Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 230/KH-UBND năm 2022 về phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

Số hiệu 230/KH-UBND
Ngày ban hành 07/12/2022
Ngày có hiệu lực 07/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Đặng Minh Thông
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 230/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 07 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC TIẾP NHẬN, BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Thực hiện Quy chế số 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG ngày 18 tháng 7 năm 2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao về việc phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng ban hành Kế hoạch phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, điều hành của các Sở, ngành có liên quan (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Sở Ngoại vụ, sau đây gọi chung là các cơ quan có liên quan) trong thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị mua bán, với phương châm lấy nạn nhân làm trung tâm, vì quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán.

Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của các cơ quan có liên quan trong thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác phối hợp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện công tác.

2. Yêu cầu

Bảo đảm thống nhất, kịp thời, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan liên quan theo quy định của pháp luật về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong việc tổ chức thực hiện đề xuất, triển khai các hoạt động phối hợp công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Tuân thủ các quy định của pháp luật về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có liên quan. Bảo đảm bí mật Nhà nước, thông tin về nạn nhân và người thân thích của họ theo quy định của pháp luật.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Xây dựng các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Các cơ quan có liên quan chủ động rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành đề án, dự án, chương trình, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của từng đơn vị.

Tham gia ý kiến đối với dự thảo Đề án, dự án, chương trình, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo theo chức năng nhiệm vụ và nội dung phối hợp.

2. Truyền thông nâng cao nhận thức

Các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về phòng, chống mua bán người thông qua việc xây dựng tờ rơi, phóng sự, video clip, chuyên trang, chuyên mục, cẩm nang, sách mỏng; tuyên truyền, phổ biến về chính sách pháp luật, công tác chỉ đạo, triển khai và kết quả thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đăng tải, cập nhật tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội (Fanpage) của các cơ quan có liên quan. Thực hiện việc chia sẻ các sản phẩm, tài liệu truyền thông giữa các cơ quan có liên quan để phục vụ cho công tác tuyên truyền trên các phương tiện, ấn phẩm truyền thông của mỗi cơ quan hoặc tại các hội nghị, hội thảo, tập huấn triển lãm... nhằm tránh bị chồng chéo, tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu quả truyền thông.

Các cơ quan có liên quan phối hợp tổ chức hoặc cử đại biểu tham dự các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trao đổi thông tin về công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, trực tuyến, truyền thông tại cộng đồng. Đặc biệt hướng đến nhóm nguy cơ cao như phụ nữ, trẻ em gái ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và thực hiện đánh giá kết quả để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.

3. Đào tạo, bồi dưỡng cho người làm công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, chia sẻ tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho công chức, viên chức, cộng tác viên thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ thuộc các cơ quan có liên quan (Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Sở Ngoại vụ). Nội dung trọng tâm về các kiến thức, kỹ năng tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân dựa trên quyền và sự hiểu biết về sang chấn tâm lý, nhạy cảm giới.

Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Sở Ngoại vụ xây dựng, chia sẻ tài liệu và tổ chức tập huấn cho công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ và cộng tác viên thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thuộc ngành mình về những kiến thức chuyên ngành, biện pháp nghiệp vụ và các kỹ năng, tình huống có thể xảy ra trong quá trình tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

4. Tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân; tiếp nhận nạn nhân bị mua bán

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện việc tiếp nhận thông tin về nạn nhân bị mua bán tự đến trình báo hoặc thông tin từ Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã chuyển đến; phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp nơi nạn nhân tự đến trình báo và cơ quan giải cứu nạn nhân (Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển) thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chuyển tuyến nạn nhân về nơi cư trú Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em hoặc Trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập khác theo nguyện vọng của nạn nhân bị mua bán.

Công an tỉnh chỉ đạo các Phòng, ban, đơn vị nghiệp vụ và Công an các cấp thực hiện việc xác minh và cung cấp thông tin, tài liệu, giấy tờ chứng minh nạn nhân theo yêu cầu của các cơ quan liên quan; phối hợp với Sở Ngoại vụ, Công an của các tỉnh nơi nạn nhân bị mua bán được lưu giữ để thực hiện phối hợp trong việc tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân và phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển trong việc tiếp nhận hoặc trao trả nạn nhân theo quy định.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân bị mua bán; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân tự trở về, Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi có cửa khẩu mà nạn nhân nhập cảnh và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi nạn nhân đến trình báo hoặc được giải cứu để thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ và chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán theo Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG.

Sở Ngoại vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, Công an tỉnh, cơ quan cấp trên kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu liên quan đến nạn nhân bị mua bán, các giấy tờ chứng minh nạn nhân bị mua bán là công dân của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thực hiện các thủ tục tiếp nhận theo quy định hiện hành.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, các đơn vị và cơ quan chuyên môn khi thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện việc phối hợp tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

[...]