Kế hoạch 240/KH-UBND năm 2022 thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 240/KH-UBND
Ngày ban hành 05/10/2022
Ngày có hiệu lực 05/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Thị Hạnh
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 240/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 05 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2022 - 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các điều kiện đảm bảo thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT ngày 19/8/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023; Thông báo số 692-TB/TU ngày 30/8/2022 về chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh với những nội dung, nhiệm vụ cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Phát huy ưu điểm, thành tích của những năm học trước; giữ vững thành quả đã đạt được, thi đua dạy tốt - học tốt - quản lý tốt, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.

2. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục phổ thông, đặc biệt là khu vực ngoài công lập. Nhanh chóng thu hẹp chênh lệch, khoảng cách giữa các vùng miền về chất lượng giáo dục; nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Phấn đấu mục tiêu đến trước năm 2030 đưa tỉnh Quảng Ninh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có chất lượng giáo dục, đào tạo tốt nhất cả nước.

3. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học thích ứng với sự thay đổi, tiếp cận chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam, chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và quốc tế hóa trong các cơ sở giáo dục.

4. Đảm bảo năm học 2022 - 2023 thực hiện tốt mục tiêu kép: vừa an toàn tuyệt đối về sức khỏe cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên, sinh viên vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học theo chủ đề công tác năm 2022 của tỉnh “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, theo chủ đề năm học 2022 - 2023 là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

II. CHỈ TIÊU CƠ BẢN NĂM HỌC 2022 - 2023

1. Phấn đấu công nhận mới 11 trường đạt chuẩn quốc gia1, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 88,74%2.

2. Tổ chức cho 260 giáo viên đi đào tạo nâng chuẩn; thêm 1.015 giáo viên hoàn thành đào tạo đạt chuẩn và 120 giáo viên hoàn thành trình độ trên chuẩn; nâng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn lên 86,0 %3.

3. Hoàn thành việc biên soạn, thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương.

4. Đối với giáo dục mầm non: Phấn đấu tỷ lệ huy động trẻ Nhà trẻ đạt 33,3%; trẻ Mẫu giáo đạt 93,7%, trẻ 5 tuổi đạt 99,9%; trẻ Mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình đạt 99,9%; trẻ học 2 buổi/ngày và trẻ được khám sức khỏe định kỳ đạt 100%; trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 0,3% và trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 0,2% so với cùng kỳ năm học trước; trẻ béo phì được khống chế4.

5. Đối với giáo dục tiểu học: Phấn đấu tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 65%, trong đó phấn đấu tỷ lệ học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3 học 2 buổi/ngày đạt 75%; học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99%; học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,5%5.

6. Đối với giáo dục trung học: Phấn đấu học sinh trung học lên lớp thẳng đạt tỷ lệ 98,0% trở lên6, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 97,8 % trở lên7.

7. Đối với giáo dục thường xuyên: Phấn đấu tỷ lệ xóa mù chữ: 99,70%; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 28; tỷ lệ lên lớp thẳng đối với học sinh học văn hóa: 96,5%.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường chỉ đạo của chính quyền các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục - đào tạo đối với nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo tỉnh Quảng Ninh trong tình hình mới và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023

Tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 20239.

Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm học 2022 - 2023 vào các chương trình, nghị quyết của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và cơ sở giáo dục đào tạo; tích cực tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.

Bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học các cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương; bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia và các đề án, dự án đã được phê duyệt để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình quy định để duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và thực hiện các mục tiêu giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng tổ chức Đoàn, Đội trong mỗi cơ sở giáo dục thật sự trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao; mở rộng và phát huy dân chủ trong trường học để có môi trường giáo dục thực sự dân chủ. Đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, chống bệnh thành tích, lạm thu, dạy thêm, học thêm không đúng quy định.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; gắn với công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non, học sinh phổ thông. Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh, không để tình trạng gây bức xúc trong nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập để giảm áp lực cho trường mầm non, phổ thông công lập, đặc biệt tại các địa bàn Khu công nghiệp, khu vực đông dân cư.

2. Kiên trì thực hiện chủ trương xây dựng nền giáo dục mở, hiện đại, tiên tiến; cơ cấu, phương thức phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đảm bảo liên thông, phục vụ học tập suốt đời của người dân, cung cấp dịch vụ giáo dục có chất lượng cao, tiệm cận với trình độ quốc tế, phát triển toàn diện năng lực của người học

Xây dựng nền giáo dục mở, hiện đại, tiên tiến; tạo sự bình đẳng về tiếp cận giáo dục cho mọi người, đai cũng có thể học hành, cũng như có cơ hội được học tập, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cá nhân, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, triển khai việc thiết kế và cung cấp khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi người dân qua nhiều phương thức đào tạo; rà soát, gạt bỏ bớt các rào cản hạn chế cơ hội tham gia của người học; củng cố các nền tảng về phương pháp, phương tiện, hạ tầng tiếp tục đa dạng hóa các hình thức giảng dạy - học tập: trực tuyến, qua internet, các hoạt động giáo dục cộng đồng, ngoại khóa, nghiên cứu...

3. Bố trí nguồn lực, ưu tiên đầu tư, phát triển giáo dục - đào tạo là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, yêu cầu các địa phương phải cân đối ưu tiên đầu tư từ ngân sách và thu hút nguồn vốn xã hội để tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất trường học

Tập trung phát triển, hoàn thiện hạ tầng giáo dục và đào tạo theo 3 khu vực: đô thị; nông thôn; miền núi, biên giới, hải đảo; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu mỗi huyện có một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có một trường trung học phổ thông công lập theo tiêu chí chất lượng cao (theo Nghị quyết số 99 NQ-HĐND ngày 31/5/2022 của HĐND tỉnh).

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Ưu tiên củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ