Kế hoạch 242/KH-UBND năm 2021 về bảo vệ môi trường đối với hoạt động du lịch biển, đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030

Số hiệu 242/KH-UBND
Ngày ban hành 13/12/2021
Ngày có hiệu lực 13/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Phạm Văn Thành
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 242/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 13 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH BIỂN, ĐẢO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ các quy định tại Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 và Luật Du lịch năm 2017. Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 4686/QĐ-UBND ngày 21/12/2020 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường đối với hoạt động du lịch biển, đảo trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ ĐỐI TƯỢNG:

1. Mục đích:

- Nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử bảo vệ môi trường của các đối tượng có liên quan trong hoạt động du lịch biển, đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

- Ngăn ngừa và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường trong quá trình tiến hành các hoạt động du lịch biển, đảo; bảo đảm phát triển du lịch biển đảo đi đôi với khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

2. Yêu cầu:

- Quán triệt, tuyên truyền, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức tiến tới chuyển hóa thành hành động của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường biển, đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan truyền thông trong công tác phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động du lịch biển, đảo trên địa bàn tỉnh.

- Phân công, xác định tránh nhiệm cụ thể của từng Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan; đảm bảo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng bộ, chặt chẽ trong phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch.

II. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Về quản lý và bảo vệ môi trường đối với hoạt động du lịch biển, đảo

- Mọi hoạt động du lịch trong khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, các xã đảo và các đảo trên địa bàn tỉnh không vi phạm các điều cấm tại Luật Bảo vệ môi trường; Luật Đa dạng sinh học; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Du lịch và các quy định pháp luật khác về bảo vệ môi trường.

- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long các xã đảo và các đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường và cam kết bảo vệ môi trường vịnh; đăng ký quy mô, nội dung, hình thức hoạt động dịch vụ với cơ quan có thẩm quyền và chấp hành nghiêm các nội dung đã cam kết, chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng có liên quan. Cùng với người dân địa phương có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường du lịch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của tài nguyên du lịch. Không xây dựng các công trình, dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

- Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long các xã đảo và các đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khi phát hiện những hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến bảo tồn, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, ô nhiễm môi trường có trách nhiệm kịp thời thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và phối hợp ngăn chặn, xử lý khi được yêu cầu.

- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức đến cộng đồng, đến các doanh nghiệp và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch; đến tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với du lịch.

- Khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường, du lịch cộng đồng... trên cơ sở không làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và tài nguyên rừng, biển; góp phần tích cực vào nỗ lực giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến du lịch; khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, tái tạo; áp dụng mô hình “3R” trong các cơ sở dịch vụ, du lịch.

- Không mang và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần khi tham quan di sản thế giới vịnh Hạ Long.

- Tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, làm bằng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ hoặc có thể dùng nhiều lần. Hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần và các sản phẩm khó phân hủy trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch, tiến tới hình thành các khu du lịch, dịch vụ biển, đảo không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Chọn lọc và ưu tiên đặt mua sản phẩm có dán nhãn thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng bao bì hữu cơ, bao bì phân hủy, bao bì sử dụng nhiều lần của các nhà cung cấp vật tư đầu vào cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

- Tuân thủ các quy định tham quan tại các khu bảo tồn, khu di tích trên địa bàn tỉnh.

2. Các hành vi bị nghiêm cấm

- Xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật. Các hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.

- Hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo vì lợi ích kinh tế.

- Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường.

- Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.

[...]