Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 591/KH-UBND về phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn năm 2022 trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 591/KH-UBND
Ngày ban hành 21/09/2022
Ngày có hiệu lực 21/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Trần Anh Thư
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 591/KH-UBND

An Giang, ngày 21 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ, NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Phần 1

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN VÀ CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG NĂM 2021

I. Kết quả phát triển ngành nghề nông thôn (Phụ biểu 1)

Tổng hợp báo cáo từ các địa phương năm 2021 lĩnh vực ngành nghề nông thôn, đạt được kết quả như sau:

- Doanh thu của các cơ sở ngành nghề nông thôn thuộc 04 lĩnh vực (phân theo 07 nhóm ngành của Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn): chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, cơ khí nhỏ; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn khoảng hơn 690 tỷ đồng của 06 doanh nghiệp, 01 hợp tác xã, 781 hộ sản xuất kinh doanh giải quyết việc làm cho 3.058 lao động với mức thu nhập bình quân từ 04 - 4,8 triệu đồng/người/tháng;

- Lao động tham gia sản xuất tại các chủ thể kinh tế phần lớn là lao động địa phương và dây chuyền sản xuất chủ yếu dưới hình thức thủ công, một số ít áp dụng cơ giới hoá vào trong quá trình sản xuất;

- Thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm ngành nghề nông thôn gồm: thị trường trong và ngoài tỉnh.

II. Kết quả phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận (Phụ biểu 2)

Đến nay, toàn tỉnh có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt “tiêu chí làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh An Giang”; trong đó, có 14 làng nghề và 15 làng nghề truyền thống với 3.706 hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 11.482 lao động có việc làm thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 0,9 - 08 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của các làng nghề hàng năm ước khoảng hơn 266 tỷ đồng.

Phần lớn các làng nghề hoạt động sản xuất quanh năm, một số ít làng nghề sản xuất mang tính thời vụ: lợp lươn Cần Đăng, lợp cua Mỹ Đức... thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề chủ yếu là trong nước. Hiện nay, một số cơ sở có quy mô tương đối đã và đang tích cực tìm kiếm thị trường thông qua các kỳ hội chợ, tích cực quảng bá sản phẩm như đường thốt nốt, rèn, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ,…

Công tác bảo vệ môi trường làng nghề: hiện có 19/29 làng nghề đã thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường với số lượng nhân sự gồm 332 người và có 12/29 làng nghề đã đưa nội dung bảo vệ môi trường làng nghề vào hương ước, quy ước của địa phương. Ngoài ra, việc thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường tại các làng nghề đã được lồng ghép với Chương trình MTQG xây dựng NTM đảm bảo lượng chất thải phát sinh được thu gom, quản lý, xử lý theo đúng quy định. Trong năm 2021, tỉnh cũng đã tiến hành lắp đặt 06 pano tuyên truyền về bảo vệ môi trường làng nghề tại huyện Chợ Mới.

Công tác xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu bước đầu đã được một số cơ sở làng nghề quan tâm, chú trọng thực hiện. Năm 2021 tỉnh đã hỗ trợ Hội Nông dân thị xã Tân Châu sử dụng địa danh “Tân Châu” (sản phẩm tơ lụa Tân Châu) và Hợp tác xã dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo sử dụng địa danh “Văn Giáo” (sản phẩm dệt thổ cẩm) để đăng ký nhãn hiệu tập thể tại Cục Sở hữu trí tuệ; hỗ trợ sản phẩm tinh dầu chúc Yến Hương đạt sản phẩm phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề được thực hiện thông qua các hoạt động hỗ trợ đào tạo tập huấn; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xúc tiến thương mại trong năm cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần vào công tác duy trì và phát triển làng nghề tại địa phương.

Nhìn chung, lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề năm 2021 đã có sự phát triển, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Các cơ sở ngành nghề nông thôn đã tạo ra sản phẩm hàng hoá ngày càng phong phú, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của nhân dân trên địa bàn, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Cùng với việc tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ở trong tỉnh, một số cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Một số ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường như chế biến nước mắm, sản xuất bún, rượu... các cơ sở đã chú trọng việc xử lý chất thải. Đa số các làng nghề trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn. Công tác xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu đã được một số cơ sở làng nghề quan tâm. Hoạt động truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề ngày càng được liên kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp. Sự phát triển của du lịch làng nghề là một điều kiện quan trọng giúp các địa phương sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, ngành nghề nông thôn phát triển còn chậm, mang tính tự phát ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có định hướng, đa phần còn sử dụng công nghệ trang thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao và kém sức cạnh tranh, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch chưa nhiều. Việc tiếp cận các nguồn vốn còn hạn chế, khó khăn trong mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh nhất là khả năng thay thế thiết bị, máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất. Công tác đào tạo nghề, truyền nghề đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng kết quả đạt được chưa cao nên lao động có tay nghề còn thiếu. Một số nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một do sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cùng loại như: nghề đan đát, nghề rèn....Các văn bản quản lý, hướng dẫn của Trung ương chưa đồng bộ, đầy đủ để địa phương triển khai thực hiện, chưa phân định rõ ràng, còn chồng chéo trong quản lý giữa tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Cơ sở hạ tầng trong các làng nghề còn hạn chế; việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp chưa được triển khai đồng bộ. Các cơ sở của làng nghề thường nằm đan xen trong các khu dân cư nên việc phát triển sản xuất và xử lý môi trường gặp nhiều khó khăn. Trình độ quản lý của làng nghề truyền thống còn hạn chế, quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ nên việc tổ chức sản xuất theo mô hình tập thể (tổ liên kết sản xuất, HTX) còn chậm. Ngoài ra, hiện nay có 21 làng nghề, làng nghề truyền thống chưa đảm bảo quy mô số hộ tham gia hoạt động ngành nghề trên địa bàn so với tiêu chí công nhận làng nghề theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Do đó, để đảm bảo duy trì, phát triển làng nghề trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả để phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng lợi thế góp phần giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Phần 2

NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN VÀ CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG NĂM 2022

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Nâng cao chất lượng sản phẩm, làng nghề, ngành nghề nông thôn, đẩy mạnh liên kết sản xuất, khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh. Chú trọng công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, đồng thời phát triển thêm nghề mới phù hợp với từng địa phương để đa dạng hóa sản phẩm ngành nghề; giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, quan tâm, chú trọng phát triển các làng nghề gắn với du lịch và bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể

- Công nhận ít nhất 01 làng nghề theo tiêu chí quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ;

- Thực hiện ít nhất 03 dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống theo từng ngành nghề, từng lĩnh vực bằng;

- Hỗ trợ cơ sở ngành nghề, làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại;

- Hỗ trợ phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang.

II. Một số nhiệm vụ trọng tâm

[...]