Kế hoạch 202/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống hạn hán, thiếu nước tổng thể giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 202/KH-UBND
Ngày ban hành 20/10/2023
Ngày có hiệu lực 20/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 202/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 20 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC TỔNG THỂ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công văn số 3222/BNN-TL ngày 19/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xây dựng kế hoạch làm cơ sở chỉ đạo tổ chức sản xuất, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, phù hợp với khả năng cung cấp nước đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023 -2025. Tập trung ứng dụng đồng bộ các giải pháp cấp bách để ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước; tổ chức sản xuất theo hướng chủ động, bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao chất lượng và giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Chủ động nắm bắt, dự báo tình hình thời tiết để triển khai kịp thời các phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn nước, lương thực phục vụ dân sinh, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; huy động tối đa các nguồn lực để phục vụ công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo khả năng cung cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh năm 2023, tích trữ nước cho giai đoạn 2024 - 2025.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước; chủ động điều tiết, dự trữ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người, gia súc và sản xuất công nghiệp hợp lý, hiệu quả.

2. Yêu cầu

Các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước để kịp thời triển khai giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phù hợp với điều kiện thực tiễn. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “Ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính) trong ứng phó, khắc phục hạn hán, thiếu nước trên địa bàn.

Sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, tiết kiệm nước. Triển khai thực hiện công tác ứng phó với hạn hán theo nguyên tắc: ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước phục vụ chăn nuôi, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; khuyến cáo Nhân dân không sản xuất lúa ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và chuyển sang sản xuất các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước; sử dụng kinh phí thực hiện công tác ứng phó hạn hán phải đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy trình, quy định.

II. NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH KHÔ HẠN TRONG MÙA KHÔ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

1. Tình hình chung

Từ đầu năm 2023 do biến đổi khí hậu và sự trở lại của hiện tượng El Nino, thời tiết nắng nóng bất thường, nhiều tháng qua trên địa bàn tỉnh không có mưa hoặc có mưa nhưng rất ít. Các hồ chứa nước, sông, suối, khe rãnh cạn kiệt so với cùng kỳ năm trước, nguồn nước khan hiếm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của Nhân dân.

Trung tuần tháng 7 có mưa vừa do ảnh hưởng cơn bão số 01 và đầu tháng 8 có những cơn mưa rào rải rác. Tuy nhiên do lượng mưa ít, chỉ cải thiện phần nào hạn hán, thiếu nước ở sông, suối, khe rãnh; mực nước các hồ chưa tăng không đáng kể. Hiện tại (tính tới thời điểm 15/8/2023) trung bình mực nước trong các hồ chứa đạt 4,4m, tỷ lệ trung bình 60% so với thiết kế và đạt 96% so với cùng kỳ năm 2022. Một số hồ chứa có nguy cơ xảy ra hạn hán như: Nà Tâm, Thâm Sỉnh, Lẩu Xá, Bó Diêm, Nà Bây, Phai Chia, Bản Nằm, Nà Ái, Slam Kha, Phai Cháu, Rọ Thó, Nà Khoang, Rọ Bây, Bản Lải, Bản Chành, Khuổi Quật, Bản Nùng, Nà Diều, Nà Dày, Nà Ne, Tổng Đoàn, Sam Kha, Suối Con, Khum Cát, Nà Xà, Nà Lặp, Bãi Hào, Khe Khoang, Khẩu Cắm, Tành Chè, Rọ Tém, Rọ Doóc, Tá Phung, Rọ Nghè, Rọ Bây, Pò Rái do hiện nay đang tháo nước để sửa chữa, nâng cấp hoặc phải phục vụ cho cả nước sinh hoạt, một số hồ có dung tích thấp sau khi tháo nước phục vụ tưới cao điểm gieo cấy vụ mùa 2023, mực nước còn lại trong hồ thấp, trong 7 tháng đầu năm lượng mưa nhỏ, thấp hơn TBNN và cùng kỳ năm 2023 nên lượng mưa bổ sung cho các hồ không đáng kể.

2. Dự báo tình hình khô hạn trong mùa khô giai đoạn 2023-2025

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, El Nino có thể kéo dài, dự báo tác động lớn nhất trong năm 2024 với xác suất khoảng 80-90%. Trong điều kiện ảnh hưởng của El Nino, hầu hết các vùng ở trong nước nói chung và Lạng Sơn nói riêng, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn, khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối; theo đánh giá qua các mô hình dự báo cho thấy mức chênh lệch nhiệt độ trong giai đoạn này có thể vào khoảng từ 1,8-2°C, thấp hơn năm 2016 nhưng lại cao hơn mức 1,2°C của đợt El Nino năm 2019-2020. Vì vậy, có thể dự đoán mức độ của El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu đến nhanh trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ gây tình trạng hạn hán, thiếu nước trên diện rộng, trong đó có địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

3. Các khu vực có khả năng xảy ra hạn hán

Hiện nay các khu vực có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước kéo dài trên địa bàn toàn tỉnh, nguồn nước từ các sông, suối, khe rãnh cạn kiệt; phần lớn các công trình hồ chứa xây dựng cách đây 30-40 năm, một số hồ chứa đã bị xuống cấp phải tích nước hạn chế hoặc không tích được nước, không có nguồn sinh thủy hoặc nguồn sinh thủy không ổn định, một số hệ thống mương xây dựng đã lâu bị xuống cấp, khả năng dẫn nước không hiệu quả. Theo số liệu tổng hợp báo cáo của các huyện thành phố, dự kiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn về nguồn nước tưới khoảng 5.649,5ha. Trong đó dự kiến chuyển đổi từ diện tích đất trồng lúa sang trồng các cây khác có nhu cầu dùng ít nước, có khả năng chịu hạn cao như: rau màu, thạch đen, ngô, ớt, thuốc lá... khoảng 3.393,7 ha.

(Chi tiết tại Phụ lục 01 kèm theo).

III. CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC

1. Giải pháp cho vụ Mùa năm 2023

Để chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước có nguy cơ kéo dài vào cuối vụ mùa, cần triển khai ngay các giải pháp chống hạn ngay từ đầu vụ Mùa năm 2023, cụ thể:

- Tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch sản xuất, đồng thời phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi với các tổ chức, cá nhân, hộ dùng nước bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng để có kế hoạch cung cấp hợp lý hiệu quả.

- Triển khai thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước đang bị xuống cấp để đảm bảo cấp nước phục vụ người dân; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình cấp nước để kịp thời phục vụ dân sinh trong mùa khô hạn.

- Thực hiện các giải pháp nạo vét hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy, điều tiết nước linh hoạt phù hợp với khả năng, năng lực các công trình, thời vụ sản xuất, thời gian lấy nước, xả nước các hồ bảo đảm trong khung thời vụ theo hướng dẫn cơ quan chuyên môn; chủ động trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống sông, suối, dung tích nước chết trong hồ chứa, nguồn nước hồi quy trong nội đồng, tiết kiệm giữ lượng nước hỗ trợ cho vụ Đông Xuân 2023-2024; phục vụ dân sinh, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, góp phần cải thiện môi sinh, môi trường trong điều kiện nguy cơ nắng nóng kéo dài sau khi kết thúc vụ Mùa 2023.

- Nghiêm túc triển khai thực hiện Công điện số 397/CT-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công văn số 3222/BNN-TL ngày 19/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công văn số 628/UBND-KT ngày 27/5/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc tổ chức thực hiện Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.

2. Giải pháp cần triển khai thường xuyên giai đoạn 2023 - 2025

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ