừng; đồng thời nhân rộng các mô hình về xã hội hoá phát triển cây xanh đạt hiệu quả trong các năm tiếp theo.

III. NHIỆM VỤ

Đến hết năm 2025 toàn tỉnh trồng 40 triệu cây xanh, trong đó: hoàn thành nhiệm vụ trồng mới thành công 8 triệu cây xanh phân tán, tương đương 8.000 ha (bình quân 1,6 triệu cây xanh/năm) và trồng 32.000 ha rừng trồng tập trung, tương đương 32 triệu cây xanh (bình quân 6.400 ha/năm, tương đương 6,4 triệu cây xanh) trong rừng phòng hộ, sản xuất trên địa bàn tỉnh. Quan tâm trồng cây xanh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, ở cả khu vực đô thị và nông thôn nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, góp phần xây dựng nông thôn xanh, sạch đẹp và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

- Tại khu vực đô thị: Trồng trên vỉa hè, đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng, vườn nhà và các công trình công cộng khác.

- Tại khu vực nông thôn: Trồng trên đất vườn nhà, hành lang giao thông, ven sông, kênh, mương, bờ vùng, bờ thửa, nương rẫy kết hợp phòng hộ cho khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán cây phân tán; các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đất bị suy thoái, sa mạc hóa, bãi thải khai thác khoáng sản và đất chưa sử dụng khác.

- Đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất: trên diện tích đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ, cho rừng sản xuất.

- Kế hoạch thực hiện:

[...]