ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2437/KH-UBND
|
Bến Tre, ngày 20
tháng 5 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 416/QĐ-TTG NGÀY 25 THÁNG 3
NĂM 2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ
THỊ SỐ 37-CT/TW NGÀY 03 THÁNG 9 NĂM 2019 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TĂNG
CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG QUAN HỆ LAO ĐỘNG HÀI HÒA, ỔN ĐỊNH VÀ TIẾN BỘ
TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ nội dung Quyết định số
416/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch
triển khai thực hiện Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Ban Bí
thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động
hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới (sau đây gọi là Chỉ thị số
37-CT/TW), Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với những
nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt
và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW, tạo chuyển biến rõ rệt
về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị từ
Trung ương đến cơ sở, người lao động, tổ chức đại diện người lao động và người
sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong việc xây dựng
quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
2. Các Sở, ban, ngành tỉnh có
liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ kết quả thực hiện Chỉ thị
số 22-CT/TW ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và kế hoạch
này để xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định các nhiệm vụ chủ yếu, tập trung chỉ đạo
tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chỉ thị số
37-CT/TW.
3. Phát huy sự vào cuộc của hệ
thống chính trị tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ,
tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của tổ chức
công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng trong quan hệ lao động, đẩy mạnh các
hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, giải quyết tốt tranh chấp lao động
và đình công, bảo đảm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giữ vững an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội.
4. Tiến hành triển khai thực hiện
đồng bộ Chỉ thị số 37-CT/TW với việc tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, các
chiến lược, chương trình hành động về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh hàng
năm và từng thời kỳ.
II. NỘI DUNG
VÀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ
Căn cứ vào nội dung, nhiệm vụ,
giải pháp về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình mới,
trong Chỉ thị 37-CT/TW, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra những nội dung và phân công
nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố cụ thể như sau:
1. Tuyên
truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài
hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới
a) Các Sở, ban, ngành tỉnh có liên
quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh,
Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức quán triệt nội dung Chỉ
thị số 37-CT/TW, tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể chủ yếu về xây dựng quan hệ
lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới đối với cán bộ, công
chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, xây dựng các chương
trình, kế hoạch triển khai thực hiện theo từng giai đoạn và hàng năm, đảm bảo bố
trí nguồn lực phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải
pháp đề ra.
b) Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên
giáo Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan
thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật
của Nhà nước về lao động và quan hệ lao động, nhất là nội dung của Bộ luật Lao
động, Luật Công đoàn, các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành tới
mọi tầng lớp nhân dân, người lao động, người sử dụng lao động để tạo sự đồng
thuận trong triển khai thực hiện, đồng thời nâng cao nhận thức người lao động,
người sử dụng lao động trong việc thành lập, tham gia, hoạt động trong các tổ
chức đại diện người lao động, đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định.
Xây dựng và triển khai thực hiện
có hiệu quả các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, phản bác các thông tin sai lệch,
gây ảnh hưởng không tốt tới tình hình quan hệ lao động và an ninh, trật tự xã hội.
c) Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội
Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị có liên quan tổng kết Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho
người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai
đoạn 2017 - 2021 và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp
luật lao động, quan hệ lao động cho phù hợp với từng giai đoạn.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị
có liên quan, các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động
cho người lao động và người sử dụng lao động, chú trọng nội dung, hình thức
tuyên truyền, thông tin trên mạng xã hội để tạo sự chuyển biến thực sự trong việc
chấp hành pháp luật của các bên trong quan hệ lao động.
d) Ban Quản lý các khu công
nghiệp
Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả công
tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động cho người lao động, người sử dụng
lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện cho người lao động,
người sử dụng lao động tiếp cận thông tin chính thức, nhằm nâng cao nhận thức
trong việc chấp hành pháp luật về lao động, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã
hội và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
đ) Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố
Chỉ đạo các cơ quan chức năng
có liên quan, các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu
quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động cho người lao động và
người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động để
nâng cao nhận thức trong việc chấp hành pháp luật về lao động, giữ gìn an ninh
trật tự, an toàn xã hội và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến
bộ trong tình hình mới.
2. Nâng cao
hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động
a) Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội
Thực hiện chức năng quản lý nhà
nước về lao động trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên
quan, các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao
nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, quản lý
tổ chức đại diện người lao động, phối hợp thực hiện giải quyết tranh chấp lao động,
đình công, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong
tình hình mới theo Bộ luật Lao động và Chỉ thị số 37-CT/TW.
Tăng cường phối hợp với các cơ
quan, đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định
của pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi vi
phạm pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của
các bên trong quan hệ lao động, nhằm nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật, góp
phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Tổ chức thực hiện công tác
thông tin thị trường lao động, thông qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm để
kết nối cung, cầu lao động và phát triển thị trường lao động.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tiếp nhận, hướng dẫn người sử dụng
lao động đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện
hành; cung cấp thông tin, số liệu về doanh nghiệp phục vụ xây dựng quan hệ lao
động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; đồng thời phối hợp với các
cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc giải quyết chế độ cho người lao động
theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc
chấm dứt hoạt động.
c) Sở Xây dựng
Tổ chức xây dựng hoàn thành
chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030 theo chủ trương
của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 1190/UBND-TCĐT ngày 16 tháng 3 năm
2020, trong đó chú trọng công tác phát triển nhà ở công nhân tại các khu, cụm
công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
d) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp tổ chức hoạt
động hiệu quả các thiết chế văn hóa nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho công
nhân lao động, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa
bàn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động.
đ) Ban Quản lý các khu công nghiệp
Thực hiện chức năng quản lý nhà
nước về lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị có liên quan, các địa phương, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động,
quản lý tổ chức đại diện người lao động, phối hợp thực hiện giải quyết tranh chấp
lao động, đình công, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến
bộ trong tình hình mới theo Bộ luật Lao động và Chỉ thị số 37-CT/TW.
Tăng cường phối hợp với các cơ
quan, đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định
của pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi vi
phạm pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của
các bên trong quan hệ lao động, nhằm nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật, góp
phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
e) Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị có liên quan sắp xếp, bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý
quan hệ lao động trên địa bàn huyện, thành phố. Sắp xếp, bố trí hòa giải viên
lao động cấp huyện để phối hợp giải quyết khi có tranh chấp lao động xảy ra
trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trong các doanh nghiệp.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra việc chấp hành pháp luật lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa
bàn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, thường xuyên theo dõi và
kịp thời giải quyết các vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động,
không để tranh chấp lao động kéo dài dẫn đến đình công.
Bố trí quỹ đất, có chính sách
ưu đãi, khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nhà ở cho công
nhân, nhà ở xã hội, cùng các công trình phúc lợi trên địa bàn theo quy định của
pháp luật.
3. Nâng cao
hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn
Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh
chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên
quan triển khai hiệu quả các chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần
cho người lao động, nhất là những người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Làm tốt công tác tuyên truyền,
phổ biến, tư vấn pháp luật cho đoàn viên, người lao động, nhất là người lao động
trong các khu công nghiệp. Chú trọng phát triển đoàn viên tại các doanh nghiệp,
thu hút người lao động tham gia xây dựng quan hệ lao động.
Nghiên cứu đổi mới phương thức
hoạt động của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp để tổ chức này thực sự
là tổ chức của người lao động, làm chỗ dựa vững chắc cho công đoàn cơ sở hoạt động,
nhất là trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong
tình hình mới.
Tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra về thực thi pháp luật lao động, nhất là việc tham gia bảo hiểm xã hội,
bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp đối với người lao động, nhằm bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong xây dựng quan hệ
lao động.
4. Thúc đẩy
các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể
a) Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội
Hỗ trợ, hướng dẫn người sử dụng
lao động trong việc thương lượng để tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể
theo hướng có lợi cho người lao động nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ theo pháp luật
lao động, trong đó chú trọng về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ phúc lợi
khác và các điều kiện lao động của người lao động.
b) Ban Quản lý các khu công
nghiệp
Hỗ trợ, hướng dẫn người sử dụng
lao động trong các khu công nghiệp thương lượng tập thể và tiến hành ký kết thỏa
ước lao động tập thể theo hướng có lợi cho người lao động nhưng vẫn đảm bảo
tuân thủ theo pháp luật lao động, trong đó chú trọng về tiền lương, tiền thưởng,
các chế độ phúc lợi khác và các điều kiện lao động của người lao động.
c) Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh
tăng cường chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp
trong việc tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất tại nơi làm việc theo quy định,
đồng thời tiến hành tổ chức thương lượng tập thể để ký kết thỏa ước lao động tập
thể, góp phần từng bước xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ
trong tình hình mới.
d) Đề nghị Liên minh Hợp tác xã
tỉnh, phối hợp với các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương nơi hợp
tác xã đặt trụ sở thực hiện việc tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hợp tác xã tổ chức đối
thoại định kỳ, đột xuất tại nơi làm việc theo quy định, đồng thời tư vấn, hướng
dẫn, hỗ trợ tổ chức thương lượng tập thể để ký kết thỏa ước lao động tập thể,
thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
5. Giải quyết
hiệu quả tranh chấp lao động và đình công
a) Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội
Thường xuyên phối hợp với các
cơ quan, đơn vị có liên quan, các địa phương theo dõi và nắm bắt tình hình của
các doanh nghiệp trên địa bàn để có những đề xuất xử lý kịp thời, hiệu quả khi
có tranh chấp lao động, đình công xảy ra.
b) Công an tỉnh
Chủ trì, phối hợp với cơ quan,
đơn vị có liên quan triển khai các phương án khi có tranh chấp lao động, đình
công xảy ra, nhằm đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, nhất là các doanh
nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn; kịp thời phát hiện và đấu tranh
ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng, lôi kéo, kích động, ép buộc người lao
động gây rối an ninh trật tự.
Tăng cường công tác tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ
quốc; chủ động nắm tình hình và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan
triển khai các giải pháp bảo đảm việc thành lập, hoạt động của tổ chức đại diện
người lao động đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định của pháp luật.
c) Ban Quản lý các khu công
nghiệp
Thường xuyên theo dõi nắm bắt
tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để phối hợp
với các cơ quan, đơn vị có liên quan, các địa phương tham gia giải quyết khi có
tranh chấp lao động, đình công xảy ra, đồng thời đề xuất những giải pháp xử lý
kịp thời, hiệu quả.
d) Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
Bố trí, sắp xếp đội ngũ hòa giải
viên cấp huyện để phối hợp giải quyết các tranh chấp lao động phát sinh và thể
hiện vai trò hỗ trợ trong việc xây dựng, phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn
định và tiến bộ trong tình hình mới, đồng thời nghiên cứu bồi dưỡng, tập huấn,
nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên và nghiên cứu chế độ đãi ngộ đối với
đội ngũ này.
đ) Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh
chỉ đạo các cấp công đoàn tích cực tham gia vào việc giải quyết các tranh chấp
lao động, đình công phát sinh theo đúng quy định của pháp luật; tích cực chủ động
phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, cùng các địa phương trong việc nắm
tình hình để có biện pháp giải quyết phù hợp, nhằm giảm thiểu các tranh chấp
lao động, đình công phát sinh trên địa bàn.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Các Sở, ban, ngành tỉnh có
liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được
giao tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch về tăng cường xây dựng quan hệ lao động
hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới để thúc đẩy hoạt động sản xuất
kinh doanh, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội; định kỳ hàng năm báo cáo
tình hình triển khai thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội) trước ngày 05 tháng 11 để tổng hợp báo cáo Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội theo quy định.
2. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch này, đồng
thời định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh
báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
3. Ban Quản lý các khu công
nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, các địa phương theo
dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch này đối với các doanh nghiệp
trong các khu công nghiệp, đồng thời định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo theo
quy định.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội
doanh nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển
khai kế hoạch này đến người lao động và người sử dụng lao động trong việc xây dựng
quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
5. Kinh phí thực hiện kế hoạch
này được cân đối, bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn
vị, địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Trong quá trình triển khai thực
hiện có khó khăn, vướng mắc phát sinh đề nghị các Sở, ban, ngành tỉnh có liên
quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phản ánh kịp thời cho Ủy ban nhân
dân tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp, báo cáo Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trên đây là kế hoạch triển khai
thực hiện Quyết định số 416/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng
Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03
tháng 9 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ
đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới
trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh
có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ LĐTB và XH;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức CT-XH;
- Liên đoàn Lao động tỉnh;
- Liên minh các HTX tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, các PCVP.UBND tỉnh;
- Phòng: TH, KGVX;
- Lưu: VT (Phuc).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Cao Văn Trọng
|