Kế hoạch 24/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 24/KH-UBND
Ngày ban hành 12/02/2020
Ngày có hiệu lực 12/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Đặng Huy Hậu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 12 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 134/QĐ-BNN-QLCL ngày 08/01/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 239/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016 - 2020; Nghị quyết số 231/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến nay;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 294/TTr-NN&PTNT-QLCL ngày 03 tháng 02 năm 2020. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Đảm bảo an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp; sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản an toàn; giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Khắc phục những tồn tại, hạn chế về công tác an toàn thực phẩm đã nêu tại Nghị quyết số 231/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến nay.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP gắn với thực hiện chủ đề công tác năm 2020 về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững”.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% người quản lý, người sản xuất, chế biến, lưu thông, buôn bán đến người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật về chất lượng VTNN, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp.

- 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- 100% cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm qui định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh giảm 10% so với năm 2019.

- Xây dựng 12-15 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), mỗi lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản xây dựng từ 04-05 cơ sở.

- Đưa vào vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm an toàn bằng mã QR-code, bảo đảm 80% chuỗi sản phẩm được xác nhận ATTP và 50% sản phẩm trong chương trình OCOP tham gia.

- Triển khai xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung phù hợp với điều kiện thực tiễn với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2021 cơ bản xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư trên địa bàn.

- Triển khai thực hiện phát triển các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh theo Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định triển khai thực hiện Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh về ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh”.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

1. Công tác chỉ đạo điều hành:

- Tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới;

- Xây dựng và mở rộng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn các sản phẩm chủ lực tỉnh; nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đảm bảo ATTP.

2. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; hoàn thiện các Đề án và hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật

- Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, khu giết mổ tập trung, các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh theo Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện các Đề án: Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

- Tham gia rà soát, góp ý hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm hài hòa với các chuẩn mực quốc tế và tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Hoàn thiện Hướng dẫn liên ngành về lập, thẩm định, phê duyệt các dự án khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

[...]