Kế hoạch 2380/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 2380/KH-UBND
Ngày ban hành 26/07/2022
Ngày có hiệu lực 26/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Văn Phong
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2380/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 26 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA CẤP NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Căn cứ Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 16 tháng 10 năm 2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng thể

- Đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh;

- Bảo đảm sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2030

- Phấn đấu 80% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày;

- Phấn đấu có 100% hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định;

- Phấn đấu 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

2.2. Đến năm 2045

Phấn đấu 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

II. Nhiệm vụ, giải pháp

1. Về cấp nước sạch nông thôn

1.1. Cấp nước sạch tập trung

1.1.1. Đầu tư công trình cấp nước

- Huy động, lồng ghép các nguồn vốn Trung ương và địa phương; vốn tài trợ, vốn vay của các tổ chức quốc tế và các nguồn vốn khác tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, có công suất từ 5.000 - 15.000 m3/ngày nằm kế cận các công trình thủy lợi có quy mô lớn hoặc sông lớn như hồ Sông Lũy, hồ Sông Quao, hồ Suối Đá, hồ Tân Lập, sông Dinh 3, sông La Ngà...đảm bảo có nguồn nước thô ổn định trong mùa khô hạn cho các nhà máy nước vận hành thường xuyên, liên tục, tránh bị gián đoạn, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện công tác bảo đảm an toàn về chất lượng nguồn nước thô cấp cho các nhà máy nước và mục tiêu an toàn nguồn nước và kế hoạch cấp nước an toàn. Đồng thời nối mạng hệ thống tuyến ống phân phối cấp nước giữa các công trình cấp nước để bổ sung, hỗ trợ cung cấp nước cho người dân trên địa bàn liên xã, liên huyện và duy trì bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Nhà nước ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo.

- Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công trình cấp nước sạch nông thôn; chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn lắp đặt thủy kế.

1.1.2. Quản lý bền vững công trình cấp nước

- Đầu tư trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác theo dõi, giám sát chất lượng nước thường xuyên tại các công trình cấp nước đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 đối với lĩnh vực cung cấp nước sinh hoạt nông thôn;

- Giá thành nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch, thuế và lợi nhuận theo quy định hiện hành của Nhà nước;

- Ủy ban nhân dân các địa phương và đơn vị cấp nước phối hợp thực hiện công tác thông tin - truyền thông - vận động các hộ gia đình lắp đặt tuyến ống phân phối, ống nhánh và thủy kế sử dụng nước sạch để phát huy hiệu quả đầu tư công trình cấp nước, tăng nhanh số lượng hộ dân được sử dụng nước sạch.

1.1.3. Ứng dụng khoa học công nghệ

[...]