Kế hoạch 29/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2020

Số hiệu 29/KH-UBND
Ngày ban hành 11/02/2020
Ngày có hiệu lực 11/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Hồ Tiến Thiệu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 11 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2020

Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Quyết định số 134/QĐ-BNN-QLCL ngày 08/01/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020 trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu, yêu cầu chung

Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong bảo đảm an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

2. Kết quả và chỉ số cần đạt

(1) Trên 50% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý theo phân cấp tại Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 22/11/2019 của UBND tỉnh được thống kê, kiểm tra, đánh giá, phân loại theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

(2) Số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý theo phân cấp tại Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 22/11/2019 của UBND tỉnh được thanh, kiểm tra kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông lâm, thủy sản tăng thêm 20% so với năm 2019.

(3) 100% cơ sở được đánh giá xếp loại C năm 2019 được tái kiểm tra; 100% số hộ ký cam kết hết thời hạn thực hiện, ký lại cam kết theo quy định.

(4) Tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả, chất cấm trong giò, chả của cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản dưới mức 6%; 100% số cơ sở có mẫu không đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm năm 2019 được lấy mẫu kiểm tra định kỳ và không tái phạm.

(5) 100% số cán bộ, công chức kiêm nhiệm công tác an toàn thực phẩm tại các xã, phường, thị trấn được tập huấn về công tác quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản.

(6) Hỗ trợ, duy trì chuỗi thực phẩm an toàn nông, lâm, thủy sản đã được cấp giấy xác nhận “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”; phát triển thêm từ 05 chuỗi trở lên.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường, chủ động trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các địa chỉ sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn, đồng thời kịp thời thông tin đến người dân các cơ sở sản xuất không bảo đảm quy định.

2. Chủ động phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát, chuyển mạnh sang kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm. Tổ chức kiểm tra liên ngành dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết trung thu năm 2020 theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Tiếp tục chỉ đạo, điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản với các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm; các chính sách hỗ trợ sản xuất sản phẩm an toàn.

Mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, bày bán nông sản, thủy sản tươi sống. Hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn.

4. Chủ động công tác lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm, tập trung vào thực phẩm rủi ro cao, tiêu thụ nhiều nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp nông sản thực phẩm không đảm bảo an toàn. Chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm trên địa bàn.

5. Củng cố, hỗ trợ, xây dựng lực lượng quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tình hình mới, trong đó quan tâm tập trung vào các nhiệm vụ sau:

- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và thanh tra chuyên ngành chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV và Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT về tổ chức bộ máy ngành nông nghiệp ở địa phương, ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt động giám sát, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, đặc biệt là cán bộ quản lý, thanh tra, lấy mẫu tại tuyến huyện, xã.

- Đầu tư, bổ sung trang thiết bị cho hoạt động kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trang thiết bị kiểm tra nhanh tại hiện trường. Tập trung đầu tư nâng cấp trang thiết bị các phòng kiểm nghiệm phục vụ cho công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm nghiệm, tư vấn, chứng nhận chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí để thực hiện Kế hoạch này được lồng ghép từ các nguồn vốn đã bố trí trong năm 2020 cho các đơn vị, gồm:

- Kinh phí Chương trình mục tiêu Y tế.

- Kinh phí chi cho quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm, hoạt động đào tạo, thông tin tuyên truyền về an toàn thực phẩm.

[...]