Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 2454/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn năm 2023-2025

Số hiệu 2454/KH-UBND
Ngày ban hành 31/07/2023
Ngày có hiệu lực 31/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2454/KH-UBND

Kon Tum, ngày 31 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TU GIAI ĐOẠN NĂM 2023-2025

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 9 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 305/QĐ-TTg ngày 05 tháng 03 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung chi và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;

Thực hiện Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và Công văn số 3222/BNN-TL ngày 19 tháng 5 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13 tháng 5 năm 2023; Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch Phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn năm 2023-2025 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, thủy văn để triển khai kịp thời các giải pháp, phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của hiện tượng El Nino trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu khác; chủ động kịp thời huy động mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu, trong đó, cần xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng địa phương để có giải pháp cụ thể đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp với khả năng cung cấp nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh nhằm khai thác những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế bền vững; chủ động điều tiết, dự trữ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người, gia súc và công nghiệp.

- Tuyên truyền, phổ biến cho người dân chủ động áp dụng các giải pháp cấp, trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm trong thời gian hạn hán, thiếu nước, tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Thường xuyên kiểm kê nguồn nước các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, điều tiết, dự trữ nguồn nước, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối, điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm nguồn nước cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao, ...) và sản xuất nông nghiệp.

- Tăng cường quản lý, khai thác vận hành các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện đảm bảo theo đúng quy định, quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt; phát huy cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống hạn, chủ động thực hiện các giải pháp chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động cấp nước sinh hoạt của các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sạch nông thôn, nhất là các công trình cấp nước sạch sử dụng nguồn nước dưới đất để có giải pháp cấp nguồn thay thế kịp thời khi xảy ra thiếu nước. Xây dựng phương án các điểm cấp nước tập trung, cấp nước lưu động, hỗ trợ thiết bị cấp, trữ nước hộ gia đình cho những khu vực chịu ảnh hưởng.

- Tổ chức kiểm tra cụ thể nguồn nước, xác định vùng đảm bảo nước, vùng nguy cơ hạn hán thiếu nước, chủ động điều tiết hợp lý và điều chỉnh lịch thời vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng cung cấp nước phục vụ sản xuất.

- Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho các vùng canh tác ngoài phạm vi cấp nước tưới của công trình thủy lợi; lưu ý việc trữ nước và thực hiện các giải pháp về trồng trọt để giữ ẩm cho cây trồng, bảo đảm duy trì sức sống cho cây trồng trong điều kiện hạn hán, thiếu nước.

- Nâng cao năng lực xử lý tình huống, chỉ huy, điều hành tại chỗ và tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành để ứng phó khi xảy ra hạn hán; thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG HẠN:

1. Dự báo tình hình diễn biến thời tiết, thủy văn giai đoạn 2023-2025

“El Nino” là hiện tượng nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương (đặc trưng bởi khu vực Nino3.4 cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,50C trở lên, thường kéo dài 8-12 tháng, với tần suất lặp lại khoảng 3-4 năm 1 lần). Chênh lệch nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino3.4 trung bình mùa 03 tháng vào tháng 2, tháng 3, tháng 4 năm 2023 đang thấp hơn TBNN là 0,2 0C và tiếp tục tăng hơn so với mùa 03 tháng 1-2-3/2023 là 0,20C. Trong tuần đầu tháng 5 năm 2023 nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino3.4 đã tăng và hiện tại đang cao hơn mức TBNN. Dự báo hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa hạ năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80%.

Nghiên cứu trước đây cho thấy sự xuất hiện của hiện tượng El Nino có thể ảnh hưởng tới điều kiện thời tiết, khí hậu ở Việt Nam. Trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối; hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo. El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25-50%; vì thế nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc. Điển hình nhất về tác động của El Nino đã gây ra các đợt hạn mặn kỷ lục vào năm 2015/năm 2016 và năm 2019/năm 2020.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, El Nino có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2023 với xác suất khoảng 70%-80% và có thể kéo dài sang đầu năm 2024. Trong điều kiện ảnh hưởng của El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa ở hầu hết các vùng trên cả nước, phổ biến từ 25%-50%. Theo Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) từ đầu tháng 4 năm 2023 đến nay, do việc vận hành xả nước về hạ du với lưu lượng xả chưa phù hợp dẫn đến mực nước các hồ chứa PleiKrông, Ialy và Sê San 4 đang ở mức thấp hơn mực nước tối thiểu theo quy định của Quy trình liên hồ trong khoảng từ 0,2m đến 2,12m và dự báo nguồn nước các tháng còn lại của mùa cạn trên lưu vực có thể thiếu hụt từ 15%-25% so với trung bình nhiều năm.

Trong điều kiện chịu tác động chung của hiện tượng El Nino, thời tiết thủy văn ở tỉnh Kon Tum có diễn biến bất thường hơn, thiên tai có nguy cơ xuất hiện nhiều và với mức độ khốc liệt hơn.

[...]