Kế hoạch 2419/KH-UBND năm 2019 về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020

Số hiệu 2419/KH-UBND
Ngày ban hành 18/09/2019
Ngày có hiệu lực 18/09/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2419/KH-UBND

Kon Tum, ngày 18 tháng 9 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CÓ TAY NGHỀ CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 803- CV/TU ngày 05 tháng 7 năm 2019 về việc tăng cường công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NHÂN LỰC CÓ TAY NGHỀ CAO

Toàn tỉnh có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN)(1) với 70 cán bộ quản lý và 387 giáo viên trực tiếp giảng dạy. Có 02/09 cơ sở GDNN công lập được giao quyền tự chủ một phần, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính(2). Các cơ sở GDNN đã thực hiện việc tự đánh giá chất lượng GDNN hằng năm đảm bảo theo đúng quy định(3); cơ bản đảm bảo đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhà giáo chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ GDNN và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần tập trung khắc phục:

1. Các cơ sở GDNN chưa xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Việc liên kết với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo- tuyển dụng, đào tạo người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo nhu cầu của doanh nghiệp,... còn nhiều bất cập.

2. Công tác dự báo để đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao gắn với phát triển kinh tế địa phương chưa rõ nét.

3. Cơ sở vật chất ở một số Trung tâm GDNN-giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp huyện chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo, nhất là đào tạo nhân lực có tay nghề cao; thiếu giáo viên có trình độ cao, giáo viên tích hợp; số nhà giáo tham gia các kỳ đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia còn thấp.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao trách nhiệm của các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trong việc thực hiện Chương trình số 2490/CTr-UBND ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 75-KH/TU ngày 04 tháng 8 năm 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” .

2. Có giải pháp phù hợp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

3. Từng bước xây dựng lực lượng lao động có tay nghề cao đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, nhất là đối với các lĩnh vực ngành nghề đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

III. NỘI DUNG

1. Mục tiêu

- Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đối với việc phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương và của tỉnh.

- Đưa công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực có tay nghề cao vào trong các chương trình, kế hoạch hoạt động của các Sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp; đảm bảo thực hiện có hiệu quả mục tiêu đào tạo nhân lực có tay nghề cao, tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực mũi nhọn, chủ lực của tỉnh.

2. Chỉ tiêu

- 100% các huyện, thành phố tổ chức rà soát, khảo sát nguồn nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn, nhất là các khu công nghiệp, làng nghề, các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế mũi nhọn của địa phương (ít nhất 01 năm/01 lần).

- Tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để kết nối với doanh nghiệp, nhà đầu tư: Ít nhất 01 hoạt động/01 năm.

- 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao của cơ sở mình (01 bộ tiêu chí/chương trình/01 năm). Tổ chức đánh giá hiệu quả đào tạo sau tốt nghiệp của học sinh, sinh viên, học viên; phấn đấu mỗi năm có 10% số học sinh, sinh viên, học viên đạt tiêu chí, tiêu chuẩn tay nghề cao tại các doanh nghiệp, địa phương, cơ sở (sau 02 năm làm việc) so với tổng số học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp.

3. Nhiệm vụ và giải pháp

- Tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các bài viết, phóng sự tuyên truyền về đào tạo và sử dụng nhân lực có tay nghề cao trên báo, đài; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề nhân lực có tay nghề cao trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề; trong các cuộc họp chính quyền, đoàn thể tại thôn, xã;...

- Phổ biến các bậc trình độ kỹ năng nghề; tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương; các thang đo bậc thợ cho người lao động tại doanh nghiệp để các cơ sở GDNN nghiên cứu, áp dụng xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao phù hợp điều kiện cụ thể của từng lĩnh vực, ngành nghề đào tạo, của từng địa phương.

- Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực trẻ hiện có; tiếp tục quan tâm lựa chọn và đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tăng cường vận động doanh nghiệp tham gia đào tạo, nhất là trong các lĩnh vực đang thiếu nhân lực như công nghệ thông tin, du lịch; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

- Tiếp tục xây dựng mô hình hợp tác ba bên: Ủy ban nhân dân cấp huyện- Doanh nghiệp - Cơ sở GDNN nhằm tăng cường công tác đào tạo gắn với tuyển dụng lao động giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cơ sở GDNN; kịp thời nắm bắt nhu cầu, yêu cầu của doanh nghiệp, định hướng đào tạo nghề cho người lao động cho các cơ sở GDNN.

- Đánh giá thực trạng việc sử dụng cơ sở vật chất của Trung tâm GDNN- GDTX huyện theo hướng sử dụng hiệu quả các hạng mục công trình của Trung tâm; tránh lãng phí hoặc xuống cấp, hư hỏng.

- Tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ nhà giáo tham gia đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng về GDNN, đáp ứng chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; bảo đảm thời gian thực hành, thực tập của nhà giáo tại doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

[...]