Kế hoạch 25/KH-UBND năm 2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2020 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
Số hiệu | 25/KH-UBND |
Ngày ban hành | 07/04/2017 |
Ngày có hiệu lực | 07/04/2017 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Tuyên Quang |
Người ký | Nguyễn Hải Anh |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/KH-UBND |
Tuyên Quang, ngày 07 tháng 4 năm 2017 |
ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐẾN NĂM 2020
Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025;
Căn cứ Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Căn cứ Thông tư số 19/2014/TT-BNV ngày 04/12/2014 của Bộ Nội vụ về quy định, hướng dẫn công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức;
Căn cứ Kết luận số 51-KL/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13/5/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Thông báo số 408-TB/TU ngày 08/02/2017 của Thường trực Tỉnh ủy về việc Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về công tác tổ chức và cán bộ,
Căn cứ Quyết định số 32/2013/QĐ-UBND ngày 20/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc ban hành quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức;
Căn cứ Quyết định số 33/2013/QĐ-UBND ngày 20/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc ban hành quy định phân cấp quản lý viên chức,
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2020, gồm các nội dung như sau:
Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phải gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp hoặc chức danh quy hoạch. Thực hiện có hiệu quả việc phân công, phân cấp, phối hợp, quản lý, giám sát và đánh giá chặt chẽ nhằm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
1. Mục tiêu chung
Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức gắn với chức danh, vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự nghiệp phát triển của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Đào tạo sau đại học:
Cử 667 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó nữ 295 người (chiếm 44,2%) đi đào tạo sau đại học (trong đó cán bộ, công chức; viên chức ngành y tế nếu đủ điều kiện theo quy định của tỉnh, thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí đi đào tạo nâng cao trình độ sau đại học). Góp phần nâng tỷ lệ cán bộ, công chức tham mưu, nghiên cứu tổng hợp của cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ chuyên môn sau đại học đạt trên 20%.
2.2. Bồi dưỡng:
Thực hiện chế độ bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Trung ương và của tỉnh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh đối với từng đối tượng ở từng vị trí công tác.
III. ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
1. Đào tạo sau đại học
1.1. Đối với cán bộ, công chức:
- Cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan hành chính, cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; công chức các đơn vị sự nghiệp công lập (không tính công chức ngành giáo dục trong các trường trung học cơ sở, trường tiểu học và trường mầm non, vì trình độ đại học là trình độ trên chuẩn, nên không xây dựng kế hoạch đào tạo trình độ sau đại học).
- Đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức và Điều 24 của Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP.
Riêng đối với tuổi cử đi đào tạo tiến sĩ hoặc chuyên khoa cấp II, không quá 45 tuổi tính từ thời điểm cử đi đào tạo.