Kế hoạch 249/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 249/KH-UBND
Ngày ban hành 05/10/2022
Ngày có hiệu lực 05/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Khước
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 249/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 05 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 801/QĐ-TTG NGÀY 07/7/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

Thực hiện Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 12/2020/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2020 của UBND tỉnh Quy định một số nội dung thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Kế hoạch số 316/KH-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025;

UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030;

- Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống làng nghề của tỉnh, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân góp phần phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn bền vững, đáp ứng các điều kiện về môi trường.

2. Yêu cầu

- Xác định nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể hoá thành các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, văn bản chỉ đạo về công tác bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2030;

- Việc tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả; tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn và phát triển làng nghề; sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách tỉnh. Phát huy nội lực của người sản xuất, làng nghề. Có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai, thực hiện.

II. QUAN ĐIỂM

1. Bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về phát triển giữa thành thị và nông thôn, đẩy nhanh sự nghiệp xây dựng nông thôn mới;

2. Bảo tồn các giá trị văn hoá nghề truyền thống, làng nghề nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống, bản sắc của tỉnh gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường;

3. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội và sự hỗ trợ của Nhà nước để bảo tồn và phát triển làng nghề. Phát triển hài hoà các cơ sở sản xuất ngành nghề quy mô vừa và nhỏ, đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề, kết hợp công nghệ hiện đại với công nghệ và bí quyết truyền thống để phát huy lợi thế so sánh của mỗi vùng, mỗi địa phương.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống làng nghề của tỉnh, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- Tiếp tục duy trì và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận đảm bảo các nghề truyền thống, làng nghề hoạt động hiệu quả; mỗi năm công nhận tối thiểu 01 làng nghề và 2 nghề truyền thống;

- Có ít nhất 10 sản phẩm nghề truyền thống, làng nghề được đánh giá và xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP và được công nhận đạt từ 3 sao trở lên;

- Hàng năm, hỗ trợ xây dựng từ 2-3 dự án phát bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề;

- Đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá và xây dựng quản lý, quảng bá thương hiệu thêm từ 3-5 nghề truyền thống, làng nghề;

- Phấn đấu mỗi năm tổ chức từ 8-10 lớp đào tạo nghề tại các địa phương có nghề truyền thống, làng nghề được UBND tỉnh công nhận;

- 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường;

- Thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt từ trên 8 triệu đồng/người/tháng.

[...]