ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
493/PA-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 02 năm 2022
|
PHƯƠNG ÁN
PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC, XÂM NHẬP MẶN PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG
NGHIỆP VÀ DÂN SINH MÙA KHÔ NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
I. TÍNH CẤP THIẾT
Theo thông tin của Trung tâm Dự báo
Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Bản tin số 01-HHXNM/TVTB ngày 10 tháng 01 năm
2022), xâm nhập mặn khu vực Nam Bộ mùa khô năm 2021 - 2022 ở mức cao hơn trung
bình nhiều năm (TBNN), nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020.
Các đợt xâm nhập mặn có xu thế gia tăng bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông
nghiệp, dân sinh từ cuối tháng 01 năm 2022; các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam
Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện
pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Nhằm chủ động ứng phó với ảnh hưởng của
hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất
nông nghiệp, sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác, hạn chế đến mức thấp nhất
thiệt hại có thể xảy ra;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tại Công văn số 154/SNN-CCTL ngày 21 tháng 01 năm 2022, Ủy
ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Phương án phòng, chống hạn hán, thiếu
nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2022
trên địa bàn Thành phố.
II. MỤC ĐÍCH, YÊU
CẦU
- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều
hành thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập
mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh
hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn cao điểm mùa khô năm 2022;
- Đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ nước
phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2022 trên địa bàn Thành phố;
- Các giải pháp phòng, chống hạn hán,
thiếu nước, xâm nhập mặn phải mang tính đồng bộ, hiệu quả, có trọng điểm, ưu
tiên theo từng thời đoạn, phù hợp với điều kiện, tình hình sản xuất từng khu vực
trên địa bàn Thành phố;
- Huy động sức mạnh của hệ thống
chính trị, phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban ngành Thành phố, Ủy ban
nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện, các đơn vị có liên quan trong
công tác tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu
nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2022;
- Tăng cường công tác phối hợp giữa
các cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác vận hành công trình hồ chứa thượng nguồn
Thành phố.
III. NỘI DUNG, GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp
chung bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông
tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển
khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022;
- Tập trung làm tốt công tác thông
tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở
sản xuất trên địa bàn hiểu, chủ động triển khai các biện pháp phù hợp dự trữ nước
ngọt nhằm đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô,
sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chông thất thoát, lãng phí nước;
- Tổ chức kiểm tra chặt chẽ nguồn nước,
chủ động thực hiện sớm việc nạo vét, các biện pháp tăng cường tích trữ nước
trong các ao, hồ, sông, kênh, rạch;
- Xây dựng kế hoạch cấp nước, cân đối
khả năng cung cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn Thành phố.
Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn
nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng
có giá trị kinh tế cao;
- Chủ động phối hợp với Công ty TNHH
Một thành viên Khai thác thủy lợi Dâu Tiếng - Phước Hòa xác định lịch xả nước của
hồ Dầu Tiếng để chủ động thông báo đến các địa phương lấy nước, trừ nước đảm bảo
phục vụ cho dân sinh, dịch vụ, công nghiệp và cho sản xuất nông nghiệp.
2. Giải pháp về
thủy lợi
- Tổ chức quan trắc, giám sát tình
hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để kịp thời hướng dẫn
người dân trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt;
- Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng
các công trình thủy lợi, các công trình cấp nước; tăng cường công tác nạo vét,
gia cố, duy tu sửa chữa hệ thống kênh tưới, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống
kênh mương nội đồng ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán để đảm bảo đủ cung cấp
nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phòng chống cháy rừng;
- Tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo vận
hành các công trình thủy lợi, các cống lấy nước, trạm bơm nước tưới đảm bảo điều
kiện các công trình thủy lợi vận hành tốt;
- Thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp
thời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý
chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định vào hệ thống công trình thủy lợi, sông, kênh
rạch gây ô nhiễm nguồn nước.
3. Giải pháp về
trồng trọt
- Thực hiện bố trí cơ cấu mùa, vụ
gieo trồng phù hợp, ưu tiên sử dụng giống cây trồng có khả năng chịu mặn, chịu
hạn, hiệu quả kinh tế cao;
- Tập trung xuống giống đồng loạt,
đúng thời vụ, tăng cường áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm;
- Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm
sóc đối với các loại cây trồng tại vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao.
4. Giải pháp về
chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản
- Thông tin rộng rãi, kịp thời về
tình hình thời tiết, mức độ xâm nhập mặn, khuyến cáo người dân nuôi trồng thủy
sản áp dụng mô hình nuôi phù hợp, chủ động chuyển đổi cơ cấu con giống phù hợp,
thả giống mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc chu đáo để hạn chế những thiệt
hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra;
- Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức và
người dân các giải pháp cải tạo tốt ao nuôi, xây dựng chuồng trại phù hợp với
tình hình thực tế;
- Từng bước áp dụng kỹ thuật, quy
trình nuôi an toàn sinh học. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến
bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp công nghệ mới để đánh giá chọn lọc, nhân giống
các vật nuôi có nguồn gien tốt, có khả năng thích nghi trong điều kiện biến đổi
khí hậu.
5. Giải pháp về
lâm nghiệp
- Rà soát lại các vùng trọng điểm có
nguy cơ xảy ra cháy rừng và cây phân tán cao với quy mô đám cháy lớn để xây dựng
các phương án phòng cháy chừa cháy theo diễn biến tình hình thời tiết và thực
tiễn khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy lớn;
- Tăng cường công tác dự báo, cảnh
báo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của
chính quyền các cấp và người dân; tăng thời lượng đưa tin dự báo, cảnh báo nguy
cơ cháy rừng và cây phân tán; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm
chỉnh quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng;
- Thường xuyên kiểm tra, tuần tra các
khu rừng trong phạm vi quản lý, chủ động chuẩn bị các loại phương tiện, trang
thiết bị, công cụ hỗ trợ máy bơm cấp nước phòng, chống hạn khi cần thiết, đặc
biệt phục vụ phòng chống cháy rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng và
các vùng có cây lâm nghiệp phân tán ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm
kiếm cứu nạn)
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành,
địa phương và đơn vị có liên quan chỉ đạo đây nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch
thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo
Quyết định số 768/QĐ-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành
phố;
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban
ngành, địa phương và đơn vị có liên quan chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu
tư nạo vét các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố;
- Chỉ đạo, điều hành việc lấy nước tưới,
sử dụng nước tiết kiệm; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương có kế hoạch
bố trí mùa vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, ít sử dụng nước, chịu
được hạn mặn để vụ mùa năm 2022 đảm bảo sản xuất có hiệu quả, duy trì và nâng
cao thu nhập của người dân;
- Xây dựng phương án, kế hoạch phòng,
chống hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2022 trên địa
bàn Thành phố;
- Tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo vận
hành các công trình thủy lợi, các cống lấy nước, trạm bơm nước tưới, đảm bảo vận
hành tốt, cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản,
phòng chống cháy rừng, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, ngăn chặn xâm nhập mặn;
- Chủ động phối hợp với Công ty TNHH
Một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa xác định lịch xả nước của
hồ Dầu Tiếng để chủ động thông báo đến các địa phương lấy nước, trữ nước đủ cho
sản xuất nông nghiệp;
- Tăng cường công tác phòng, chống dịch
bệnh, giám sát, kiểm soát tình hình dịch bệnh; xử lý tiêu độc, khử trùng ao
nuôi bị bệnh; hướng dẫn các đơn vị, tổ chức và người nuôi các giải pháp cải tạo
tốt ao nuôi, phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra;
- Xây dựng chuồng trại đảm bảo che
mát, chọn hướng chuồng ít tác động của nắng nóng; thường xuyên vệ sinh chuồng
trại; định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt sinh vật gây bệnh; tiêm phòng các loại
vắc xin cho vật nuôi theo quy định; phát hiện sớm các gia súc bị dịch để có biện
pháp phòng trừ;
- Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm
tra để đảm bảo an toàn, không để xảy ra tình trạng cháy rừng; kiểm tra, rà soát
các loại trang thiết bị, phương tiện, trạm bơm di động để sẵn sàng ứng phó kịp
thời trong mọi tình huống xảy ra cháy rừng.
2. Ủy ban nhân
dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận - huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình
Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và Tổng Công ty Nông nghiệp
Sài Gòn TNHH MTV
- Chỉ đạo việc xây dựng, phân công
nhiệm vụ kiểm tra phương án phòng chống hạn của các xã, phường, đơn vị;
- Xây dựng kế hoạch sản xuất nông
nghiệp vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022 và Hè Thu năm 2022. Thực hiện các biện pháp
tiết kiệm nguồn nước, điều chỉnh bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; đẩy
mạnh tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng hiệu quả cao nhất nguồn nước hiện
có các vùng thường xuyên thiếu nước tưới, xem xét chuyển đổi sang cây trồng cạn,
sử dụng ít nước tưới, chịu được hạn mặn; đảm bảo canh tác hết diện tích; chuẩn
bị tốt các điều kiện cần thiết về giống, phân bón, vật tư để canh tác thắng lợi
vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022 và Hè Thu năm 2022;
- Tổ chức nạo vét hệ thống kênh
mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng, khơi thông dòng chảy,
lắp đặt phương tiện lấy nước để chủ động vận hành, đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước
thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng. Huy động nhân dân địa phương tham gia
làm thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng, củng cố bờ bao ngăn mặn giữ ngọt, tổ
chức giữ nước để bơm tưới khi cần thiết;
- Tăng cường các biện pháp trữ nước
khi có nguồn nước, dự trữ vào các ao, hồ và kênh trục lớn, chuẩn bị sẵn sàng
các phương tiện, thiết bị kịp thời lấy nước theo lịch xả nước của hồ Dầu Tiếng
và các đợt triều cường để phục vụ sản xuất nông nghiệp;
- Kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn nước,
có biện pháp phân phối nước hợp lý, chống rò rỉ, thất thoát, tăng cường các biện
pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao
(nhỏ giọt, phun mưa,...);
- Kiểm tra, vận hành công trình thủy
lợi các cống lấy nước, các trạm bơm theo từng thời đoạn, bảo đảm điều kiện các
công trình vận hành tốt, phục vụ hiệu quả trong việc ngăn mặn, trữ nước trong nội
đồng để tưới, giữ ẩm và chống cháy, tiêu xả phèn, ô nhiễm;
- Biểu dương, khuyến khích những địa
phương, chính quyền cơ sở đã chủ động và có những sáng kiến chống hạn mang lại
hiệu quả cao;
- Theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng
thủy văn, diễn biến thời tiết, diễn biến đột xuất của nguồn nước, hạn hán để có
biện pháp chủ động, điều chỉnh kịp thời (thông tin tại website:
https://www.nchmf.gov.vn của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia,
website: http/www.phongchonglutbaotphcm.gov.vn của Ban Chỉ huy Phòng chống
thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố và trên các phương tiện truyền thông,
báo đài).
3. Công ty TNHH
Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết,
thủy văn, điều chỉnh hợp lý kế hoạch cấp nước, khi xảy ra thiếu hụt nguồn nước
hoặc xâm nhập mặn, phải đảm bảo điều tiết cung cấp nước theo thứ tự ưu tiên: nước
sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; tăng cường
công tác quản lý và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương đảm bảo vận
hành tốt các hệ thống thủy lợi trên địa bàn Thành phố, đặc biệt hệ thống công
trình thủy lợi Kênh Đông Củ Chi, Hóc Môn - Bắc Bình Chánh, công trình thủy lợi
Bờ hữu ven sông Sài Gòn, tận dụng nguồn nước xả đẩy mặn cho nhà máy nước Tân Hiệp
từ hồ Dầu Tiếng và các đợt triều cường để lấy nước và trữ nước trên các trục
kênh chính;
- Có biện pháp quản lý phân phối nước
hợp lý, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra, và phối hợp
với các cơ quan chức năng có các biện pháp xử lý kịp thời các doanh nghiệp, cơ
sở sản xuất xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn theo quy
định vào hệ thống công trình thủy lợi, gây ô nhiễm nguồn nước để phòng, chống dịch
bệnh phát sinh;
- Thông báo rộng rãi, thường xuyên đến
người dân, tổ chức dùng nước về kế hoạch cấp nước, cắt nước; xây dựng kế hoạch
cung cấp nước luân phiên, lịch vận hành các cống điều tiết, đặc biệt đối với hệ
thống công trình thủy lợi Kênh Đông Củ Chi; hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết
kiệm, thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn;
- Thường xuyên thực hiện duy tu, sửa
chữa các công trình thủy lợi, đặc biệt các cửa cống điều tiết để hạn chế thất
thoát nguồn nước. Phối hợp cùng chính quyền địa phương trong việc vận động bà
con nông dân, các đơn vị dùng nước phát hoang, rong cỏ kênh mương nội đồng, đảm
bảo dẫn nước đến mặt ruộng;
- Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện,
thiết bị máy bơm, nhiên liệu, lực lượng, sẵn sàng bơm phòng, chống hạn, phòng
chống cháy rừng khi cần thiết;
- Thường xuyên phối hợp với Công ty
TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tăng cường mở nước
trên kênh chính Đông (tại K34), tranh thủ điều tiết nước bảo đảm cấp đủ nước phục
vụ sản xuất; định kỳ tổ chức họp giao ban để đánh giá lại tình hình cấp nước, sử
dụng nước để có điều chỉnh phù hợp.
4. Đề nghị Công
ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Một
thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công
ty cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên trong việc xả nước đẩy mặn cho nhà máy
nước Tân Hiệp trên sông Sài Gòn, chủ động trong việc điều tiết, phân phối sử dụng
nguồn nước hợp lý, hiệu quả trên địa bàn Thành phố. Định kỳ tổ chức họp giao
ban đánh giá lại tình hình cấp nước để có điều chỉnh cho phù hợp.
5. Tổng Công ty
Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên
- Cân đối khả năng cung cấp nước phục
vụ cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn thành phố; thứ tự ưu tiên cấp nước cho
sinh hoạt, dịch vụ, công nghiệp;
- Chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo
cung cấp nước ổn định và liên tục cho thành phố trong mùa khô năm 2022;
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi
công hoàn thành các công trình phát triển mạng lưới đường ống cấp nước nhằm xóa
bỏ các giải pháp cấp nước tạm thời, đảm bảo chất lượng công trình và tiếp tục
duy trì chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%;
- Thường xuyên theo dõi tình hình khí
tượng thủy văn, dòng chảy, phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Quản lý
khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa trong việc xả nước đẩy mặn, chủ động xử
lý đảm bảo chất lượng nguồn nước trên sông Sài Gòn tại vị trí lấy nước của Nhà
máy nước Tân Hiệp phục vụ cấp nước sinh hoạt cho Thành phố nhất là trong mùa
khô năm 2022.
6. Sở Tài nguyên
và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
có liên quan lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước,
phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
- Tổ chức đánh giá hiện trạng môi trường;
điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm, tổ chức thực hiện các biện
pháp ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và phục hồi môi trường nhằm hạn chế
ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
- Theo dõi, giám sát, quan trắc chất
lượng nguồn nước trên các sông, kênh rạch; cung cấp các thông tin, dữ liệu về
quan trắc chất lượng nguồn nước và có khuyến cáo cho các cơ quan, đơn vị khai
thác sử dụng nước biết để có giải pháp chủ động, ứng phó;
- Phối hợp với Ban Quản lý các Khu Chế
xuất và Công nghiệp Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện liên quan, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc
đấu nối, xả thải của khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Tân Tạo, Tân Phú Trung...,
các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, xử lý nghiêm việc xả thải chưa qua xử lý hoặc xử lý
chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định nhằm hạn chế, ngăn ngừa ô nhiễm nguồn;
- Cảnh báo, khuyến cáo, tuyên truyền
vận động trong việc hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm cấp cho sinh hoạt, công
nghiệp, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp.
7. Sở Kế hoạch và
Đầu tư, Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ
thủy lợi, Ủy ban nhân dân quận, huyện liên quan cân đối, bố trí nguồn kinh phí
kịp thời để đảm bảo tiến độ triển khai công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp công
trình thủy lợi, nạo vét kênh, rạch và các chi phí phát sinh (nếu có) trong quá
trình triển khai nhiệm vụ phòng, chống hạn của các cơ quan ban ngành, các địa
phương.
8. Sở Xây dựng
- Chỉ đạo Tổng Công ty cấp nước Sài
Gòn TNHH Một thành viên thực hiện tốt việc cung cấp, phân phối nguồn nước hợp
lý phục vụ cho sinh hoạt, dịch vụ, công nghiệp, ưu tiên cho các khu vực trọng điểm,
phù hợp trong từng giai đoạn;
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc đẩy
nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình phát triển mạng lưới đường ống
cấp nước, xóa bỏ các giải pháp cấp nước tạm thời nhằm tiếp tục duy trì chỉ tiêu
tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%;
- Hỗ trợ Tổng Công ty cấp nước Sài
Gòn TNHH MTV triển khai các giải pháp cấp nước khẩn cấp
khi có xảy ra các sự cố ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước.
9. Sở Giao thông
vận tải
Kiểm tra tình hình giao thông thủy trên
sông, kênh rạch, chỉ đạo việc phân luồng, xử lý đảm bảo an toàn giao thông thủy
trong điều kiện mực nước các sông xuống thấp; phối hợp trong công tác vận hành
công trình thủy lợi (cống ngăn triều) xác định lịch đóng, mở cống, an toàn công
trình thủy lợi và giao thông thủy.
10. Đài Tiếng
nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và
các cơ quan truyền thông
Thường xuyên cung cấp thông tin, cảnh
báo, dự báo tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai, đặc biệt là tình hình hạn
hán xâm nhập mặn một cách nhanh chóng, kịp thời chính xác; tăng thời lượng phát
sóng các chương trình tuyên truyền các biện pháp ứng phó thiên tai, phòng ngừa
dịch bệnh để nhân dân biết và chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời.
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ
trưởng các Sở, ban, ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài
nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân thành phố Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện: 8, 12, Gò Vấp,
Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Tổng Công ty Nông nghiệp
Sài Gòn TNHH Một thành viên, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên,
Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi căn cứ chức
năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực
hiện có hiệu quả các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm
nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2022 trên địa bàn
Thành phố Hồ Chí Minh. Kế hoạch gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước
ngày 25 tháng 02 năm 2022 để tổng hợp.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động báo cáo về Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem
xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Ban CĐ TW về PCTT
(b/c);
- Bộ NN và PTNT (b/c);
- TT Thành ủy, TT HĐND TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Tổng cục Thủy lợi;
- Sở NN và PTNT; Sở Xây dựng;
- Sở Giao thông vận tải;
- Sở Tài nguyên và Môi trường;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Sở Tài chính; CATP;
- UBND các huyện, quận ven;
- BQL Khu NN CNC TP;
- Đài Truyền hình TP.HCM;
- Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM;
- TCT Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV;
- TCT Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV;
- Cty TNHH MTV KTTL DT - PH;
- Cty TNHH MTV QLKTDV Thủy lợi TP;
- VPUB: CVP, PCVP/KT;
- Phòng KT;
- Lưu: VT, (KT-Trọng)
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Văn Hoan
|