Quyết định 163/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công, viên chức giai đoạn 2016-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 163/QĐ-TTg
Ngày ban hành 25/01/2016
Ngày có hiệu lực 25/01/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 163/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC GIAI ĐOẠN 2016 - 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Xét đề nghị của Bộ trưng Bộ Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Cán bộ, công chức đang công tác trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).

2. Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

3. Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là viên chức).

4. Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

II. YÊU CẦU

1. Nâng cao toàn diện chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

2. Bảo đảm nâng cao năng lực, kỹ năng thực thi công vụ được giao; ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; gắn đào tạo, bồi dưỡng với nhu cầu và quy hoạch sử dụng lâu dài. Có cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nữ, người dân tộc thiểu số; cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc.

3. Tăng cường trách nhiệm và tạo điều kiện cho người đứng đầu cơ quan quản lý, người đứng đầu đơn vị sử dụng và bản thân cán bộ, công chức, viên chức tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng một cách tích cực.

4. Xây dựng hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; thu hút và tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo, nghiên cứu có đủ năng lực tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

5. Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm hay về đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước, đồng thời chủ động nghiên cứu kinh nghiệm tiên tiến của các nước, áp dụng phù hợp vào thực tiễn của Việt Nam.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

2. Các mục tiêu cụ thể

a) Xây dựng hệ thống thể chế thống nhất, đồng bộ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế; hệ thống chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức học tập và tự học để không ngừng nâng cao trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

[...]